Loa phường công nghệ số
7h30 ngày 29/7, chị Đỗ Thu Hằng, cán bộ văn hóa phụ trách truyền thanh phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm đến nhiệm sở.
Lúc này, loa phường cũng bắt đầu phát bản tin sáng nội dung về phòng chống dịch sốt xuất huyết, tiêm phòng Covid-19 mũi 4, tuyên truyền phòng cháy chữa cháy....
Bản tin được đọc qua giọng phát thanh viên nam và nữ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), lồng tiếng tự động, phát tới 5 cụm loa trên địa bàn phường.
Các cụm loa thu sóng thông qua đầu thu không dây, lắp đặt ngay tại cột. Chương trình phát sóng kéo dài 15 phút đã được chị Hằng biên tập sắp xếp, cài giờ trên hệ thống quản lý từ tối hôm trước.
Chị Hằng bật máy tính đăng nhập vào hệ thống quản lý để biên tập bản tin chiều, phát vào 16h30 đến 16h45. Mỗi ngày, phần việc kiêm nhiệm phát thanh cơ sở của cán bộ văn hóa phường hoàn thành trong chưa đầy 30 phút.
Từ tháng 4/2021, phường Hàng Trống là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội chuyển đổi số loa phường theo chủ trương của Chính phủ, Bộ TT&TT. Đến nay, Hà Nội đã có 35 phường, xã, thị trấn (thuộc quận Hoàn Kiếm, Long Biên, huyện Quốc Oai, Ứng Hòa) chuyển đổi số truyền thanh cơ sở.
Kiêm nhiệm phát thanh viên phường từ năm 2016, chị Đỗ Thu Hằng nhận thấy ứng dụng công nghệ mới, thời gian dành cho phần việc này của mình giảm gấp 4 lần.
"Loa phường công nghệ số đặc biệt phát huy hiệu quả trong đợt dịch Covid-19, với yêu cầu thông báo khẩn tìm người, truy vết, tôi có thể dùng máy tính cá nhân phát bản tin. Chúng tôi cũng không còn nhận phản ánh của người dân bức xúc về loa phường gây tiếng ồn khó chịu', chị Hằng nói.
Hệ thống quản lý truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông phường Hàng Trống được cung cấp bởi một công ty của Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Hệ thống này cung cấp cho người sử dụng công cụ quản lý thiết bị loa, tăng giảm âm lượng loa từ xa; quản lý lịch phát, thư viên tin; phát trực tuyến và chuyển thể văn bản chữ sang giọng nói với 6 giọng đọc nam-nữ, tiếng miền Bắc-Trung-Nam.
Nhà ngay sát cụm loa số 8 Phủ Doãn, ông Lê Đình Hòa, 75 tuổi nói: "Trước đây loa phường phát từ sáng sớm hơn nửa tiếng đồng hồ, đôi lúc cả giờ nghỉ trưa, loa lỗi sóng kêu rè rè, thỉnh thoảng hú lên hồi dài, khiến tôi gia đình tôi mất ngủ.
Hơn một năm qua, loa phường đã giảm bớt âm lượng, thời gian phát. Tôi nghĩ duy trì nó vẫn cần thiết để thông báo cho người dân những trường hợp khẩn cấp trên địa bàn".
Điều chỉnh hệ thống loa phường
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, hiện thành phố vẫn đang duy trì 579 đài truyền thanh cơ sở (hệ thống loa phường, xã).
Từ năm 2017, thành phố đã có những điều chỉnh trong hoạt động hệ thống phát thanh, các địa phương căn cứ nhu cầu truyền thông và chủ động quyết định vị trí lắp đặt loa, tránh khu vực trường học ảnh hưởng, khu vực có người già, đoàn ngoại giao.
Thời lượng phát sóng cũng giảm xuống còn 15 phút, một nửa so với trước đây, mỗi ngày tối đa không quá 2 buổi.
Theo Phó Giám đốc Sở TT & TT Hà Nội việc ứng dụng công nghệ mới, lồng tiếng tự động sẽ giảm thiểu nhân lực và quản trị được thông tin ở mọi các cấp khác nhau. Đây là bước tiến cần thiết hướng tới để loa phường, xã hiệu quả, gần gũi hơn.
Loa phường ứng dụng công nghệ số ở phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Video: Bình Nguyên.
Theo Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 được UBND.TP Hà Nội, đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây FM chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Đến năm 2025, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.
Việc triển khai chuyển đổi số hệ thống phát thanh cơ sở thực theo chủ trương của Chính phủ, Bộ TT&TT, Hà Nội là một trong số 20 địa phương thực hiện.