Là một trong những giáo viên trẻ nhất trường khi mới về dạy được 2 năm nhưng cô Nguyễn Thị Giang (sinh năm 1994), giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh lại để lại ấn tượng không hề nhỏ. Và đặc biệt, nơi gắn bó và cho cô nhiều kỷ niệm đẹp cũng chính là từ ngôi trường Trường THPT Chuyên Bắc Ninh này.
Cô Giang từng là học sinh chuyên Anh của trường. Suốt 3 năm học ở đây, cô đều là học sinh giỏi, nằm trong Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Cô từng đạt giải Nhất hùng biện tiếng Anh tỉnh Bắc Ninh. Cô cũng đã có những trải nghiệm quý giá với môi trường đa văn hóa khi còn là học sinh. Năm lớp 11, cô được lựa chọn tham gia chương trình giao lưu trẻ ADPO tại Okinawa Nhật Bản. Ở chương trình này, các thanh thiếu niên đến từ rất nhiều quốc gia ở Châu Á đã tới Nhật để giao lưu và cùng tham gia những khóa học, hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường. Sau chương trình này, cô đã thấy việc giao lưu văn hóa giữa các quốc gia rất thú vị và có thể phát triển bản thân.
Trong kỳ thi đại học, cô giành được tổng 26,5 điểm với Toán 10 điểm, Tiếng Anh 9,75 điểm. Cô Giang cho hay, nghề giáo viên đến với cô cũng là một cái duyên. Ban đầu giáo viên không phải là hướng đi của cô, dù cả bố mẹ đều là giáo viên và cô được định hướng từ nhỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, cô đã cảm thấy giảng dạy là niềm yêu thích và quyết tâm dồn hết nhiệt huyết của mình cho nghề giáo.
"Công việc liên quan đến giáo dục đòi hỏi mình phải không ngừng học hỏi, nỗ lực. Khi tiếp xúc với học sinh cũng giúp mình hứng thú và thoải mái. Đặc biệt, đối tượng học sinh của mình là những bạn trẻ cấp 3 nên luôn ngập tràn năng lượng tích cực. Mọi người thường hình dung các học sinh trường chuyên sẽ khá là "mọt sách" nhưng thực tế các bạn trẻ bây giờ rất đa tài. Bên cạnh việc học em tham gia rất nhiều câu lạc bộ để rèn luyện kỹ năng mềm, và còn có rất nhiều tài lẻ như nhảy, múa, hát... Điều này khiến em cảm thấy vui, ngưỡng mộ và thêm yêu nghề", cô Giang thổ lộ.
Từng là học sinh của trường và giờ cô Giang trở về trường dạy nên cảm giác rất quen thuộc và thân thương, như quay lại mái nhà của mình. Cô cho biết: "Các thầy cô ngày xưa giờ đã trở thành đồng nghiệp nhưng vẫn luôn thương yêu, dìu dắt mình trong sự nghiệp trồng người, giúp mình tiến bộ từng ngày".
Thành tích của cô Giang không dừng lại ở đó. Mặc dù luôn tự nhận mình mới ra trường còn trẻ và chưa có nhiều thành tích nổi bật nhưng cô Giang đạt IELTS 8.0 và biết thêm 1 ngoại ngữ nữa là tiếng Nhật với bằng N2. Mới đây nhất, cô giành được Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu.
Chương trình Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu 2022 là sáng kiến giáo dục được Cơ quan Giáo dục New Zealand tiên phong triển khai tại Việt Nam từ năm 2020. Tính đến nay, có 60 giáo viên đến từ 9 tỉnh thành trên cả nước được cấp chứng chỉ này.
Năm 2002, Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) sẽ tiếp tục cấp 30 suất học bổng toàn phần chương trình Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu 2022 (New Zealand Global Competence Certificate – NZGCC) dành cho đối tượng giáo viên trên toàn quốc.
Là một trong những giáo viên giành được Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu vừa qua, cô Giang thổ lộ: "Chương trình Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu New Zealand (NZGCC) là một cơ hội và trải nghiệm quý giá mà có lẽ mình sẽ không bao giờ quên. Là một giáo viên trẻ, mình may mắn được truyền cảm hứng từ rất nhiều thầy cô tâm huyết đến từ Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và New Zealand trong khóa học. Ngoài việc mở rộng được kiến thức chuyên môn, chương trình còn giúp giáo viên có động lực để động viên các học trò của mình bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá những điều mới mẻ xung quanh, quan tâm đến các vấn đề của xã hội, của thế giới, và sẽ trở thành những công dân toàn cầu tích cực trong tương lai".
