Nửa đêm thì kiến trúc sư Thân Hồng Linh (cũng một người em khác) đưa tin lên nhóm: Anh Tú đi rồi, lúc 23 giờ 36 phút…
Bàng hoàng quá! Trằn trọc luôn tới sáng! Biết là chuyện gì phải đến sẽ đến, mà vẫn bàng hoàng!…
Ngẫm lại, tôi biết, rồi chơi với anh Trịnh Tú bao nhiêu năm rồi nhỉ?…
Hồi nhỏ, anh thường đến nhà tôi ở 96A Phố Huế chơi, thân thiết với anh Lưu Quang Vũ - chị Xuân Quỳnh. Đến bữa là ăn, có gì ăn nấy, chẳng hề khách sáo. Hồi đó, anh để tóc dài, bồng bềnh, nghệ sĩ lắm.
Năm 1983, khi tôi 17 tuổi chuẩn bị thi đại học, chị Quỳnh nhờ anh Tú lấy hộ cho tôi lá số tử vi (có một chuyện chắc ít người biết, ông Tùng là người xem tử vi "có số có má" ở Hà Nội). Anh cầm lá số do ông Tùng lập, nhìn thẳng vào mặt tôi, rồi phán rất rành rọt: "Thằng này mặt nó rất sáng, lá số của nó đẹp hiếm có. Chắc chắn nó sẽ đỗ đại học, đi nước ngoài!". Cả nhà mừng rơn. Mà "thầy" phán thiêng phết. Sau đó, tôi được đi Liên Xô thật.
Sau này, chơi với nhau tôi mới hiểu, có khi ông này cũng chẳng biết quái gì tử vi đâu. Nhưng ông cứ phán thế, có mất gì đâu, chỉ là mang lại cho anh em, bạn bè chút niềm vui, hy vọng. Có lẽ chính vì thế mà anh được nhiều bạn bè quý và có rất nhiều bạn bè.
Mà thời đó anh rất oai vì có cái danh "thư ký ông Tùng" (bác sĩ Tôn Thất Tùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức). Như tôi được biết, anh là người cung cấp thuốc chữa bệnh (thời đó, đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, vẫn còn bao cấp, thuốc chữa bệnh hiếm vô cùng) cho một nửa văn nghệ sĩ của Hà Nội. Ai có bệnh gì cũng nhờ anh. Chỉ riêng trong gia đình tôi, chị Lưu Khánh Thơ, cháu Lưu Minh Vũ mấy lần vào Bệnh viện Việt Đức mổ đều nhờ anh.
Con trai tôi Lưu Quang Phương hồi nhỏ có lần đang ở trường bỗng đau bụng quằn quại. Đưa vào Viện Nhi cấp cứu, cả ngày cũng không biết bệnh gì. Anh - lúc này đã làm họa sĩ ở báo Lao Động - tức tốc gọi cho Giám đốc Bệnh viện Việt Đức bấy giờ là ông Tôn Thất Bách - con trai ông Tùng. Ông Bách liền cử ngay "đệ tử ruột" là Trần Bình Giang mổ cho cháu. Hóa ra nó chỉ bị viêm ruột thừa. Trần Bình Giang bây giờ là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức.
Ngay năm ngoái đây thôi, khi anh trai tôi là Lưu Quang Điền muốn được Giáo sư Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức mổ, cũng phải nhờ anh.
Anh Tú được làm "thư ký ông Tùng" không phải vì giỏi công giỏi việc ngành y. Mà vì anh là con trai họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cụ Ngọc là bạn thân với ông Tùng. Ông Tùng rất yêu anh Trịnh Tú. Gọi là "thư ký" nhưng công việc của anh chỉ là thỉnh thoảng vẽ mấy bức tranh hình người giải phẫu học, lấy thuốc của bệnh viện đem cho bạn bè, và giúp ông Tùng… tiêu thụ bớt kho rượu. Cụ Tùng hay đi nước ngoài, hay tiếp khách quốc tế, được người ta tặng các loại rượu ngon. Và rượu cứ lặng lẽ tuồn từ cái kho của cụ chảy tràn ra khắp các quán rượu 36 phố phường, chảy tràn trong các cuộc vui bất tận của đám bạn bè văn nghệ sĩ của anh thư ký Trịnh Tú.
Nhân nói đến rượu thì thật hiếm người uống "thần sầu", và uống "có tâm" như anh em bọn tôi vẫn đùa nhau khi nói về anh Tú.
