Ngoài ra, nhiều nhân vật liên quan đến những vấn đề đất đai "nổi cộm" là vợ hoặc người thân của gia đình lãnh đạo đang đương chức, lãnh đạo huyện đã về hưu...
Ngày 9/8, nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Định cho biết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến Chủ tịch tỉnh, giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra việc giao đất, lấn chiếm đất rừng, phá rừng và xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, thời gian vừa qua.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thơm cho biết, cơ quan này đã có quyết định thanh tra về việc giao đất, lấn chiếm đất rừng, phá rừng và xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh thời hạn 30 ngày (kể từ ngày 9/8).
Đoàn thanh tra gồm 8 người, do Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định Nguyễn Xuân Sơn làm Trưởng đoàn, Trưởng phòng Thanh tra 1 – Thanh tra tỉnh Nguyễn Hoàng Minh làm Phó trưởng đoàn và 6 thành viên (trong đó có cán bộ Thanh tra tỉnh, Chi cục Kiểm lâm và Sở Tài nguyên - Môi trường).
Đoàn sẽ làm việc những nội dung theo yêu cầu của UBND tỉnh Bình Định, những vấn đề đất đai "nổi cộm" mà báo chí đã phản ánh thời gian qua.
Trước đó, Báo Dân Việt đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh tình trạng đất đai có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
Trong đó, nhiều nhân vật liên quan đến vụ việc có mối quan hệ là vợ hoặc người thân của gia đình lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện.
Trường hợp đầu tiên, bà Trương Thị Lệ Thâm (nguyên lãnh đạo Phòng Y tế thuộc UBND huyện Vĩnh Thạnh) tự ý chiếm đất rừng phòng hộ trái phép tại xã Vĩnh Hảo, để dựng nhà sàn.
Bà Thâm là vợ ông Trần Quốc Biểu – Huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh. Ông Biểu là em ruột của 2 nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh là ông Trần Công Sý và Trần Quốc Lại.
Nói về việc vợ bị phạt vì chiếm đất rừng phòng hộ dựng nhà sàn trái phép, ông Trần Quốc Biểu – Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh cho rằng, gia đình ông bị người khác "chọt", bởi cũng từng có nhiều trường hợp khác dựng nhà trước đó, nhưng không hề bị xử lý. Hiện tại, bà Thâm đã tự phá dỡ nhà sàn, trả lại đất rừng phòng hộ cho cơ quan chức năng quản lý.
Trường hợp thứ hai là dự án Trung tâm vui chơi giải trí thể thao của bà Võ Thị Ánh Nhạn (là vợ ông Trần Công Sý – nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh), được UBND huyện Vĩnh Thạnh cho thuê 7.947,3m2 đất (hơn 0,7ha) nhưng không xin ý kiến và chưa được sự chấp thuận của UBND tỉnh Bình Định, không đúng quy định của Luật Đất đai 2013.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Lê Văn Đẩu – nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh xác nhận, thời điểm năm 2014, khi đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện, ông đã ký quyết định cho bà Nhạn thuê đất.
Việc cho thuê này không xin ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh Bình Định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Nhạn là vợ ông Trần Công Sý (Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh nhiệm kỳ 2005-2010). Nhiệm kỳ sau (2010 - 2017), ông Trần Quốc Lại - em trai ông Trần Công Sý nối tiếp giữ vị trí Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh.
"Thời điểm đó, khu đất cho bà Nhạn thuê thì huyện đã có quy hoạch rồi, các cơ quan tham mưu bảo cho thuê đất không cần xin ý kiến của tỉnh nên tôi ký, chứ không để ý", ông Đẩu nói.
Cũng theo ông Lê Văn Đẩu, thời điểm ký quyết định cho bà Nhạn thuê đất (năm 2014), ông Trần Quốc Lại (em ruột chồng bà Nhạn) giữ chức Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, "tuy nhiên việc ký cho thuê đất không có áp lực".
"Trước đây, tôi có nghe thông tin là huyện cho thuê đất không đúng. Khi còn đang đương chức, tôi đã làm việc lại với các bộ phận chuyên môn về vấn đề này thì họ khẳng định là việc cho thuê đất là đúng", ông Đẩu cho hay.
Trường hợp thứ ba là dự án Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Vĩnh Thạnh của ông Nguyễn Chí Tranh (ông Tranh là con rể vợ chồng ông Trần Quốc Biểu – Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh), dự án này có dấu hiệu vi phạm nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai, xây dựng và đang được kiểm tra.
Trường hợp thứ tư là việc hơn 138ha đất rừng liên quan đến gia đình nguyên Bí thư Huyện uỷ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Nguyễn Đình Kim.
Trong đó, vợ chồng ông Kim cùng con ruột là Nguyễn Đình Sơn chuyển nhượng đất rừng cho người khác, với tổng diện tích 115ha tại xã Vĩnh Hiệp. Cụ thể, cá nhân vợ chồng ông Kim chuyển nhượng 85ha và ông Sơn chuyển nhượng 30ha. Trước đây, nguồn gốc 85ha đất rừng của ông Kim, cũng do nhận chuyển nhượng từ người khác.
Ông Nguyễn Đình Ngân là con trai của ông Nguyễn Đình Kim và hiện đang giữ chức Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 23,4ha đất trồng rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái tại tiểu khu 169, xã Vĩnh Hảo.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Đình Kim khẳng định, ông không sai phạm trong vụ việc 115 ha đất rừng ở xã Vĩnh Hiệp, liên quan đến gia đình ông.
