Theo Hướng dẫn số 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) về một số nội dung về công tác phòng chống tiêu cực, có nêu 5 trường hợp vụ án, vụ việc tiêu cực sẽ được Ban Chỉ đạo đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Thứ nhất, liên quan đến nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ hai, liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ, chức danh tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng và tương đương.
Thứ ba, liên quan đến cán bộ, đảng viên tuy không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhưng hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thứ tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành tố tụng có thể làm sai lệch kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án, xử lý vụ việc; các vụ án tiêu cực đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thứ năm, các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác mà Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xét thấy cần thiết trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.
Hướng dẫn số 25 cũng quy định các vụ án, vụ việc tiêu cực thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc. Cụ thể là vụ án, vụ việc tiêu cực do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương giao Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc.
Vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác dư luận xã hội quan tâm ngoài vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, mà quá trình xử lý có khó khăn, vướng mắc kéo dài hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp ủy địa phương còn có quan điểm khác nhau.
Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác ngoài vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo mà ban này xét thấy cần thiết theo dõi, đôn đốc.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: Sau khi các Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập và đi vào hoạt động việc ban hành hướng dẫn, trong đó có nêu phạm vi, cơ chế để chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực là rất cần thiết.
Từ hướng dẫn này, Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý những vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm trên cơ sở các tiêu chí đã đặt ra, như vậy sẽ tránh việc tràn lan, quá tải.
"Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực lớn, có tính chất phức tạp, nhiều khó khăn trong quá trình xử lý. Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ đưa ra hướng để giải quyết vừa đảm bảo việc xử lý kịp thời, đồng bộ, khách quan, toàn diện, xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ", ông Trường nói.
Vẫn theo ông Trường, với việc Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập, dưới sự chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên "nóng" dưới cũng sẽ "nóng"; đảm bảo sự thông suốt từ trên xuống đưới.
Ban Chỉ đạo hiện nay có 18 thành viên, trong đó có 11 Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, 7 Ủy viên Trung ương Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban Chỉ đạo.
Theo Hướng dẫn số 25: Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo xử lý đối với các vụ án, vụ việc tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương; liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý (theo phân cấp của Bộ Chính trị).
Các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm do Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương giao hoặc được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương đề nghị tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cũng trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực khác dư luận xã hội quan tâm mà các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương còn có quan điểm khác nhau; các vụ án tiêu cực đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại, dư luận xã hội quan tâm.