Tôi uống nhiều nhất với anh khi hai anh em cùng làm ở báo Lao Động. Anh Tú làm ở Ban Cuối tuần, tôi làm Ban Kinh tế. Nhưng tôi lại thích chơi với mấy bác "chất nghệ" như An Định, Lý Sinh Sự, Hân Hương, Trịnh Tú…
Chúng tôi hay uống ở Quán Cũ, 25 phố Phan Đình Phùng. Chủ quán là Đoàn Nam Tiến, con trai Trung tướng Nam Long. Từ hồi quán còn bé tí, chỉ có mấy cái bàn ở tầng 1 và một căn gác lửng. Nhưng không gian rất thích. Những chiếc ghế bọc nhung, những chiếc đèn chụp chỉ rọi sáng riêng cho từng bàn, rất ấm cúng, rất riêng tư.
Có những cuối chiều Hà Nội trở gió, cả một biển lá sấu vàng xao xác đuổi nhau trên hè phố. Lòng con người ta ai cũng như chùng xuống. "A Tú ơi!"... "Có anh đây! Có anh đây!"... "Trời thế này theo anh có nên uống khẽ tí không nhỉ?".... "Nên chứ! Nên chứ!"... Năm phút sau đã thấy ông anh tay đút túi quần bò lững thững đi từ phía Hàng Bún sang. Ngồi vào bàn, mở nút chai, anh bao giờ cũng được tín nhiệm giao thẩm rượu. Như một nghi lễ tôn giáo, anh trân trọng nâng cái ly lên ngang mũi, nhè nhẹ hít hà, hàng ria con kiến khẽ rung rung đầy xúc động, dù đó là "Ông già chống gậy" hay Ballantines, Gin hay vodka, vang đỏ hay vang trắng… thì vẫn một thái độ trân trọng như thế.
Chúng tôi cũng thường ngồi ở Tống Duy Tân, quán chị Hoa. Đào Trọng Khánh và Nguyễn Quang A, Trọng Khôi và Trung Trung Đỉnh, Hà Cận và Thuý Lắp, Bảo Ninh và Đỗ Quang Hạnh, Nguyễn Trung Dân và Lê Thanh Phong… Bao nhiêu đồng đội thương mến ấy, bây giờ họ đâu rồi?…
Rồi đám bạn bè bác sĩ của anh, những Quân, những Giang, những Thạch, những Toàn… Toàn những "tay dao" lừng lẫy của y học nước nhà mà uống như "ba ba thuồng luồng", như để quên đi những máu me, chân tay, lòng phèo… ghê rợn của nghề nghiệp.
Rồi đám bạn bè họa sĩ, những Đỗ Phấn, Hoàng Hồng Cẩm, Đỗ Dũng, Văn Sáng… Uống xong thì tự nhận "tao vẽ chân dung đẹp nhì Việt Nam, còn thằng thứ nhất… chết rồi!". Uống xong thì hát. Đỗ Dũng hát quan họ. Hoàng Hồng Cẩm (Cẩm "tũn") thì chẳng ai hiểu là hát gì, tuồng hay chèo. Anh Tú hát "Phôi pha" của Trịnh Công Sơn: "Ôm lòng đêm/từng vầng trăng mới về/nhớ chân giang hồ/ôi phù du…"
Chúng tôi cũng hay đến nhậu ở nhà anh 108 Quán Thánh. Thân Hồng Linh, Nam Béo, Hoài Linh, Tuấn "trề"… Có năm cao hứng còn cho lũ trẻ con đến đón Giáng sinh, ăn ngỗng quay, cử anh Lê Quang Vinh đóng vai ông già Noel! Ngôi nhà này nghe anh kể do cụ Ngọc tậu ngay sau năm 1945 từ tiền bán tranh và đóng đồ gỗ cho Uỷ ban hành chính thành phố. Nay mấy anh em anh cùng con cháu chia nhau ở. Toàn người tài hoa: họa sĩ, nhà văn, kiến trúc sư, nghệ sĩ piano… Người Hà Nội gốc, ai cũng trí thức, nhẹ nhàng nên anh em sống chung đụng, chật chội mà không bao giờ nghe có điều gì nhỏ to, hiềm khích.
Vợ chồng anh Tú và cô con gái Cẩm Nhi cũng có một gian phòng nhỏ trong ngôi nhà chung đó.