"Nếu tôi sai thì khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào kiểm tra thời gian chuẩn bị bầu tôi làm Phó Chủ tịch tỉnh, họ đã phát hiện. Trước đây tôi đứng ra kêu gọi nhiều người thực hiện dự án suối nước nóng (xã Vĩnh Thịnh), nhưng dở dang. Nhiều người bỏ nên tôi vận động cháu đứng ra làm.
Giờ người ta nói suối nước nóng, đất rừng, xưởng gỗ, xăng dầu… tất cả là của ông Kim nhưng tôi không có, tôi chỉ có rẫy thôi", ông Nguyễn Đình Kim nói và cho rằng: "Câu chuyện của tôi, người thật, việc thật, tôi làm vì dân vì nước, không có dụng ý hay thu nhập gì cả, mất tiền, mất của mà không được gì, chỉ mang tiếng".
Trường hợp thứ năm là vụ việc Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao huyện Vĩnh Thạnh (Trung tâm) cho Công ty TNHH DVTM Hồng Hưng thuê 7.500m2 đất sân vận động không qua đấu giá, đấu thầu.
Sau khi doanh nghiệp có đơn xin thuê đất, lấy lý do nhu cầu thiết thực của nhân dân và yêu cầu xã hội hoá thể dục thể thao, UBND huyện Vĩnh Thạnh trình Ban Thường vụ Huyện uỷ cho Trung tâm cho Công ty Hồng Hưng thuê 7.500m2 đất sân vận động huyện với thời hạn 15 năm.
Thực hiện kết luận số 144-KL/HU ngày 8/4/2013 của Hội nghị Ban Thường vụ Huyện uỷ lần thứ 52, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Trần Quốc Lại đã giao Trung tâm phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn Công ty Hồng Hưng lập các thủ tục xin thuê đất và triển khai xây dựng khu thể dục thể thao và vui chơi, giải trí tại sân vận động theo đúng quy định, báo cáo UBND huyện để trình Ban Thường vụ Huyện uỷ.
Cũng trong thời điểm này, Công ty Hồng Hưng được bàn giao và sử dụng đất trên sân vận động, để xây dựng khu thể dục thể thao và vui chơi giải trí Hồng Hưng.
Mặc dù giao đất từ năm 2013 nhưng đến ngày 10/3/2015, Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao huyện Vĩnh Thạnh (do Giám đốc Từ Thanh Long ký đóng dấu hợp đồng) và Công ty Hồng Hưng mới thực hiện ký kết hợp đồng thuê đất.
Theo đó, doanh nghiệp này được thuê 7.500m2 với mục đích làm dịch vụ thể dục thể thao, khu vui chơi thiếu nhi trong vòng 15 năm. Với giá tiền thuê đất là 12 triệu đồng/năm, trên tổng diện tích 7.500m2 (tức là: 1m2 đất cho thuê thu về 1.600 đồng/năm).
Điều đặc biệt, theo hợp đồng này doanh nghiệp còn được "ưu ái" miễn tiền thuê đất trong vòng 4 năm (tiền thuê đất bắt đầu tính từ ngày 1/1/2018, nộp vào quỹ của Trung tâm), với lý do vốn đầu tư xây dựng nhiều, đặc thù dịch vụ thể thao miền núi nguồn thu ít.
Chưa dừng lại, hợp đồng cho thuê đất sân vận động của Trung tâm này còn bộc lộ nhiều điều bất hợp lý, cụ thể thời gian ký hợp đồng là năm 2015 nhưng trong điều khoản hợp đồng, mốc thời hạn thuê đất tính từ ngày 1/1/2014.
Ngày 23/8/2018, với lý do thực hiện việc cho thuê, liên doanh, liên kết quy định tại Nghị định 151, ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Trung tâm và Công ty Hồng Hưng đã ký kết biên bản thanh lý, chấm dứt hợp đồng thuê đất trên. Sau khi thanh lý, doanh nghiệp chỉ nộp 9 triệu đồng tiền thuê đất cho 9 tháng đầu năm 2018.
Như vậy, sau 5 năm sử dụng 7.500m2 đất trên sân vận động huyện Vĩnh Thạnh, căn cứ theo hợp đồng, Công ty Hồng Hưng chỉ phải trả tiền thuê trong 9 tháng đầu năm 2018 với số tiền 9 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa chịu giao lại diện tích đất 7.500m2 cho Trung tâm mà còn xây dựng trung tâm tổ chức sự kiện, chuyên tổ chức tiệc cưới, quán bida ngay trên phần diện tích đất thuê (vị trí này mục đích xin thuê đất ban đầu là xây sân tennis).
"Việc cho thuê đất không đúng quy định, vì đất giao cho tổ chức không thu tiền thì tổ chức này không có quyền cho thuê lại, nếu không sử dụng thì Nhà nước thu hồi. Sân vận động huyện chưa đầu tư nên Trung tâm thoả thuận cho thuê, tuy nhiên theo luật thì việc này không được phép. Cho thuê đất huyện cũng thống nhất cho chủ trương, không phải Trung tâm tự ý thực hiện", lãnh đạo Phòng TNTMT huyện Vĩnh Thạnh khẳng định.