Theo giới thiệu của hai nhà sáng lập Đỗ Minh Trang và Bùi Thế Bảo, ứng dụng VECA giúp người tiêu dùng chủ động về thời gian, minh bạch về giá cả. Ứng dụng được xây dựng với mong muốn giúp người mua ve chai tăng khối lượng thu mua, tăng đơn hàng, từ đó cuộc sống của họ sẽ ổn định hơn. Ứng dụng này cũng có thể kết nối để đem lại nguồn cung vững chắc hơn cho các thành phần khác của hệ sinh thái tái chế như các đơn vị xử lý hoặc các nhà máy tái chế.
Hai nhà sáng lập VECA chỉ ra điều phi lý và lãng phí trên thị trường phế liệu Việt Nam hiện nay. Phế liệu là thị trường tỷ đô nhưng tỷ lệ thu hồi và tái chế ở Việt Nam chưa cao. Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong các quốc gia đang xả thải ra môi trường biển nhưng hàng năm phải nhập hàng triệu tấn phế liệu nhằm mục đích sản xuất.
Đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi đầu tư 7 tỷ cho 15% cổ phần, VECA kỳ vọng 10 năm sau nhìn lại sẽ thấy các Shark đã làm được gì cho ngành môi trường Việt Nam.
“Sau 10 năm thì các Shark sẽ thu lại được gì?”, Shark Bình thắc mắc.
Thế Bảo cho biết chắc chắn 5 năm sẽ hoàn vốn bằng cổ tức. Cung cấp thông tin chi tiết hơn về bức tranh tài chính, hai nhà sáng lập VECA cho biết doanh thu trong vòng 6 tháng, tính từ tháng 12/2021 đến hiện tại là 1,56 tỷ. Doanh thu này đến từ hai nguồn là các chương trình thu hồi bao bì cho nhãn hàng và từ việc thu mua ve chai qua các trạm thu gom của VECA.
Ve chai thu mua sẽ được VECA bán lại cho các nhà máy tái chế và Startup “ăn” mức chênh lệch khoảng 10 – 12%. Doanh thu từ hoạt động này đạt 520 triệu, lãi 10%. “Nhưng chi phí vận hành đang lỗ khoảng 50 triệu”, Thế Bảo cho biết thêm.
Dự kiến năm 2022, doanh thu của VECA đạt 13 tỷ và vẫn lỗ. Thế Bảo chia sẻ năm thứ 2, VECA sẽ có nhu cầu gọi vốn khoảng 20 tỷ để xây dựng 15 trạm thu mua, lợi nhuận từ 2 – 3%, doanh thu 150 tỷ. Năm thứ 3 có nhu cầu gọi vốn 55 tỷ để xây dựng 50 trạm thu mua phế liệu, doanh thu khoảng 500 tỷ và lợi nhuận từ 4 – 6%.
Dự định này của Startup khiến Shark Hưng băn khoăn: “7 tỷ bạn trả chúng tôi 15%. Sau đó bạn tăng lên 22 tỷ. Sau đó bạn tăng lên 55 tỷ thì 7 tỷ của chúng tôi lúc ấy nó còn bé tí. Lúc ấy chúng tôi chỉ còn khoảng 1%”. Tính toán nhanh dựa trên con số mà Startup đưa ra, Shark Hưng cho biết tổng lợi nhuận sau 4 – 5 năm khoảng 30 tỷ mà các Shark được 1% trong số đó. “Lấy đâu ra mà hoàn vốn?”, ông thắc mắc.
Tiếp đó, Shark Liên đặt câu hỏi về lý do người dùng cần sử dụng app VECA, Minh Trang cho biết ngay cả khi phân loại rác ở nhà thì vẫn để chung vào một xe rác. Số lượng thu gom giấy và nhựa chỉ chiếm khoảng 20%. 80% vẫn còn nằm trong rác hoặc thất thoát ra môi trường.
Hiện tại VECA đã hoạt động được 6 tháng và có mặt tại 12 quận TP. HCM. Người dùng có thể sử dụng ứng dụng để gọi người mua ve chai. Người mua ve chai có một ứng dụng riêng như mô hình xe công nghệ.
Hai nhà sáng lập cho biết trung bình mỗi tháng ứng dụng VECA có 1.500 lượt tải. Hiện nay VECA đã có tổng cộng 29.000 lượt tải và khoảng 6.000 giao dịch.
