Quý II/2022 là quý thứ 4 liên tiếp sản lượng điện thoại thông minh xuất xưởng toàn cầu sụt giảm.
Theo số liệu từ IDC, lượng smartphone xuất xưởng toàn cầu trong quý II/2022 chỉ đạt 286 triệu thiết bị, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này còn thấp hơn so với dự đoán sụt giảm 3,5% trước đó của giới phân tích.
Nguyên nhân của tình trạng này đến từ ảnh hưởng của lạm phát lên thói quen tiêu dùng của người dùng trên thị trường di động, theo báo cáo mới nhất của công ty phân tích International Data Corporation (IDC).
Các vấn đề trong chuỗi cung ứng đã khiến số điện thoại di động xuất xưởng giảm mạnh. Các công ty đã phải gồng mình đẩy mạnh khâu sản xuất giữa diễn biến căng thẳng của dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế bấp bênh đã đẩy họ vào thế khó.
"Các hãng smartphone xuất xưởng ít thiết bị hơn vì người dùng bắt đầu ngần ngại khi chi tiền mua điện thoại mới", Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu của IDC, cho biết.
“Nếu đầu năm gặp khó khăn trong chuỗi cung ứng, thì hiện tại ngành công nghệ đang phải đối mặt với một thị trường kém sôi động, sức mua giảm”, ông nói thêm.
Nhưng xu hướng này chỉ bộc lộ rõ nhất ở một số thị trường. Trong đó, nhu cầu mua giảm mạnh nhất ở Trung Quốc khi doanh số giảm đến 14,3% so với năm trước. Ngược lại, lượng thiết bị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ giảm nhẹ 2,2% và mức giảm ở những nơi còn lại cũng chỉ giảm ở mức một con số.
Counterpoint Research còn chỉ ra chỉ có 60 triệu smartphone được bán ra ở Trung Quốc trong quý II, giảm hơn một nửa so với doanh số đạt đỉnh của quốc gia này vào quý IV/2016. “Thị trường Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng 0,8-1% trước đó của chúng tôi”, nhà phân tích Ivan Lam cho biết.
Ông cho rằng đại dịch Covid-19 chính là yếu tố chính gây ra tình trạng này. Lệnh giãn cách ở những thành phố lớn đã khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu ở nhiều ngành hàng, trong đó có mặt hàng thiết bị điện tử. Thậm chí, các đợt khuyến mãi lớn vào cuối quý đã khiến sức mua tăng mạnh nhưng vẫn thấp hơn 10% so với năm 2021.
Theo Cnet, ngoài sức mua của người dùng, các nhân tố khác cũng ảnh hưởng đến lượng smartphone bán ra. Trung Âu và Đông Âu chỉ chiếm khoảng 6% tổng doanh số điện thoại toàn cầu nhưng chiến sự ở Ukraine đã khiến con số này sụt giảm mạnh đến 1/3.
Song, tình trạng ảm đạm trên vẫn không ảnh hưởng nhiều đến danh sách những nhà sản xuất thành công nhất trong quý II.
Samsung là hãng xuất xưởng được nhiều smartphone nhất với 62,4 triệu thiết bị, chiếm 21,8% thị phần toàn cầu. Xếp sau là Apple với 44,6 triệu iPhone, chiếm 15,6%. Sản lượng của cả hai tập đoàn công nghệ đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, những nhà sản xuất Trung Quốc như Xiaomi, Vivo và Oppo lại không mấy lạc quan khi đều bán được ít hơn 20% thiết bị so với năm 2021.
Ở thị trường quốc gia tỷ dân, Vivo vẫn giữ vững ngôi vương trong lĩnh vực smartphone. Nhưng Counterpoint Research cho rằng vị trí này đang có phần lung lay vì hãng chỉ chiếm 19,8% thị phần trong quý II.
Trong khi đó, Honor đã vươn lên tăng trưởng từ 7,7% lên 18,3%. Apple cũng không kém cạnh khi tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn thị phần của các hãng khác như Oppo, Huawei và Xiaomi đều sụt giảm.
“Mặc dù doanh số quý II ảm đạm, chúng tôi vẫn kỳ vọng con số này sẽ quay trở lại đà tăng trong quý tới. Tuy nhiên, nhu cầu mua vẫn còn yếu do người dùng e ngại và thiếu sự đổi mới. Điều này sẽ khiến thị trường khó bì được năm ngoái”, nhà phân tích Ivan Lam nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia Popal của IDC cũng kỳ vọng trong tương lai nhu cầu mua sẽ khởi sắc ở một số khu vực. Nhưng nhìn chung, dự báo về sản lượng smartphone trong nửa cuối năm vẫn thấp nếu khó khăn trên thị trường vẫn tiếp tục diễn ra.
“Chúng tôi tin rằng đà đi xuống này không phải do nhu cầu mua giảm mà chỉ là bước đệm để tiếp tục tăng trong tương lai tới”, nhà phân tích khẳng định.