Sau đó, anh cất một căn gác lửng. Nhậu say chúng tôi thường bò lên căn gác đó ngủ. Hoặc ngồi xem anh vẽ. Những bức tranh nude "phong nhũ phì đồn" đúng gu của anh. Những bức tranh phong cảnh: một bến sông, ngôi nhà thờ, những ngọn núi xa… Đường nét và màu sắc tối giản. Man mác, thoảng nhẹ, như tính cách của anh vậy…
Trông lãng tử vậy nhưng anh Tú nấu ăn khéo phết. Có lần anh "cá nhau" với tôi: Chỉ cần 50 ngàn đồng là anh có thể nấu một bữa trưa ngon lành cho 4 người. Thế là trưa đó tôi và 2 nữ đồng nghiệp báo Lao Động kéo đến nhà anh. Họa sĩ Trịnh Tú ra chợ Châu Long mua một con cá trắm nhỏ, đầu đuôi nấu canh chua, hai khúc giữa chiên giòn..., 2-3 quả trứng rán, một ít lạc rang mặn, một ít dưa chua. Anh tuyên bố: Hết có 48 ngàn! Tao thắng!
Tất nhiên đó là giá của nhiều năm trước, và chưa kể tiền gas, tiền gạo, tiền điện của em Thúy, cũng như chưa kể tiền vài chai vang Pháp của anh mà trưa đó chúng tôi "cưa" hết!
Những năm gần đây, chúng tôi ít ngồi với nhau. Tôi thì bận. Anh thì yếu. Vài năm trở lại đây dù có ngồi thì anh cũng chỉ nhấp nhấp ly vang. Rồi đến lúc một chút vang thôi, cũng không được nữa…
Từ ngày tôi về Báo Nông thôn Ngày nay, tôi kéo anh về cộng tác. Cũng chẳng phải để kiếm nhuận bút đâu (những năm cuối đời anh vẽ nhiều, tranh bán khá chạy) mà để anh em có cớ qua lại gặp nhau. Anh vẽ tranh liên hoàn, minh họa các truyện ngắn, các trang thơ, thỉnh thoảng viết bài về các sự kiện Mỹ thuật…
Hồi Tòa soạn ở Thuỵ Khuê thì anh thường trực tiếp mang tranh đến nộp cho Thư ký Tòa soạn, rồi lâu lâu gọi tôi ra quán Vọng Ba Lâu lai rai vài chén. Mấy năm gần đây, toà soạn chuyển về Dương Đình Nghệ, xa hơn, anh ít đến hơn. Năm ngoái chia sẻ với anh dự định Dân Việt mở chuyên mục Tranh đẹp, mời anh giữ mục, giới thiệu cho bà con nông dân và bạn đọc những tác phẩm Mỹ thuật xuất sắc Đông - Tây kim cổ, anh đã nhận lời. Vậy mà không kịp nữa rồi…
Trang thơ trên Giai phẩm Xuân của Báo Nông thôn Ngày nay với những tranh minh họa của họa sĩ Trịnh Tú. (Ảnh: NTNN)
Có những con người trong cuộc đời mà ta có thể rất ít gặp nhưng khi ta vui thì ta muốn gặp người đó, khi ta buồn ta cũng muốn gặp người đó. Cũng có thể chẳng giúp gì được nhau đâu. Nhưng ta biết chắc chắn rằng người đó sẵn sàng ngồi xuống bên ta, lắng nghe ta, hiểu và chia sẻ với ta, uống với ta một chén, làm ta cảm thấy ấm lòng. Đối với tôi anh Trịnh Tú là như vậy…
Sáng nay, có người bạn viết trên Facebook rằng: "Người lãng mạn rong chơi cuối cùng của thế giới này" đã ra đi. Rằng chắc hẳn anh lại đang bắt đầu rong chơi ở một thế giới khác…
Anh đã sống một cuộc đời thật đẹp và hạnh phúc. Ai cũng yêu quý anh! Chẳng phải đó là điều hạnh phúc nhất mà con người có được đó sao?
Anh Tú ơi! Em viết mấy dòng lộn xộn này trên máy bay. Em phải đi công tác, không biết có về kịp ngày tiễn anh không?
Nếu không kịp thì em sẽ đành đến 108 Quán Thánh thắp hương cho anh, thăm mẹ con Thúy và Trịnh Cẩm Nhi sau vậy!
Yên nghỉ nhé! Rất nhớ anh, anh Trịnh Tú!
Hà Nội - TPHCM 11/8/2022