Mới đây, trong kết luận nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị yêu cầu toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Theo quyết định này, tổng biên chế cả nước giai đoạn 2022-2026 là hơn 2,2 triệu người.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng ban hành kết luận về nâng cao hiệu quả quản lý biên chế của hệ thống chính trị. Trong đó, yêu cầu giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị phải tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
"Tinh giản biên chế" là cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện Đảng, như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng từng nói "có một thực tế là cán bộ lãnh đạo ở cơ quan nào cũng ngồi bàn ít nhất vài lần trong nhiệm kỳ về chuyện này nhưng biên chế vẫn không giảm được".
Nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo: Không nguồn ngân sách nào có thể kham nổi một bộ máy hành chính lớn và cồng kềnh như hiện nay.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, số lượng biên chế hiện nay quá nhiều, đặc biệt phân bổ đông ở các bộ, ngành trung ương, khối mặt trận và một số đoàn thể phân bổ quá đông. Ở địa phương, khối này lại còn được hưởng thêm 30% trợ cấp, phụ cấp, tạo ra sự phân bổ không đều.
Quỹ chi cho tiền lương chỉ có vậy, với 1.000 tỷ đồng chia cho 900 nghìn người sẽ được hưởng nhiều hơn thay vì chia cho 1 triệu người. Thu nhập cao hơn, cán bộ, công chức, viên chức sẽ gắn bó, và cống hiến nhiều hơn. Tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả luôn là điều rất cần thiết, cấp thiết", vị đại biểu Quốc hội phân tích.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Phạm Văn Hoà, liên quan đến vấn đề con người luôn là điều cực kỳ khó. Nhiều người chưa bỏ được tư duy bám víu vào cơ quan nhà nước, dẫn đến tinh giản bộ máy, biên chế, sắp xếp lại bộ máy cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, dù khó khăn như vậy nhưng cần phải thực hiện. Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ ngành, chắc chắn sẽ tinh giản biên chế.
Chính vì vậy, mỗi đơn vị, địa phương tuỳ tình hình thực tế của mình mà sắp xếp làm sao cho phù hợp, tránh so bì, bất công.
Song song với nhiệm vụ đó, các địa phương vẫn tiếp tục sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đủ hai tiêu chí theo tinh thần nghị quyết của Trung ương, Quốc hội trong giai đoạn 2021-2026.
"Trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét sửa đổi nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính cho phù hợp với thực tiễn. Tất nhiên, trong giai đoạn này, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng là vấn đề cực kỳ khó khăn so với giai đoạn trước đây", ông Hoà đánh giá.
Nói về vấn đề tinh giảm biên chế, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn cho rằng, thực tế thời gian qua chưa khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy.
Tuy vậy, một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy; việc rà soát, tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Để khắc phục hạn chế, thực hiện theo Kết luận số 40 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, ở đây cần sự đồng bộ cả hệ thống chính trị để giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công việc.
"Việc cải cách chế độ công vụ làm sao đổi mới về cách quản lý biên chế, phân cấp, phân quyền. Làm sao tách hợp đồng ra khỏi biên chế. Tập trung xây dựng nền công vụ có chất lượng và thu hút người tài vào nền công vụ. Trong bối cảnh thực tiễn của chúng ta, khó khăn thách thức 5 năm tới nhiều hơn thuận lợi", nữ Bộ trưởng phân tích.
Tinh giản biên chế phải gắn với việc giảm đầu mối. Nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức gắn với cải cách hành chính sẽ không tinh giản được biên chế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tinh giản biên chế, sử dụng cán bộ, hay nói cách khác là việc dùng người cho hiệu quả phải được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng.
Đặc biệt, người đứng đầu cần được giao quyền nhiều hơn trong việc tuyển dụng, đồng thời cũng chịu trách nhiệm nhiều hơn nếu cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ. Có như vậy mới thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, đây là yếu tố quan trọng để đất nước phát triển ổn định và bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, thời gian qua, các bộ ngành phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát lại bộ máy, đảm bảo các tiêu chí, đặc biệt là các tổng cục theo quy định. Đến nay, các bộ, ngành đã tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành. Ông Long khẳng định, sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ ngành, chắc chắn sẽ tinh giản biên chế. Tuy nhiên, đến nay mới có một nghị định về tổ chức bộ máy của Bộ TT&TT, các bộ, ngành khác đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thành trong thời gian tới.