Tin từ khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, thời gian gần đây, tại khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ dùng thuốc chứa Corticoid và mắc chứng suy tuyến thượng thận. Đa phần các bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng nặng.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân H.T.B.T (4 tháng tuổi) vào viện vì tình trạng rối loạn tiêu hóa. Qua thăm khám, nhận thấy vẻ mặt trẻ tròn bất thường, 2 má rạn da đỏ, lông tơ dày, thẫm màu vùng sau gáy và vùng lưng, các bác sĩ đã nghi ngờ đến Hội chứng Cushing.
Khai thác tiền sử ghi nhận 1,5 tháng trở lại đây, trẻ có tình trạng hăm ở phần mông, người nhà có sử dụng 3 tuýp Dibetalic (Betamethasone 9.6mg) bôi liên tục cho trẻ. Tại đây, trẻ được chỉ định làm xét nghiệm Cortisol (hormon tuyến thượng thận) cho kết quả 0.14 mcg/dl (bình thường 5-25 mcg/ml).
Nhận định đây là 1 trường hợp Hội chứng Cushing do thuốc, bác sĩ đã tiến hành ngưng thuốc Dibetalic bôi, điều trị bổ sung hydrocortisol và giảm liều dần theo phác đồ.
Sau 1 tháng điều trị và tái khám, xét nghiệm Cortisol tăng gần đạt ngưỡng bình thường, trẻ đáp ứng tốt, tiếp tục được hẹn tái khám và theo dõi.
Tương tự là trường hợp của cháu M.C.Đ, 15 tuổi, vào viện vì lý do đau lưng và đi cầu phân lỏng, hạn chế di chuyển.
Ngay từ khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Nội nhi tổng hợp đã nhận định ngay đây là Hội chứng Cushing với các biểu hiện mặt tròn, béo trung tâm, rậm lông, lùn, rạn da toàn thân.
Tiền sử, trẻ sử dụng thuốc lá không rõ nguồn gốc nhiều năm nay, đã từng vào viện vì cơn suy thượng thận cấp, được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Sản Nghi Nghệ An).
Tại đây, trẻ được các bác sĩ thăm khám, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn cho thấy trẻ có các dấu hiệu của cơn suy thượng thận cấp với tần số tim nhanh, mạch chi nhẹ, khó bắt.
Ngay lập tức, trẻ được xử trí cấp cứu với Hydrocortisol tĩnh mạch và bù dịch. Bệnh nhân được theo dõi và đánh giá sát. Đánh giá lại sau 24 giờ, toàn trạng trẻ ổn định, được chuyển qua hydrocortisol đường uống. Hiện tại trẻ đã được xuất viện, tư vấn chế độ ăn, uống thuốc theo đơn và hẹn tái khám định kì.
Bác sĩ Nguyễn Chí Sỹ, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, Corticoid là 1 chất kháng viêm mạnh, thường có trong thành phần của nhiều loại thuốc điều trị các bệnh lí của nhiều chuyên khoa, như: thuốc nhỏ, xịt trong tai mũi họng (Hadocort, Avamys, Flixonase, Meseca, Nasonex, Rhinocort, Benita,…).
Ngoài ra Corticoid cũng có trong các thuốc thuốc bôi trong da liễu (Hydrocortisone, Fucidin H, Fucicort Emuvat, thuốc bảy màu, Gentrisone,…), thuốc uống chống viêm trong nhiều bệnh lí (Medro, Menison, Prednisolone, Dexamethasone, Betamethason, Triamcinolol,…), và các thuốc không có nguồn gốc rõ ràng với quảng cáo giúp trẻ ăn ngon, tăng cân.
Theo bác sĩ Sỹ việc sử dụng các chế phẩm Corticoid liều cao, kéo dài không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể gây ra những tác dụng phụ trên nhiều hệ cơ quan khác nhau.
Cụ thể như toàn thân sẽ bị phù, tăng huyết áp; Chuyển hóa gây đái tháo đường, rối loạn mỡ máu; Da làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da, mỏng da, rạn da, dễ bầm tím, mụn trứng cá; Mỡ bị rối loạn phân bố mỡ gây nên kiểu hình Cushing: Mặt tròn như mặt trăng, béo trung tâm, bướu lưng trâu, chi teo.
Ngoài ra, cơ, xương có thể bị teo cơ, loãng xương, chậm phát triển ở trẻ em; Tiêu hóa bị viêm loét dạ dày – tá tràng; Miễn dịch bị suy giảm miễn dịch nên dễ nhiễm trùng cơ hội; Thần kinh bịhèm ăn, rối loạn cảm xúc, trầm cảm; Mắt bị đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.
Tuyến thượng thận: Khi dừng thuốc chứa Corticoid đột ngột có thể gây ra tình trạng suy thượng thận cấp là 1 tình trạng cấp cứu có khả năng tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
"Vì vậy, bố mẹ không nên tự ý sử dụng những thuốc có chứa thành phần Corticoid cho trẻ, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ để được theo dõi tác dụng phụ của thuốc.
Việc theo dõi bao gồm: đo huyết áp, cân nặng, chiều cao, tốc độ phát triển của trẻ, xét nghiệm máu, kiểm tra mắt từ 1 – 3 tháng/ lần", bác sĩ Sỹ khuyến cáo.