Clip: Món cà dại được bà con người Mông ở bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) chế biến thành món ăn đặc sản.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Sùng Thị Sĩ, bản Cửa Rừng cho biết: Cà dại hoa trắng mọc nhiều trên nương rẫy và dọc trên các tuyến đường đi làm nương. Trước đây khi còn đói nghèo, bà con thương hái quả cà dại luộc đem chấm muối ăn cùng cơm.
Theo chị Sĩ, nhiều người không thích cà dại hoa trắng, bởi chúng hay mọc nhiều trên nương rẫy nên khó khăn cho việc làm cỏ. Vì vậy, bà con thường dùng dao chặt bỏ. Quả cà dại cũng không mấy ai ngó tới nên quả chín rụng đầy gốc.
Chị Vừ Thị Sinh, bản Cửa Rừng bảo: Trong một vài năm trở lại đây, bên cạnh lá đắng, hoa chuối thì cà dại bỗng trở thành đặc sản núi rừng giúp bà con đồng bào Mông bản Cửa Rừng cải thiện thu nhập.
"Quả cà dại bắt đầu có từ tháng 5 đến tháng 8. Những ngày mưa gió không đi làm nương, chị em phụ nữ chúng tôi rủ nhau vào rừng hái quả cà dại về bày bán ở 2 bên tuyến tỉnh lộ 108. Một túi bóng nhỏ khoảng 4 đến 5 lạng có giá từ 8.000 - 10.000 đồng. Nếu hái được nhiều, mỗi ngày cũng kiếm được từ hàng chục đến cả trăm nghìn đồng", chị Sinh nói.
Theo quan sát của PV Dân Việt, quà cà dại hình cầu, màu xanh, ra thành từng chùm lúc lỉu. Quả có đường kính khoảng 12mm đến 14mm.
Chị Phá Thị Vá - tiểu thương bán cà dại ở ngã ba bản Cửa Rừng, cho biết: Ngày xưa ít người quan tâm đến quả cà dại. Tuy nhiên do cà dại mọc tự nhiên, quả sạch nên ngày nay được nhiều người săn lùng. Gia đình tôi mua gom cà dại của bà con với giá 9.000 - 10.000 đồng/túi rồi bày bán ở cạnh đường cùng các loại sản vật núi rừng khác.
"Trong số các loại sản phẩm gia đình tôi bày bán thì cà dại là loại bán chạy nhất. Dịp này, cán bộ, khách ở dưới thành phố, thị trấn đi làm qua đây đều mua vài kg cà dại về ăn. Họ bảo cà dại ở Cửa Rừng sạch nên ăn rất mát và bổ. Nhiều khi không có đủ để bán cho khách", chị Vá tâm sự.
Theo người dân bản Cửa Rừng, mấy năm trở lại đây, vào mùa quả cà dại thì loại quả này trở thành món ăn đặc sản để đãi khách quý.
"Quả cà dại sau khi được bà con thu hái về sẽ được rửa sạch rồi đem luộc. Sau khoảng từ 15 - 20 phút, vớt quả ra và bỏ cuống cho vào bát tô. Tiếp đó, hái ít lá chanh thái mỏng, cho ít bột canh trộn đều lên là có ngay món ăn đặc sản", anh Sùng A Chịa bản Cửa Rừng chia sẻ.