Dân Việt

Chó thả rông ở TP.HCM (bài 2): Nạn nhân bị tổn thương thể chất, tâm lý nặng nề

Chinh Hoàng 05/08/2022 10:24 GMT+7
Vụ cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước bị chó hàng xóm cắn tử vong mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về hiểm họa nuôi chó không được kiểm soát chặt chẽ. Đã có nhiều cái chết thương tâm như vậy. Không chỉ ở vùng thôn quê, tại TP.HCM, tình trạng nuôi chó thả rông vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người...

Chó thả rông không chỉ tấn công người ở mức độ bị thương, phải điều trị thời gian dài trong bệnh viện, mà còn gây ra những cái chết thương tâm. 

Chó thả rông ở TP.HCM đầy rẫy ở các khu chung cư, không được kiểm soát. Clip: Chinh Hoàng

Nhiều nạn nhân bị chó thả rông tấn công

Chị H.T.T.D. (ngụ quận Tân Phú) có con trai được gần 1 tuổi. Tình trạng chó thả rông thường xuyên "ghé thăm", phóng uế trước hiên nhà chị xảy ra thường xuyên.

Chó thả rông ở TP.HCM (bài 2): Nạn nhân bị tổn thương thể chất, tâm lý nặng nề - Ảnh 2.

Một con chó thả rông thường xuyên ghé trước nhà chị D. phóng uế. Ảnh: Chinh Hoàng

Mới đây, khi người giúp việc trông nom con ở đầu hẻm, chị D. lên sân thượng phơi quần áo. Nghe tiếng con trai khóc ré, chị chạy xuống, phát hiện trên mu bàn tay phải của con mình có nhiều dấu răng của con chó. Chó bất ngờ tấn công, người giúp việc xoay trở xua đuổi chó không kịp.

Chó thả rông, chó nuôi trong nhà cắn xé người lớn, trẻ em đến thương tật nặng. Nghiêm trọng hơn là những cái chết để lại những nỗi đau, uất ức, ám ảnh khôn nguôi với gười thân trong gia đình…

Mới đây, ngày 23/7/2022 một bé trai 8 tuổi ở Bình Phước bị chó Pitbull nhà hàng xóm nặng 30kg cắn xé đến tử vong trong lúc ghé chơi nhà bà nội. Hôm 1/3/2022, bé gái 6 tháng tuổi đang tập bò vô tình kéo đuôi con chó nên bị cắn vào đầu. Gia đình kịp đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cấp cứu. Các bác sĩ khám, chụp chiếu, phát hiện bé bị chó cắn đến xuyên sọ.

Chó thả rông ở TP.HCM (bài 2): Cắn xé không kiểm soát, đã có nhiều cái... chết thương tâm - Ảnh 3.

Trẻ con, một trong những đối tượng khó phản ứng nhanh khi bị chó thả rông tấn công. Ảnh: Chinh Hoàng

Trước đó, câu chuyện nam thanh niên bị chó Pitbull 60kg cắn chết trong quán cà phê xảy ra ở Long An tối 20/5/2021 khiến nhiều người giật mình. Hôm 25/5/2021, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận, cấp cứu một bệnh nhi 3 tuổi trong tình trạng vùng mặt, đầu có nhiều vết rách sâu do chó cắn. Chưa kể, chó thả rông bị dại cắn xé người bị thương nghiêm trọng dẫn đến nhiều hệ lụy, nỗi đau, nỗi ám ảnh khôn nguôi ngoai từ nạn nhân, người thân trong gia đình…

Chó thả rông ở TP.HCM (bài 2): Nạn nhân bị tổn thương thể chất, tâm lý nặng nề - Ảnh 5.

Dắt cho thả rông đi phóng uế trên đoạn đường Phạm Văn Đồng (đoạn TP.Thủ Đức). Ảnh: Chinh Hoàng

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn đều là do vật nuôi trong nhà hoặc vật nuôi của nhà hàng xóm. Các trẻ bị chó tấn công chủ yếu trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, chưa có kỹ năng phòng vệ cho bản thân.

Tổn thương thể chất, tâm lý nặng nề

Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM Nguyễn Văn Đẩu chia sẻ: Những ca chó thả rông cắn trẻ em với vết thương lớn, sau khi mổ, vá cho trẻ, vết thương có thể lành nhưng để lại sẹo. Theo thời gian sẹo sẽ co rút, làm miệng méo, mắt sụp xuống... Và từ đó chắc chắn sẽ tổn thương về tâm lý đứa trẻ.

