Không phải thua lỗ do đầu tư hay bị hacker trộm tiền, một số chủ sở hữu tiền mã hóa đã mất sạch vì những lý do khó tin.
Sau nhiều đợt tăng giá mạnh mẽ, nhiều người nắm giữ Bitcoin đã trở nên giàu có trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng có những chủ sở hữu ngậm ngùi làm “triệu phú hụt” vì tự mình làm mất ví chứa Bitcoin.
Vụ việc gây thiệt hại lớn nhất thuộc về James Howells, kỹ sư sống tại Newport (xứ Wales). Sai lầm từ 9 năm trước của anh gần đây bắt đầu xôn xao trở lại khi anh mạnh tay chi đến 11 triệu USD để tìm lại chiếc ổ cứng chứa 7.500 Bitcoin (khoảng 181 triệu USD). Năm 2013, Howells sở hữu 2 chiếc ổ cứng, một chiếc không có dữ liệu và chiếc còn lại có 7.500 USD.
Tuy nhiên, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, Howells đã vô tình vứt nhầm ổ cứng chứa Bitcoin. Kể từ đó, anh luôn không ngừng nỗ lực tìm lại số tiền bị mất của mình.
Năm 2021, Howells tuyên bố một kế hoạch dài 12 tháng nhằm bới tìm ổ cứng trong các bãi rác thành phố. Anh cho hay sẽ sử dụng thiết bị quét tia X và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ quá trình này.
Tuy nhiên, kế hoạch của Howells nhanh chóng vấp phải sự phản đối kịch liệt của chính quyền thành phố Newport do lo ngại về vấn đề môi trường. Dù Howells đề nghị tặng cho thành phố số Bitcoin có giá trị đến 76 triệu USD, chính quyền vẫn giữ lệnh cấm anh tìm lại ổ cứng.
Không từ bỏ hy vọng, kỹ sư xứ Wales mới đây bật mí sẽ bỏ ra 11 triệu USD để đào bới 110.000 tấn rác. Các trợ thủ của Howells bao gồm đội ngũ 8 chuyên gia, chó robot và máy phân loại tích hợp AI.
Stefan Thomas, lập trình viên người Đức, sở hữu ví chứa 7.002 BTC (khoảng 161 triệu USD) nhưng lại không nhớ mật khẩu. Ổ cứng IronKey cho phép Thomas nhập mật khẩu tối đa 10 lần. Thomas đã nhập sai mật khẩu 8 lần. Nếu tiếp tục nhập sai ở 2 lần thử cuối cùng, anh sẽ mất toàn bộ Bitcoin trong ví.
Nhiều năm sau, Thomas cho hay anh đã bắt đầu nguôi ngoai về khoản tiền khổng lồ. Sau khi câu chuyện của anh được chia sẻ trên New York Times, hàng trăm người từ khắp thế giới đã liên lạc để cho Howells lời khuyên. Một số người giới thiệu anh đến gặp nhà ngoại cảm, số khác khuyên anh dùng thử nootropic, một loại thuốc tăng cường trí nhớ.
Tuy nhiên, Thomas khẳng định chỉ kể lại câu chuyện để nhắc nhở người mua Bitcoin không mắc sai lầm tương tự. Thomas khuyên mọi người phải đặc biệt cẩn trọng với mật khẩu truy cập ví tiền số.
Đầu năm 2017, Clifton Collins, một tay buôn ma túy người Ireland, đã đứng trước một bài toán khó: làm cách nào để giấu số Bitcoin bất hợp pháp trị giá hơn 130 triệu USD khỏi cảnh sát.
Giải pháp của Collins là tạo 12 ví tiền mã hóa mới, sau đó chia đều 6.000 Bitcoin cho các ví. Tiếp đến, Collins cẩn thận in thông tin tài khoản và mật khẩu ra một tờ giấy A4 và cất vào hộp đựng cần câu cá tại căn nhà thuê ở Galway (Ireland). Thời điểm đó, tay buôn ma túy tin chắc đây là ý tưởng hay.
Không lâu sau, cảnh sát bắt giữ Collins do phát hiện lượng cần sa trị giá 2.000 USD trong xe của ông. Collins bị kết án 5 năm tù. Chủ thuê quyết định dọn dẹp sạch sẽ ngôi nhà, bao gồm hộp đựng cần câu.
Theo Irish Time, rác thải từ bãi chứa đã được chuyển đến Đức và Trung Quốc để đốt. Chiếc hộp không bao giờ được tìm thấy.
Một tài khoản Reddit ẩn danh kể rằng từng mua 10.000 Bitcoin vào năm 2010 với giá khoảng 50 bảng Anh (60 USD). Đến năm 2014, người này kinh ngạc nhận ra giá trị của số Bitcoin đã tăng lên đến 300 triệu bảng (360 triệu USD).
Ban đầu, anh chỉ thử mua Bitcoin do được một người bạn cùng phòng đại học thuyết phục. Sau khi tốt nghiệp, anh hoàn toàn quên về số tiền đó. Cho đến khi tiền số bắt đầu nhận được sự chú ý, người dùng Reddit mới nhớ đến mình từng giao dịch mua 10.000 Bitcoin từ 4 năm trước.
Tuy nhiên, khi trở về nhà tìm lại chiếc máy tính xách tay cũ lưu lại thông tin tài khoản của mình, anh phát hiện ra mẹ đã vứt nó ra ngoài.
Trong bài đăng trên Reddit năm 2019, anh chia sẻ mình cảm thấy "tức giận, bối rối, sốc cùng nhiều cung bậc cảm xúc khác". Người này cho hay đã "ngất theo đúng nghĩa đen" và bị "suy sụp tinh thần suốt khoảng thời gian dài".
Matthew Mellon từng xếp thứ 5 trong danh sách top 10 triệu phú tiền số thế giới của tạp chí Forbes. Ông nổi tiếng với những khoản đầu tư lớn vào XRP (Ripple), một đồng coin được xây dựng với mục đích hỗ trợ giao dịch ngân hàng.
Năm 2018, ông đột ngột qua đời sau một cơn đau tim ở tuổi 54, để lại khối gia sản XRP trị giá hơn 500 triệu USD. Tuy nhiên, gia đình của ông không bao giờ tiếp cận được số tiền đó.
Matthew Mellon trữ gần như toàn bộ XRP trong các ví lạnh trên khắp nước Mỹ. Ví lạnh là một loại ví tiền mã hóa không được kết nối với mạng Internet để tránh rủi ro về bảo mật và cần có khóa cá nhân (private key) để mở chúng. Cả vị trí ví lẫn khóa cá nhân cho đến nay vẫn còn là một ẩn số với gia đình của Mellon.