Di sản văn hóa Lễ hội Khai Hạ của người Mường Hòa Bình có lịch sử từ lâu đời và được cộng đồng người Mường ở các địa phương bảo tồn, gìn giữ phát huy qua nhiều thế hệ. Lễ hội đã đi sâu vào tâm thức của đồng bào dân tộc Mường ở các vùng có số lượng người Mương ở đông như Bi, Vang, Thành và nay thuộc các huyện Tân Lạ, Lạc Sơn, Cao Phong và Kim Bôi của tỉnh Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình.
Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản. Lễ hội là dịp để nhân dân hội tụ, đoàn kết cùng nhau vui hội với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, thể hiện tình đoàn kết dân tộc, cố kết cộng đồng trường tồn.
Nét độc đáo trong hai loại hình di sản văn hóa Lễ hội Khai hạ và lịch Đoi người Mường. Clip: BTC.
Di sản tri thức dân gian Lịch tre (Lịch Đoi/Roi) của người Mường Hòa Bình có vai trò đặc biệt trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Mường. Tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người...đều dựa vào cách tính cát hung của bộ lịch tre. Biểu hiện rõ nét nhất sự ảnh hưởng của lịch trong sản xuất nông nghiệp ở vùng Mường đó chính là ngày khai hạ.
Ngoài việc được áp dụng trong tính mùa màng thì lịch tre còn được vận dụng trong việc đi săn đánh bắt cá. Trong các tháng của Lịch tre thể hiện ngày mưa, ngày nắng nên người dân trong vùng có thể biết được cách tính ngày đi đánh bắt cá.
Hơn nữa lịch còn được sử dụng rất nhiều trong các nghi thức tín ngưỡng. Thông qua lịch này, các thầy mo, thầy cúng có thể biết được nguyên nhân tại sao người ốm lại bị ốm. Trong đám ma, thầy cúng thường xem ngày chôn và giờ chôn người chết thông qua Lịch tre, việc thực hành các nghi thức tín ngưỡng với các vị thần cũng được người Mường dựa theo cách tính lịch tre. Ngoài ra lịch còn được sử dụng để xem ngày giờ, tháng tốt để làm các việc lớn như dựng nhà và cưới hỏi.
Chia sẻ với Dân Việt về những nét độc đáo mang nhiều ý nghĩa của hai loại hình di sản văn hóa của địa phương, ông Bùi Xuân Trường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: "Có thể khẳng định việc đưa di sản văn hóa Lễ hội truyền thống Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Điều đó cho thấy sự ghi nhận về hai di sản văn hóa này là tài sản văn hóa quý giá mang tầm cỡ quốc gia. Việc hai di sản văn hóa được tôn vinh và quảng bá, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa rất thiết thực. Đặc biệt, điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, con người Hòa Bình với những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc".
Việc bảo tồn và phát huy giá trị hai di sản văn hóa Lễ hội Khai hạ và lịch Đoi người Mường được tỉnh Hòa Bình chú trọng, quan tâm.
Theo chia sẻ của ông Bùi Xuân Trường: "Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử và sự đổi thay của đời sống kinh tế - xã hội cho đến nay lễ hội Khai Hạ vẫn được đồng bào dân tộc Mường tổ chức thường niên, các nghi thức về phần lễ, phần hội tuy có nhiều biến đổi để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, nhưng về cơ bản vẫn giữ được các yếu tố truyền thống từ thời gian, địa điểm tổ chức, nghi thức. Nghĩa là phần nghi lễ thờ cúng các vị thần Thành Hoàng đã có công lập đất, lập mường vẫn được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính.
Phần hội với các trò chơi phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc như hát Thường đang, bộ mẹng, hát đối đáp, trình diễn Chiêng Mường, các trò chơi dân gian như: ném còn, đánh mảng... thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường.
Cũng theo chia sẻ của ông Bùi Xuân Trường, hiện nay toàn tỉnh Hòa Bình chỉ còn 5 bộ Lịch tre cổ có tuổi đời hàng trăm năm và khoảng trên 100 bộ Lịch tre được làm mới, đang được lưu giữ, sử dụng trong nhân dân. Số người còn xem được Lịch tre, am hiểu, giải mã được toàn bộ các thông tin trong bộ lịch tre của người Mường còn rất ít chỉ khoảng trên 10 người, tập trung vào các thầy mo, thầy mỡi của dân tộc Mường.