Chia sẻ về phương án tăng lượng người dùng, Minh Trang cho biết: “Bọn em tiếp cận qua mạng xã hội. Bọn em cũng làm những chương trình đến tận chung cư, khuyến khích dân chung cư mang rác xuống và đổi lấy quà hoặc bán lấy tiền”.
Shark Bình phân tích và chỉ ra “điểm yếu chí mạng” trong mô hình kinh doanh của startup khi phát triển ứng dụng theo mô hình sharing economy (kinh tế chia sẻ). Lấy ví dụ về các hãng xe công nghệ, Shark Bình cho biết thời gian đầu họ bỏ rất nhiều tiền marketing để thu được tài xế và khách hàng đi. Điểm mạnh của các hãng này là sau khi khuyến mại cho người dùng thì tần suất sử dụng dịch vụ gọi xe rất cao. Một ngày có thể gọi vài lần nên họ có thể nhanh chóng thu lại lợi nhuận.
“Yếu điểm của em là tần suất khách hàng sử dụng dịch vụ bán ve chai. Anh nghĩ một năm người ta có thể chỉ gọi bán ve chai khoảng một vài lần”, Shark Bình nói.
Shark Hưng thì nhận định thực chất startup chính là người đi thu gom ve chai. Startup thông qua app để phát triển mạng lưới những người thu mua giúp và sau đó bao tiêu đầu ra cho họ.
Trước câu hỏi của Shark Bình về cách cạnh tranh với các vựa thu mua ve chai khác khi họ chỉ cần chạy quảng cáo Google hoặc Facebook mà không mất công xây ứng dụng, không mất tiền để acquire (thu hút) người dùng tải ứng dụng, Minh Trang cho biết thế mạnh của VECA là có thể thu hồi những thứ ve chai thông thường không thể thu hồi.
“Ví dụ như vỏ hộp sữa giấy này. Nó đang được xem là rác. Nhưng qua tụi em nó sẽ trở thành những món quà đổi. Tụi em hợp tác với nhãn hàng để thực hiện chương trình thu gom cái này”, Minh Trang tiết lộ.
Shark Hưng bày tỏ băn khoăn trước trường hợp người thu gom ve chai có thể dùng ứng dụng để thu mua nhưng không bán lại cho Startup. Ngoài ra, ứng dụng sẽ phân bổ thông tin cho người thu gom ve chai theo nguyên tắc định vị, nhanh, tiền cao hay giá rẻ.
Thế Bảo cho biết định vị của Startup là liên quan tới những ngành có khả năng minh bạch về giá và xác định được giá của nó là bao nhiêu. Startup của anh hiện đang theo hướng thu mua ve chai, còn các thiết bị điện tử trong tương lai sẽ triển khai.
Anh cũng cho biết, đến với Shark Tank anh muốn có thêm kết nối để đẩy nhanh tiến trình của mình như từ vựa đến nhà máy tái chế.
Shark Liên, Shark Hưng, Shark Bình và Shark Erik lần lượt từ chối đầu tư cho VECA.
Shark Bình cho biết, ông ủng hộ ứng dụng dưới góc độ doanh nghiệp xã hội vì môi trường. Tuy nhiên xét ở khía cạnh kinh doanh, kiếm lợi nhuận, mô hình kinh doanh của startup không đủ hấp dẫn khi tần suất sử dụng ứng dụng của khách hàng thấp và bình quân doanh thu của ve chai cũng thấp.
Đồng quan điểm với Shark Bình, Shark Erik cho biết ông đến từ quỹ đầu tư mạo hiểm và thị phần của startup phải đủ lớn để ông có được hiệu quả đầu tư như mong muốn.
Còn lại Shark Hùng Anh, ông đánh giá ứng dụng này hấp dẫn. Tuy nhiên, việc Startup yêu cầu nâng vốn liên tục qua từng năm sẽ gây thiệt hại cho Shark khi bị giảm cổ phần nếu không đáp ứng được yêu cầu tăng vốn. “Cho nên trong 7 tỷ này tôi sẽ lấy 49% cổ phần để mục tiêu kiểm soát bạn tăng vốn vô tội vạ”, Shark Hùng Anh cho biết.
Thế Bảo cho biết số cổ phần tối đa mà Startup của anh có thể chia sẻ là 20%. Chính vì vậy anh từ chối lời đề nghị đầu tư của Shark Hùng Anh.