Dân Việt

Giáo viên sang Lào dạy tình nguyện trở về không được tuyển đặc cách: Không hợp cả lý lẫn tình?

Ngọc Vũ 01/08/2022 06:34 GMT+7
Luật sư, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị đã lên tiếng bảo vệ các giáo viên sang Lào dạy học theo quyết định của UBND tỉnh nhưng khi trở về lại không được đảm bảo quyền lợi.

Được UBND tỉnh cử đi giảng dạy

Như Dân Việt đã phản ánh, năm 2018, có 3 giáo viên ở Quảng Trị gồm: Phan Thị Thuỳ Dung (SN 1990, trú huyện Vĩnh Linh), Nguyễn Thị Ý Nhi (SN 1990, trú huyện Hải Lăng), Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (SN 1996, trú huyện Vĩnh Linh) được UBND tỉnh Quảng Trị cử sang tỉnh Savannakhet (Lào) giảng dạy.

Giáo viên sang Lào dạy tình nguyện trở về không được tuyển đặc cách: Phải ứng xử công bằng  - Ảnh 1.

Năm 2018, dù có 2 con nhỏ 3 tuổi và 1,5 tuổi nhưng Dung vẫn quyết tâm thuyết phục chồng ở nhà cố gắng nuôi con để mình đăng ký sang Lào dạy học. Hơn 1,5 năm chờ đợi, Dung vẫn chưa được tuyển, đang thất nghiệp, phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Ảnh: Ngọc Vũ.

Các cô giáo sang Lào dựa trên quyết định số 10/2014/QĐ của UBND tỉnh Quảng Trị ký ngày 27/2/2014 (gọi là QĐ 10). QĐ 10 quy định, đối tượng được xét tuyển đặc cách là người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất 3 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước.

Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet là đơn vị tiếp nhận, phân công các giáo viên đến dạy ở các trường học.

Khi các giáo viên đang miệt mài trên bục giảng thì dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngày 18/3/2020, Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet đã đưa 3 giáo viên trở về Quảng Trị.

Ngày 19/1/2021, Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet có văn bản số 719 cho biết, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được khống chế, việc đi lại rất khó khăn do cửa khẩu 2 nước chưa thông quan, rất khó để tiếp nhận 3 giáo viên trên trở lại Lào dạy học.

Theo Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, 3 giáo viên trên tham gia giảng dạy từ năm 2018, đến năm 2021 sẽ hoàn thành nghĩa vụ hợp tác quốc tế. Nhưng vì dịch bệnh, không thể tiếp tục giảng dạy nên Hội đã họp, đánh giá trong 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020, 3 giáo viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Trị xét tuyển đặc cách cho các cô. Tuy nhiên, từ đó đến nay 3 giáo viên trên vẫn chưa được tuyển dụng đặc cách.

Ông Trần Hữu Anh – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết, trước đây theo Nghị định 29/2012 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành và thực hiện QĐ 10. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 161/2018 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành QĐ 31 để thay thế QĐ 10. Hơn nữa, sau này còn có Nghị định 115/2020 của Chính phủ.

Chiếu theo các nghị định, quyết định trên, 3 cô giáo không thuộc đối tượng được tuyển đặc cách, mà phải tuyển bình thường.

Không hợp cả lý lẫn tình?

Liên quan câu chuyện oái oăm này, luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho rằng, cả 3 cô giáo được UBND tỉnh Quảng Trị cử sang Lào dạy học đã rất tâm huyết, chấp nhận hy sinh bản thân, giảng dạy tích cực, hoàn thành nghĩa vụ được giao.

Nay khi trở về chính quê hương của họ, thật sự quá đắng cay khi cả 3 cô giáo không được bảo đảm những lợi ích từ "cam kết" tại QĐ 10, với lý do là chính sách pháp luật thay đổi.

Cụ thể là QĐ 31 (có hiệu lực ngày 9/7/2019) đã thay thế và bãi bỏ chính sách tuyển dụng đặc cách tại QĐ 10.

Luật sư Tín cho rằng, lý do nêu trên là chưa thuyết phục, vừa không hợp lý, vừa không hợp tình.

Giáo viên sang Lào dạy tình nguyện trở về không được tuyển đặc cách: Phải ứng xử công bằng  - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng. Ảnh: N.V

Không hợp lý ở chỗ, nó đã đi ngược lại với nguyên tắc áp dụng pháp luật. Đó là áp dụng pháp luật tại thời điểm hành vi xảy ra (Điều 156 Luật Ban hành văn bản pháp luật). Tức là các giáo viên được cử đi theo QĐ 10 phải được hưởng chính sách đặc cách theo đúng QĐ 10. Việc bãi bỏ chính sách đặc cách xét tuyển theo QĐ 31 chỉ có hiệu lực áp dụng đối với những trường hợp xảy ra sau khi QĐ 31 có hiệu lực.

Không hợp tình ở chỗ là không bảo đảm công bằng xã hội. Các cô giáo đã hy sinh một phần thanh xuân, cống hiến cho địa phương và cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Lào, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nay các cô giáo tiếp tục mong muốn cống hiến cho tỉnh Quảng Trị, thì tỉnh cần đảm bảo quyền lợi, ứng xử công bằng với họ.

Đúng là pháp luật hiện hành đã có những quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức rất chặt chẽ, dẫn đến các văn bản của chính quyền địa phương cũng phải thay đổi để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Nhưng cái cốt lõi, vai trò quan trọng của pháp luật là bảo đảm công bằng xã hội.

"Trong vụ việc này, nếu chúng ta không đối xử công bằng với các cô giáo, tôi e rằng hại nhiều hơn lợi, vai trò của pháp luật không được phát huy, lòng dân khó phục", luật sư Tín nêu quan điểm.

Ngày 31/7, trả lời PV Dân Việt, ông Hoàng Kỳ - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị cho rằng, Sở Nội vụ trả lời không tuyển đặc cách với 3 giáo viên vì vướng nghị định là đúng với quy định của pháp luật. Bởi nguyên tắc quy định văn bản cấp dưới phải áp dụng theo văn bản cấp trên. Ở đây, QĐ 10 là văn bản, chính sách do tỉnh Quảng Trị ban hành là cấp dưới, còn Nghị định 161 do Chính phủ ban hành, là cấp trên.

Giáo viên sang Lào dạy tình nguyện trở về không được tuyển đặc cách: Phải ứng xử công bằng  - Ảnh 5.

Ông Hoàng Kỳ - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị cho rằng, cần quan tâm, xem xét để các giáo viên được hưởng chính sách theo QĐ 10 của UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tuy nhiên, trường hợp của 3 giáo viên này cần áp dụng, vận dụng chính sách theo QĐ 10. Bởi khi các giáo viên qua Lào là theo quyết định cử đi của UBND tỉnh, chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân để được hưởng chính sách ở QĐ 10. Bây giờ không cho các giáo viên hưởng chính sách theo QĐ 10 thì họ quá thiệt thòi.

"Theo tôi, phải quan tâm, xem xét để các giáo viên được hưởng chính sách tuyển đặc cách theo quyết định 10" – ông Kỳ nói.