Được biết, để được cấp chứng chỉ này, điều kiện là giáo viên phải có trình độ tiếng Anh tương đương từ IELTS 6.0 trở lên và nộp một video ngắn trả lời 3 câu hỏi của Hội đồng tuyển chọn.
"Mình cảm thấy rất ấn tượng và được truyền cảm hứng khi thấy có thầy giáo đến từ Nhật Bản đã gần 60 tuổi hay những cô giáo vừa là mẹ bỉm sữa vừa trông con vừa học hành hăng say. Vượt qua mọi khó khăn và rào cản, mình nghĩ mục đích cuối cùng của các thầy cô đều là muốn truyền đạt lại cho học sinh của mình không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng và tư duy tiến bộ, cập nhật với thế giới rộng lớn", cô Giang nói.
Sau khi được công nhận là giáo viên toàn cầu, cô Giang cho biết đang ấp ủ cho mình nhiều dự định để truyền đạt lại cho học sinh. Cô cho biết: "Mình vẫn đang trong quá trình học tập và rèn luyện vì mình vẫn còn rất non trẻ. Mình đang tham gia chương trình Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và tiếng nước ngoài (Master of TESOL & FLT) liên kết giữa Trường Đại học Hà Nội với Đại học Canberra, Australia.
Những kiến thức và trải nghiệm năng lực toàn cầu mình luôn ghi nhớ và áp dụng lồng ghép vào những chương trình học trên trường. Ngoài những kiến thức trong sách, mình xen kẽ những câu chuyện truyền cảm hứng hay những trải nghiệm của bản thân để giúp cho học sinh có được "growth mindset" - tư duy cầu tiến, luôn muốn học hỏi để trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân mỗi ngày. Hãy dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá những điều mới mẻ xung quanh ta, quan tâm tới các vấn đề của thế giới và phấn đấu trở thành những công dân toàn cầu tích cực trong tương lai".
Cô Nguyễn Thuý Vi, giảng viên tiếng Anh, Trường Đại học Hà Nội cũng tự hào khi nhận Chứng chỉ Năng lực toàn cầu.
Cô Vi thổ lộ về sự thay đổi của mình sau khi trở thành giáo viên toàn cầu: "Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên mình đã từng dành một khoảng thời gian dài dạy online. Chính vì vậy đôi khi bản thân mình khá nản do không có nhiều sự tương tác giữa cô trò. Mình cảm thấy việc này cũng một phần ảnh hưởng đến buổi học. Với mình thành công trong việc giảng dạy là ngoài việc cung cấp kiến thức học thuật cho học sinh, mình có thể truyền động lực cố gắng, những kỹ năng mềm hoặc những bài học trong cuộc sống cho các em. Sau khi tham gia khóa học NZGCC, chủ đề khoá học là một lĩnh vực mình rất quan tâm, mình học được rất nhiều thức bổ ích và quý giá, làm quen được nhiều thầy cô dễ thương và học được nhiều từ họ.
Trong quá trình giảng dạy, mình đã áp dụng gần như kiến thức mỗi bài học vào việc giảng dạy với một số lớp mình giảng dạy. Ví dụ mình đã áp dụng mô hình cánh hoa để giúp học sinh hiểu rõ hơn về bản thân mình, hình tròn Comfort Zone để khuyến khích các em bước ra khỏi vùng an toàn của mình và tự tin hơn trong việc thể hiện bản thân cũng như đạt được những mục tiêu các em mong muốn.
Mình nghĩ buổi học bổ ích nhất mà mình đã trao đổi cùng học sinh là chủ đề về Những định kiến và đánh giá mà bản thân con người dễ đưa ra trong cuộc sống, buổi học diễn ra thật sự rất vui khi các em đều mở lòng với lớp học và giáo viên về những gì các em quan sát và trải nghiệm.
Cho đến bây giờ mình vẫn giữ liên lạc với nhóm lớp học của mình. Trong quá trình học, mình được nghe rất nhiều câu chuyện chia sẻ ý nghĩa từ các thầy cô. Mình nhớ nhất chia sẻ từ một giáo viên Thái Lan khi cô tâm sự về những khó khăn của học sinh mà cô đang giảng dạy, các em đến từ khu vực khó khăn và cô đón nhận các em bằng sự cảm thông và chia sẻ. Hay có nhiều giáo viên trong đó có một cô giáo từ Việt Nam có chia sẻ về khó khăn khi cô dạy học online. Tất cả những câu chuyện các thầy cô từ các nước chia sẻ thật ý nghĩa, mọi người đều tìm được tiếng nói chung và lắng nghe bằng sự cảm thông và tôn trọng ý kiến mỗi người".