Đền Voi Phục, quận Ba Đình, Hà Nội. Clip: Kim Duyên.
Vào một ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm đến Đền Voi Phục – trấn Tây thành Thăng Long để tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu về "Thăng Long tứ trấn", được gặp ông Nguyễn Trọng Tuân (68 tuổi). Ông là thủ nhang, cũng là người trông nom thường xuyên ở đền gần 10 năm qua.
Với tất cả thông tin của mình, ông Tuân như một hướng dẫn viên du lịch niềm nở, nhiệt tình hướng dẫn và kể cho tôi những câu về đền từ lịch sử hình thành cho đến nay. Ông Tuân khẳng định: "Trải qua bao biến đổi, đền Voi Phục vẫn sừng sững, uy nghiêm giữ khu đất rộng".
Theo lời kể của ông Tuân, Đền Voi Phục thờ nhân thần - hoàng tử Linh Lang, con của vua Lý Thánh Tông và bà thứ phi thứ chín, tên thường gọi là Hạo Nương. Hoàng tử đã có công lớn trong việc đánh dẹp giặc Tống.
Sau khi mất, vua ra tuyên cáo sắc phong Linh Lang là Linh Lang Đại Vương thượng đẳng phúc thần cai quản phía Tây để giữ bình yên kinh thành Thăng Long xưa và truyền cho tất cả những nơi Linh Lang đã đi qua lập đền thờ để tưởng nhớ công lao.
Đến nay, có 269 nơi thờ Linh Lang Đại Vương. Thế nhưng, "trong tất cả nơi thờ thần, đền Voi Phục là nơi quan trọng hơn cả, bởi vì khu Thị Trại (nay là phường Thủ Lệ) là nơi Linh Lang Đại Vương sống cùng mẹ trong những năm tháng tuổi thơ và cũng là nơi thần hóa".
Đền thờ Linh Lang Đại Vương nhưng lại được gọi là đền Voi Phục. Lý giải về điều này, ông Tuân cho hay, tương truyền, khi giặc xâm lược nước ta, nhà vua sai sứ giả đi khắp nơi chiêu mộ người tài. Khi sứ giả đi đến khu Thị Trại, hoàng tử ra gặp sứ giả và nhờ sứ giả về tâu với vua chuẩn bị một cờ hồng cán dài mười trượng và một con voi chiến. Sứ giả về tâu, vua cấp cho đủ những thứ hoàng tử yêu cầu và thêm hơn năm nghìn binh lính. Hoàng tử Linh Lang hô một tiếng, con voi tự phục dưới chân để ngài cưỡi lên lưng ra đánh trận.
Đánh thắng giặc, hoàng tử không nhận bổng lộc vua ban mà về Thị Trại. Sau đó ít lâu, hoàng tử lâm bệnh và hóa tại đó. "Vua cho xây đền thờ Linh Lang Đại Vương, trong đền có tượng hai con voi nằm phủ phục ở ngoài cổng theo thần tích, chính vì vậy người dân gọi là đền Voi Phục", ông Tuân khẳng định.
Thường xuyên tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước, chị Đặng Thùy Chi (32 tuổi, Nam Định) không còn lạ khi nhắc đến đền Voi Phục.
"Dù không phải là người Hà Nội, mới được chuyển công tác về trung tâm thành phố, nhưng với mình đền Voi Phục (đền Linh Lang) hay Thăng Long tứ trấn không quá lạ. Tôi thường tìm đọc, cập nhật những thông về văn hóa, lịch sử về đền Voi Phục. Ngoài ra, tôi được biết, đền không chỉ gắn liền với huyền tích về hoàng tử Linh Lang, trải qua gần 1000 năm lịch sử mà còn gắn liền với những câu chuyện tâm linh huyền bí", chị Thùy Chi bộc bạch.
Đền Voi Phục xây dựng năm 1065 đời vua Lý Thánh Tông. "Đền được xây trên gò Long Thủ (đầu rồng) – một gò đất cao thuộc vùng đất Thị Trại quay hướng Nam, ngả sang Đông. Đó là các hướng của nguồn sinh lực vũ trụ vô biên, của thánh thần, cũng là hướng của đế vương", ông thủ nhang đền Voi Phục chia sẻ.
Để vào bên trong đền, mọi người sẽ đi qua cổng tứ trụ, hai bên cổng có bia hạ mã và đôi voi chầu phục. Hiện nay, ngoài cổng tứ trụ đó còn xây thêm nghi môn tứ trụ sát với đường lớn.
Qua cổng tứ trụ, ông Tuân tiếp tục dẫn tôi qua con đường rợp bóng cây, dài gần trăm mét dẫn vào trong đền. Tiền đường gồm ba gian, chính điện bày lỗ bộ, bên trái đặt trống đại, bên phải treo chuông đồng, hai đầu hiên có xây áp vào hai mái nhỏ che cặp ngựa tế hồng, bạch. Ở trung đường, đặt ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ. Tiếp đến, ở vị trí cao nhất chính giữa hậu cung là pho tượng Linh Lang Đại vương. Phía trước pho tượng là một hòn đá lớn được đặt trong hộp kính.
"Theo lời tương truyền của người đời, vết lõm của hòn đá là do Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hoá thành con giao long. Nhưng sự thật, đây là một hòn chân tảng đá mài, có thể là chứng tích kiến trúc còn lại của thời Lý, một xác nhận về vị trí của trấn Tây thành Thăng Long. Trong đền, ngoài các pho tượng còn có hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửa võng bát bửu cùng các đồ tế khí đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy", ông Tuân cho hay.
Tiếp tục kể cho tôi về cảnh quan xung quanh đền, giọng ông Tuân bỗng trầm xuống: "Ngôi đền này, được người dân Thủ đô biết đến nhiều hơn kể từ khi 9 cây muỗm khổng lồ gần 1.000 năm tuổi được vinh danh là Cây Di sản, cực kỳ quý hiếm nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng, sau lễ vinh danh ấy thì tất cả các cụ cây trong khuôn viên đền lần lượt ra đi. Hiện nay, Ban quản lý di tích đang cố gắng trồng lại cây mới tại vị trí các cây đã chết".
Được biết đến là một trong những ngôi đền thiêng bậc nhất Hà Nội. Tuy nhiên, phải thực sự vào mùa lễ hội như: ngày rằm tháng giêng, tháng ba; 10/2 âm lịch (chính lễ) – ngày "hóa" của Linh Lang Đại Vương; … người dân cả nước đều kéo về Đền Voi Phục rất đông.
Không chỉ người dân trong nước, ngay cả du khách quốc tế, Việt kiều cũng chọn đền Voi Phục là điểm dừng chân mỗi khi họ ghé thăm Thủ đô. Là người dân Thủ đô, ông Phạm Hồng Thái (75 tuổi) sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội có nhiều cơ hội trò chuyện và tiếp xúc với những vị khách quốc tế.
Ông tự hào, cho biết: "Mới đây tôi có dịp trò chuyện cùng 1 bạn Việt kiều Mỹ lần đầu về nước. Tôi ấn tượng và tự hào về câu nói: "Đi cả thế giới, không đâu đề cao nghĩa hiếu, tinh thần đền ơn đáp nghĩa bằng người Việt Nam. Nước mình luôn tôn trọng những người có công như việc lập đền thờ các vị thánh có công với đất nước từ ngàn năm trước. Đây thực sự là một điều đáng vinh dự và tự hào".