Dân Việt

Thẻ thu phí không dừng VETC và ePass khác nhau như thế nào?

Long Du 30/07/2022 16:45 GMT+7
Việc thu phí không dừng trên các tuyến đường cao tốc đang bắt đầu được triển khai khiến nhiều tài xế đổ xô đi đăng ký, tuy nhiên họ lại thắc mắc trước 2 loại thẻ hiện nay là VETC (Etag) và ePass.

Theo thông tin từ 2 nhà dịch vụ trên thì sự giống nhau giữa VETC và ePass là đều cung cấp thẻ định danh dán trên kính xe, đèn xe hỗ trợ phương tiện đi qua trạm thu phí mà không phải dừng thanh toán phí sử dụng đường bộ. Chưa kể chúng đều sử dụng công nghệ RFID độ chính xác và nhận diện điện tử cao, giúp giảm thời gian xử lý giao dịch. VETC và ePass đều có kết nối với nhau, có thể đi qua các trạm ETC khác nhau, nghĩa là tài xế khi dán thẻ ePass vẫn đi qua được trạm VETC và ngược lại.

Thẻ thu phí không dừng VETC và ePass khác nhau như thế nào? - Ảnh 1.

Sự khác biệt giữa thẻ thu phí không dừng VETC và ePass mà tài xế cần nắm. Ảnh: Thu Huyền

 Tuy nhiên, điều khác biệt chính là mỗi loại thẻ trên có phương thức đăng ký và thanh toán riêng. Với thẻ ePass hiện đã qua đợt dán miễn phí lần đầu, người dùng có nhu cầu phải chịu phí 120.000 đồng để đăng ký dán thẻ. Bù lại sẽ có nhiều địa điểm để dán thẻ hơn và có thể dán tại các địa điểm như Viettel Post, Viettel Store, trạm thu phí…

Với thẻ VETC người dùng có thể dán tại các trung tâm đăng kiểm hoặc trạm dịch vụ của VETC, ở thời điểm hiện tại VETC cũng đang triển khai hình thức dán thẻ tại nhà dành cho những ai đã và đang đăng ký thông tin online với thời gian chờ khoảng 3 đến 4 ngày, đồng thời khi dán thẻ người dùng không phải tốn chi phí cho lần đầu tiên nhờ các chương trình hỗ trợ và mất khoảng 120.000 đồng cho lần thứ 2.

Về phương thức thanh toán, tài xế có thể nạp tiền thông qua hình thức chuyển khoản đối với 2 loại thẻ. Tuy nhiên, ePass lại đa dạng cách nạp tiền hơn, từ chuyển khoản, liên kết thẻ tín dụng, liên kết với hơn 40 ngân hàng, liên kết ví điện tử hoặc trừ thẳng qua ví điện tử của Viettel. Tùy vào hình thức thanh toán mà người dùng có thể chịu phí hoặc mất phí giao dịch.

VETC có chút hạn chế hơn khi yêu cầu chủ thẻ luôn phải duy trì số dư trong tài khoản và chỉ có thể nạp qua hình thức chuyển khoản hoặc các cổng thanh toán với mức phí % nhất định. Với yêu cầu duy trì số dư sẽ gây không ít phiền toái cho người dùng khi phải kiểm tra thường xuyên và phải nạp thêm nếu chẳng may tài khoản không đủ số dư để giao dịch.

Thẻ thu phí không dừng VETC và ePass khác nhau như thế nào? - Ảnh 2.

Vị trí dán thẻ ETC cũng là điều mà các tài xế cần lưu tâm. Ảnh: Hoàng Long

Ngoài sự khác biệt trên thì tài xế khi dán thẻ ETC cũng cần cân nhắc vị trí dán. Theo nhiều người đã sử dụng và chia sẻ kinh nghiệm từ các hội nhóm thì thẻ ePass dán ngay vị trí đèn sẽ có xác suất bị sự cố ít hơn, tương tự như VETC dán ngay kính lái. Tuy nhiên đây chỉ là những nhận định của người dùng và tài xế có quyền yêu cầu kiểm tra bằng máy thử sóng để đảm bảo không sự cố ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, tài xế cũng cần lưu ý là không nên dán cả 2 thẻ VETC và ePass trên cùng 1 phương tiện. Điều này cũng được Bộ GTVT quy định rõ với việc mỗi phương tiện chỉ được đăng ký dịch vụ của một nhà cung cấp dịch vụ là Etag hoặc ePass. Ngoài ra, theo quy định 123/2021, xe không dán thẻ ETC hoặc có dán thẻ nhưng tài khoản không đủ tiền để thực hiện thu phí tự động khi đi vào làn ETC sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Trong tương lai, xe không dán thẻ thu phí điện tử sẽ không đăng kiểm được. 

Hiện nay, giai đoạn đầu của hình thức thu phí tự động nhận rất nhiều phản ánh của tài xế khi sử dụng. Vẫn có đôi chút khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên khi mọi thứ dần ổn định thì việc thu phí tự động sẽ giúp chủ xe tiết kiệm hơn thời gian rất nhiều, đặc biệt là tại các tuyến giao thông có lưu lượng phương tiện tham gia đông đúc.