Chó thả rông ở TP.HCM (bài 2): Nạn nhân bị tổn thương thể chất, tâm lý nặng nề - Ảnh 6.

Một con chó thả rông, không rọ mõm trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Chinh Hoàng

Bác sĩ Đẩu khẳng định rằng: "Y khoa hiện nay không thể nào trả lại hiện trạng khuôn mặt đứa trẻ sau khi bị chó cắn 100% hoàn toàn".

Theo số liệu từ bác sĩ Đẩu cung cấp, trung bình ở Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi năm có khoảng 30 ca chó cắn ở vùng mặt, chưa kể rất nhiều ca chó cắn ở vùng khác trên cơ thể (bác sĩ ngoại khoa xử lý). Hầu hết các ca chó cắn trẻ em ở vùng mặt là những ca nặng.

Bác sĩ Đẩu chia sẻ thêm: Tâm lý của phụ huynh trẻ nhỏ khi thấy con mình bị chó cắn sẽ nghĩ đến chuyện chích ngừa bệnh dại. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ. Bởi quá trình con chó ngoạm được "con mồi" nó bắt đầu lắc miệng để xé, làm cho "con mồi" gãy cổ chết ngạt. Nên vết thương ở ca này là vết thương xé, đồng thời trong quá trình tấn công, 10 móng vuốt của con chó tựa lên mặt "con mồi" làm động tác cào.

Nạn nhân ngoài vết má bị xé, trên da còn có vết cào song song. Những vết cào đó tuy nhìn bình thường nhưng phía sau là một hậu quả lớn. Bởi móng vuốt của con chó như một vật kim loại gỉ, sét. Thường ngày móng vuốt của con chó đi dưới đất, bươi rác, rất nhiều vi khuẩn trú ẩn. Do đó vết cào sẽ bị nhiễm khuẩn. Vậy nên, theo bác sĩ Đẩu, ngoài chích ngừa bệnh dại, nạn nhân còn phải chích ngừa thêm vaccine khác...

Cách phòng ngừa chó thả rông tấn công?

Theo bác sĩ Đẩu, đối với người dân, việc nuôi chó phải cân nhắc, đặc biệt nhà có trẻ con và ở xóm có nhiều trẻ con thì không nên nuôi chó. Bởi chó là loài động vật con người không kiểm soát, huấn luyện, giáo dục hoàn toàn được.

Chó thả rông ở TP.HCM (bài 2): Nạn nhân bị tổn thương thể chất, tâm lý nặng nề - Ảnh 8.

Chó thả rông trên địa bàn quận 10, TP.HCM. Ảnh: Chinh Hoàng

Nhiều người rất chủ quan với chó thả rông chính vì thế tai nạn do chó gây ra đối với trẻ con có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu muốn nuôi chó thì phải có biện pháp cách ly giữa trẻ con với chó. "Chó phải nhốt trong chuồng, khi thả ra phải có dây cột hoặc rọ mõm. Ngoài ra, chó phải được chích ngừa đầy đủ, đặc biệt chó cái ở giai đoạn sinh con buộc phải cách ly vì khi nuôi con, nó rất hung dữ", bác sĩ Đẩu phân tích.

Bàn về những biện pháp phòng ngừa chó thả rông tấn công trẻ con, bác sĩ Đẩu phân tích thêm: Trẻ nhỏ hiếu động. Người lớn phải trông chừng, không cho trẻ em chọc phá chó. Nhiều khi con chó đang ngủ, trẻ con đi qua chọc vào mũi, hay đạp vào đuôi, phản xạ tự nhiên khiến nó sẽ có những phản ứng dữ dội, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Thêm vào đó, chiều cao trẻ con khác người lớn. Với người lớn, chó thường sẽ cắn vào bàn tay, chân nhưng trẻ con dễ bị cắn vào mặt. "Hiển nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, vết thương chó cắn ở mặt trẻ con rất đáng sợ, tổn thương lớn, khó thể phục hồi nguyên vẹn sau khi chó cắn", bác sĩ Đẩu nhận định.

Điều 2 Phụ lục 15 của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT có quy định đối với UBND cấp xã: "Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý. Thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại".

Trong thời gian vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên tập huấn về phòng, chống bệnh dại và công tác bắt chó thả rông cho nhân sự của các đơn vị như: UBND 1, 4, 6, 8, 12, Cần Giờ và TP.Thủ Đức. các đơn vị đã được tiếp tục tập hướng dẫn kỹ lưỡng hơn về công tác bắt chó thả rông trên địa bàn quản lý.

(Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM)