Ứng dụng Momby có xây dựng trợ lý thông minh tên gọi là Doti để tư vấn cho cha mẹ. Người dùng cũng có thể gia nhập cộng đồng với sự tham gia của bác sĩ để nhận được chia sẻ tin cậy từ chuyên gia. Momby cũng cung cấp tiện ích để cải thiện sức khỏe, những bài tập để bổ trợ cho thai kỳ.
Đến Shark Tank Việt Nam, Hồng Ngọc kêu gọi đầu tư 250.000 USD cho 10% cổ phần công ty.
Momby hiện có 5 angel (nhà đầu tư thiên thần) và 1 cố vấn với tổng cổ phần là 160.000 USD dưới dạng safe note (khoản chuyển đổi an toàn). Do đó, Hồng Ngọc vẫn đang sở hữu 100% cổ phần của công ty.
Momby đã được phát triển hơn 2 năm với 200.000 USD, vốn điều lệ là 170.000 USD. Dù chỉ thông qua bác sĩ chia sẻ và người dùng mời bạn bè nhưng Momby đã có 22.000 người dùng, có doanh thu 52.000 USD và 3 công ty sử dụng ứng dụng có trả phí.
Doanh thu của Momby đến từ 2 nguồn chính là subscription (khách hàng trả phí định kỳ) và tích hợp liên kết quảng bá các sản phẩm dịch vụ cho mẹ và bé. “Tức là bên em xây dựng trợ lý Doti nhưng không có ý định thay thế bác sĩ. Trường hợp đặc biệt, mình vẫn phải gặp bác sĩ trực tiếp để tư vấn”, Hồng Ngọc lý giải.
Trong số 22.000 người dùng, có 20% người dùng thường xuyên hàng tháng. Để thu hút thêm người sử dụng, Momby thông qua bác sĩ gợi ý và vẫn chưa chính thức chạy quảng cáo. Hồng Ngọc giải thích, cô hướng đến người dùng mời người dùng để tiết kiệm chi phí marketing.
Mức phí cơ bản để sử dụng ứng dụng là 319.000Đ/năm cho một tài khoản. Nếu cả ba và mẹ cùng sử dụng thì phí là 499.000Đ.
Shark Liên đặt câu hỏi về nguồn thông tin đưa vào ứng dụng và sự khác biệt so với thông tin tìm kiếm được trên Google. Hồng Ngọc cho biết khi vào thai kỳ, mẹ cần một profile (hồ sơ) xuyên suốt. Lúc này, trợ lý Doti sẽ thể hiện khả năng của mình là hỗ trợ ba mẹ theo một cách cá nhân hóa.
Momby đặc biệt chú trọng về nguồn thông tin. Do đó, Startup sẽ có một đội bác sĩ, một đội nội dung trao đổi với nhau, phân tích ra từng giai đoạn trong thai kỳ. Sau khi tất cả đã được chuẩn hóa mới đưa cho Doti học.
Momby đặt mục tiêu trong vòng 1 năm tới có khoảng 300 – 400 ngàn người dùng. Ngoài đối tượng B2C (Business to Consumer – Doanh nghiệp bán hàng cho người tiêu dùng), Momby còn cung cấp dịch vụ tới các doanh nghiệp muốn có chế độ phúc lợi cho nhân viên.
Shark Hưng cho rằng nhu cầu của thị trường là có và ứng dụng này mang lại được lợi ích cho người dùng. Nhưng ông băn khoăn về yếu tố giúp số lượng người dùng đủ lớn để thu được tiền, phát triển được doanh thu. Ông chỉ ra nếu ứng dụng AI thì ở góc độ nào đó, độ tin cậy còn hạn chế. “Như bạn thấy, bạn mới chỉ xây dựng được bộ content (nội dung) ban đầu, nó chưa thể giải quyết được tất cả mọi câu hỏi cũng như độ chính xác cho từng cá thể, cho từng người còn chưa cao”, Shark Hưng nói.
Hồng Ngọc cho biết, hiện tại Momby đã hỗ trợ giai đoạn sau sinh từ 0 – 5 tuổi và sắp tới sẽ bổ sung thêm giai đoạn tiền sản, chăm sóc phụ khoa. Như vậy thời gian sử dụng trên ứng dụng sẽ kéo dài ra.
Sau khi trải nghiệm ứng dụng của Startup, Shark Bình đánh giá ứng dụng này làm ra như kiểu demo (bản dùng thử) vì có nhiều câu hỏi đơn giản nhưng Doti không trả lời được.
Chủ tịch HĐQT NextTech nêu quan điểm: “Tôi không cho rằng công nghệ thông tin hiện nay đã có thể làm mượt được chức năng mà bạn đang hướng đến. Tức là tính năng ứng dụng, tư vấn một cách chính xác cho những người mẹ”. Với tham vọng của Startup và chất lượng sản phẩm như vậy, ông từ chối đầu tư.
Tiếp đó, Shark Hưng cũng đưa ra ý kiến. Ông cho rằng Hồng Ngọc học công nghệ thông tin, làm lập trình viên. Mà tố chất của lập trình viên là người behind (đứng phía sau). Nhưng nếu làm CEO (Giám đốc điều hành) thương lượng với các đối tác, phát triển kinh doanh, thị trường thì cần nhiều hơn thế.
Ông cho rằng kêu gọi đầu tư 250.000 USD thì cần tự tin, mạnh mẽ, phải cương quyết, phải có khí chất để người khác đưa tiền. Cảm thấy Hồng Ngọc không đủ mạnh mẽ và hơi yếu đuối nên ông quyết định không đầu tư.
Đồng quan điểm với Shark Hưng, Shark Liên đánh giá Hồng Ngọc bất lợi vì là dân công nghệ, làm kỹ thuật. Bà cũng đưa ra những lời khuyên cho nữ Startup: “Bạn lên thuyết trình bạn phải tìm người nói rất lưu loát và tự tin”, “nếu bạn điều hành một trang mạng xã hội liên quan đến phụ nữ thì bạn phải cần có sự mạnh mẽ, ít nhất là để cho các chị em khác tin vào bạn”.
Tuy ủng hộ chị em phụ nữ nhưng bà cho rằng không phải cái gì cũng có thể chuyển đổi số, đặc biệt là liên quan đến tính mạng, sức khỏe của mẹ và bé. Vì quan ngại điều đó nên bà quyết định không đầu tư.
Shark Linh cho rằng nhu cầu của bà mẹ trong mỗi giai đoạn từ muốn có thai, đang có thai và sau khi sinh là khác nhau. Bà đánh giá thị trường của Startup có nhu cầu nhưng để đáp ứng được nhu cầu đó thì cần nghiên cứu nhiều.
“Có thể là em chưa nghiên cứu đủ sâu và cũng có thể em vừa CTO, vừa CEO. Mình rất khó để đóng hai vai trò cùng một lúc. Chị khuyên em tìm một người để đồng hành với mình”, Shark Linh đưa ra ý kiến và từ chối đầu tư.
Còn lại Shark Louis, dù ông rất thích các công ty về vấn đề xã hội và tôn trọng lý tưởng của startup nhưng đánh giá mô hình kinh doanh không phát triển bền vững nên ông không đầu tư.
Ông cũng khuyên Hồng Ngọc cần luyện tập nhiều hơn về cách phát biểu, giọng nói, cách thuyết phục. “Em phải mạnh mẽ người ta mới nể em. Anh mong em cân nhắc cái đó”, Shark Louis cho biết.