Cách đây 83 năm, ngày 19/12/1939, Hồng quân Liên Xô phê duyệt kế hoạch sản xuất xe tăng hạng trung T-34 sau quá trình thiết kế, thử nghiệm kéo dài suốt nhiều tháng, dựa trên kinh nghiệm từ cuộc chiến chớp nhoáng với Nhật ở Khalkhin Gol giữa năm 1939. Đây là khởi đầu cho một trong những dòng xe tăng huyền thoại của Liên Xô trong Thế chiến II, theo TASS. Trong ảnh, công nhân lắp ráp một chiếc T-34 tại nhà máy chế tạo máy Ural năm 1942.
Những chiếc T-34 yểm trợ lính Hồng quân Liên Xô tấn công vị trí quân Đức trong trận Moskva năm 1941. T-34 là một trong những dòng xe tăng tốt nhất và nổi tiếng nhất của Liên Xô, trở thành biểu tượng dễ nhận thấy nhất của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Chính ủy một đơn vị tăng thiết giáp Liên Xô đứng trên một chiếc T-34 ở mặt trận phía đông vào năm 1942, phía sau các kíp lái là xe tăng hạng nặng KV-1. Thiết kế T-34 cho phép nó liên tục được cải tiến, đáp ứng nhu cầu tác chiến thực tế. Dòng xe này ngày càng có uy lực mạnh, trong khi chi phí chế tạo giảm dần trong giai đoạn cuối Thế chiến II.
Dây chuyền lắp ráp xe tăng T-34 tại nhà máy Chelyabinsk. Tổng cộng 84.070 chiếc T-34 đã được chế tạo, khiến nó trở thành dòng xe tăng được sản xuất nhiều thứ hai lịch sử, chỉ xếp sau dòng T-54/55 Liên Xô.
Chiếc T-34 trên đường phố Sevastopol vừa được Hồng quân Liên Xô giải phóng từ tay phát xít Đức. Đến giữa năm 1941, Liên Xô có hơn 22.000 xe tăng T-34, nhiều hơn tổng số tăng của tất cả các nước trên thế giới cộng lại và nhiều gấp 4 lần số xe tăng Đức. Đến khi kết thúc Thế chiến II, Liên Xô đã kịp sản xuất gần 60.000 tăng T-34.
Các sĩ quan tăng thiết giáp Liên Xô trên một chiếc T-34. Những phiên bản T-34 đầu tiên có tổ lái 4 người gồm lái xe, trưởng xe kiêm pháo thủ, nạp đạn và sĩ quan điện đài. Dòng T-34-85 ra đời năm 1944 có thêm vị trí pháo thủ riêng biệt, giải phóng gánh nặng cho trưởng xe, giúp trưởng xe tập trung vào nhiệm vụ chỉ huy, theo dõi toàn cảnh chiến trường.
Đơn vị T-34 truy kích quân Đức ở mặt trận Ukraine. Giới chuyên gia nhận xét T-34 chiếm ưu thế về khả năng vượt địa hình và khả năng cơ động so với các dòng xe tăng hạng trung cùng thời.
Một chiếc T-34-85 vượt sông vào năm 1944. Bản T-34-85 hoàn chỉnh được trang bị pháo ZiS-S-53, có khả năng xuyên phá lớp giáp tương đương 100 mm thép cán đồng nhất (RHA) từ khoảng cách 1.000 m, cho phép nó tiêu diệt nhiều loại xe tăng Đức. Trên nền tảng khung gầm T-34, Liên Xô chế tạo pháo tự hành Su-85, Su-100 và Su-122. Phiên bản T-34-85 và các mẫu pháo tự hành này hiện vẫn được một số quốc gia sử dụng.
Xe tăng T-34 trên đường phố thủ đô Minsk của Belarus vào năm 1944, sau khi thành phố này được giải phóng. Dòng T-34 đã giúp cán cân sức mạnh nghiêng về Liên Xô trên mặt trận thiết giáp, góp phần đẩy quân Đức khỏi biên giới nước này bằng các chiến thắng vang dội, trong đó có trận đại chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử ở vành đai Kursk.
Nhiều xe tăng T-34 được dựng thành tượng đài trên khắp lãnh thổ Liên Xô sau Thế chiến II.