Thời gian qua, nhiều người dùng mạng xã hội TikTok có lượng theo dõi lớn "review" (đánh giá lại, kiểm tra lại - PV) đồ ăn với nhiều nhận xét tiêu cực khiến một số chủ quán gặp không ít khó khăn vì mất khách.
Mới đây, một số quán ăn đã làm hẳn bảng hiệu với nội dung từ chối tiếp những người này, gây xôn xao dư luận.
Bảng hiệu cũng được chủ quán dán ảnh của một số người lên. Ngay sau khi được chia sẻ, nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề này.
Theo bạn đọc Mai Khánh Thiện (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, việc các chủ cửa hàng cấm như vậy là điều hoàn toàn đúng đắn.
"Những người không có chuyên môn về ẩm thực nhưng làm video đánh giá là điều không thể chấp nhận. Việc đánh giá này được đăng tải lên mạng xã hội gây ảnh hưởng không nhỏ tới các cửa hàng.
Tôi tin rằng khi dán bảng, không phải vì cửa hàng sợ đồ ăn họ làm không ngon, phục vụ không tốt mà họ không muốn "Tiktoker" này có mặt tại cửa hàng làm phiền đến công việc kinh doanh của họ", bạn Thiện nói.
Đồng quan điểm, bạn đọc An Tường (Mỹ Đình, Hà Nội) thông tin: "Có thêm những người này đến ăn cũng không làm doanh thu khá lên, chưa kể là họ có thể đưa ra những đánh giá không tốt làm ảnh hưởng đến quán, nên việc cấm, không cho vào quán, không bán hàng cho những người này là hoàn toàn đúng đắn".
Không đồng ý với quan điểm trên, bạn Văn Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc mở quán ra là đón khách, dù thế nào việc dán hình ảnh cá nhân người khác lên cũng là không nên.
"Nếu lỡ những người dùng mạng xã hội TikTok có mặt tại cửa hàng, chủ quán có thể yêu cầu nhẹ nhàng, không được quay chụp cũng như không đưa thông tin của quán lên. Mình thấy đấy là cách xử lý nhẹ nhàng, hài hòa giữa các bên".
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, chưa bao giờ mối quan hệ cộng sinh giữa các nhà hàng và việc người sử dụng Youtube, Tiktok lại trở lên căng thẳng như thời điểm hiện tại.
"Hiện nay, chưa có điều khoản nào cấm các hành vi đánh giá hay chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, bởi vì, những người này cũng là khách hàng, họ chỉ chia sẻ những gì mình suy nghĩ về quán.
Trên thực tế, không ít chủ quán chi tiền ra để mời những người này về quảng cáo cho quán của mình.
Tuy nhiên, nếu người dùng mạng xã hội TikTok có những lời nhận xét tiêu cực, đưa ra những nhận xét sai lệch về quán ăn như về chất lượng đồ ăn, phục vụ hay là cách quán làm... thì có thể bị kiện về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo quy định tại điều 288 BLHS 2015", vị luật sư cho hay.
Điều 288 BLHS 2015:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này; Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
Có tổ chức; Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam; Dẫn đến biểu tình.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Hoặc cũng trường hợp được trả tiền để đưa ra những review tiêu cực, sai sự thật gián tiếp gây cản trở công việc kinh doanh của nhân thì cũng sẽ bị xử phạt về hành vi cạnh tranh không lành mạnh là từ 100-150 triệu đồng.
Cũng theo vị luật sư, điểm đáng nói ở đây là việc các chủ quán dán ảnh cấm các "TikToker" đến đánh giá, có được hay không?
"Trước đây, tại Hàn Quốc trào lưu Mukbang nổi lên, nhiều chủ quán hàng ăn cũng cấm các nhân vật quay video vì gây ảnh hưởng tới các vị khách khác và họ ngồi lâu cũng gây mất không gian của quán.
Tương tự ở Việt Nam, hiện nay chưa có một điều khoản nào quy định về nội dung này, mặc dù các chủ quán có thể cấm, nhưng việc dán ảnh người khác tại quán của mình thì lại là hành vi vi phạm đến quyền hình ảnh.
Theo quy định tại điều 32 BLDS 2015 thì các cá nhân có quyền nhân thân với hình ảnh của mình, vì vậy việc chủ quán sử dụng hình ảnh của những người sử dụng mạng xã hội TikTok mà chưa xin phép thì sẽ bị xử phạt theo điều 155 BLHS thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Trường hợp hành vi phạm tội có các tình tiết tăng nặng như phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người đang thi hành công vụ; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%…. thì sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm", vị luật sư phân tích.