Dân Việt

Uống canxi đều đặn nhưng sau 40 vẫn bị loãng xương, bác sĩ chỉ ra thủ phạm

Theo Minh Nhật 09/08/2022 08:24 GMT+7
Thường xuyên uống canxi nhập ngoại nhưng người phụ nữ vẫn bị rạn xương cổ tay sau một cú ngã nhẹ. Bất ngờ hơn, bác sĩ còn kết luận chị bị loãng xương độ 1, dù chỉ mới ngoài 40.

Uống canxi từ sớm, người phụ nữ bất ngờ khi biết bị loãng xương

Suốt 5 năm qua, chị N.N.H. (47 tuổi - Hoàng Mai, Hà Nội) đều được con gửi các loại canxi từ Nhật về để uống. Cứ đinh ninh rằng mình uống đều đặn từ sớm nên xương sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, trong quá trình bổ sung canxi, chị H. vẫn gặp tình trạng đau mỏi lưng và các khớp ngón tay. Vừa rồi nhà có cỗ nên trong lúc nấu ăn chị bất cẩn vấp ngã dẫn đến rạn xương cổ tay.

Uống canxi đều đặn nhưng sau 40 vẫn bị loãng xương, bác sĩ chỉ ra thủ phạm - Ảnh 1.

"Băng bó và lấy thuốc xong, tôi còn bàng hoàng hơn khi nghe bác sĩ chẩn đoán mình bị loãng xương cấp độ 1. Trong khi tôi vẫn bổ sung canxi điều độ và đúng như hướng dẫn sử dụng", chị H. lo lắng.

Theo các chuyên gia, loãng xương là hiện tượng xương yếu, dễ bị gãy, bệnh lý này xuất hiện do sự suy giảm khối lượng chất khoáng trong xương và tổn thương vi cấu trúc của cấu tạo xương. Căn bệnh này lại không có một dấu hiệu hay triệu chứng nào, diễn ra một cách âm thầm. Chỉ khi bệnh nhân bị gãy xương và đi khám mới biết mình đang mắc chứng bệnh này.

Loãng xương cấp độ 1 (loãng xương nguyên phát) là một dạng loãng xương thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh. Khi nồng độ estrogen suy giảm, xương trở nên nhạy cảm hơn với hormon tuyến cận giáp (PTH). PTH gây tăng hấp thu canxi từ xương và dẫn đến loãng xương, suy yếu xương.

Sau 40, chị em bước vào thời kỳ "hao hụt", loãng xương nhanh chóng

Theo Ths.Bs Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh sẽ nhanh chóng mất khoảng 5 đến 10% lớp vỏ xương đặc bên ngoài và khoảng 20 đến 30% xương xốp - lớp cấu trúc bên trong do các tấm xương liên kết với nhau.

Uống canxi đều đặn nhưng sau 40 vẫn bị loãng xương, bác sĩ chỉ ra thủ phạm - Ảnh 2.

Ths.Bs Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Sự suy giảm mật độ xương xốp có thể dẫn đến một loạt các tấm xương mỏng, lỏng lẻo và bị gãy, một số trong đó không còn khả năng liên kết với bất kì thứ gì và có khả năng dẫn tới chứng loãng xương.

Từ khoảng 35 tuổi trở đi, các tế bào xương bắt đầu gặp khó khăn để theo kịp tốc độ của các tế bào hủy xương khi tốc độ hủy xương bắt đầu vượt qua tốc độ tạo xương. Khối lượng xương có thể bắt đầu giảm một chút trong những năm này.

Sau đó là giai đoạn chuyển tiếp tới thời kì mãn kinh và nồng độ estrogen bắt đầu giảm mạnh. Các tế bào hủy xương sẽ nắm bắt thời điểm và làm việc chăm chỉ hơn khoảng 20%, trong khi các tế bào tạo xương không thể theo kịp chúng dẫn đến khoảng cách về năng suất và hậu quả là mất xương.

Uống canxi đều đặn nhưng sau 40 vẫn bị loãng xương, bác sĩ chỉ ra thủ phạm - Ảnh 3.

Tệ hơn nữa, mức độ estrogen giảm cũng báo hiệu cho ruột non hấp thụ ít canxi hơn, thận bài tiết nhiều hơn và vitamin D hoạt động kém hơn.

"Sự sụt giảm rõ rệt nồng độ estrogen khi mãn kinh có liên quan đến việc mất xương nhanh chóng và loãng xương. Vì vậy chị em cần quan tâm đến nội tiết tố của mình có đang đủ để hấp thụ tốt dưỡng chất bên ngoài nạp vào hay không", BS Thành phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã bắt đầu nhận ra một sự thật rằng: Những thay đổi của xương diễn ra trong giai đoạn chuyển đổi tới thời kì mãn kinh khác biệt rất rõ ràng so với những thay đổi trong các giai đoạn sau. Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh sẽ nhanh chóng mất khoảng 5 đến 10% lớp vỏ xương đặc bên ngoài và khoảng 20 đến 30% xương xốp - lớp cấu trúc bên trong do các tấm xương liên kết với nhau.

Khi phụ nữ đã trải qua thời kì mãn kinh được 4 hoặc 5 năm, tốc độ mất xương sẽ chậm lại nhưng vỏ xương đặc và xương xốp bên trong tiếp tục mỏng đi. Trong 3 năm sau đó, phụ nữ thường mất thêm 20 đến 25% mật độ cả 2 loại xương do nồng độ hormone thấp hơn, lối sống ít vận động hơn và hấp thụ canxi và vitamin D kém hiệu quả hơn.

"Cũng chính vì vấn đề này, nồng độ canxi trong máu có thể giảm đáng kể. Điều này sẽ thúc đẩy bốn tuyến cận giáp nhỏ ở cổ tiết ra một loại hormone để báo hiệu cơ thể bắt đầu kéo nhiều canxi ra khỏi xương, càng làm khung xương yếu đi trông thấy. Ngay cả một lượng nhỏ khoáng chất bị rút ra khỏi xương vào thời điểm này cũng có thể gây ra chứng loãng xương ở phụ nữ", BS Thành phân tích.

Tại sao bổ sung canxi từ sớm nhưng nhiều người vẫn mắc loãng xương?

Nhiều chị em trong độ tuổi tiền mãn kinh - mãn kinh đã và đang sử dụng thêm viên uống canxi. Tuy nhiên họ vẫn gặp tình trạng xương dễ gãy. Theo BS Thành nguyên nhân là vì sự hấp thụ canxi còn liên quan đến loại hormone estrogen và calcitriol.

Uống canxi đều đặn nhưng sau 40 vẫn bị loãng xương, bác sĩ chỉ ra thủ phạm - Ảnh 4.

"Phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh nếu chỉ uống canxi gần như không hiệu quả. Lý do là vì không có nội tiết tố estrogen để tăng cường hấp thụ canxi từ ống tiêu hóa: thức ăn và thuốc, cũng như giúp chuyển hóa canxi vào mô xương. Bên cạnh đó, calcitriol là hormone được sản xuất từ vitamin D giúp tăng hấp thu canxi và phốt pho trong ruột, nhờ đó cung cấp khoáng chất cho khung xương. Khi thiếu vitamin D, canxi sẽ không được chuyển hóa sang xương, dẫn đến một căn bệnh khiếm khuyết khoáng hóa, được gọi là nhuyễn xương ở người lớn", BS Thành cho hay.

Do đó, để ngăn chặn loãng xương sau tuổi 40, BS Thành khuyến cáo, chị em nên bổ sung canxi đồng thời với liệu pháp hormone theo sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.