NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng: "Ở thập niên 80, kịch của Lưu Quang Vũ ra đời như những luồng gió mới mang hơi thở của thời đại đến với sân khấu, vì kịch của ông luôn hướng tới cái đẹp, cái cao thượng, là niềm khát khao cải tạo xã hội trong thời kỳ chuyển dạ của cơ chế.
Kịch của ông nắm được những vấn đề nóng bỏng của xã hội mà khán giả quan tâm, cộng với khả năng quan sát tinh tế và tri thức xã hội uyên thâm của một nghệ sĩ tài năng, ông đã biến những chi tiết trong đời thường trở thành những trò diễn hấp dẫn, tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật mang tính khái quát điển hình, vươn tới ý nghĩa thời đại".
Theo NSND Lê Tiến Thọ, thời hoàng kim của sân khấu Việt Nam cũng là đỉnh cao sự nghiệp của Lưu Quang Vũ. Nhiều kịch bản của ông đã chiếm lĩnh sân khấu cả nước, góp phần tạo nên diện mạo sân khấu những năm của thập niên 80. Cho đến nay, Lưu Quang Vũ là người trẻ nhất trong hàng ngũ kịch tác giả Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật lĩnh vực sân khấu đợt 2 năm 2000.
Nhiều năm qua, các Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng tổ chức Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ. Năm 2013, 12 đơn vị nghệ thuật đã bắt tay dàn dựng 12 vở diễn dựa trên 10 kịch bản của Lưu Quang Vũ để tham dự Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 25 năm ông đi xa.
Riêng Nhà hát Tuổi trẻ, như đã thành thông lệ hàng năm, cứ vào dịp mùa thu, Nhà hát lại tổ chức các hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân cặp vợ chồng nghệ sỹ tài danh Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và trình diễn phục vụ khán giả một số vở diễn đặc sắc để phục vụ khán giả. Năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ lại tiếp tục chọn lọc một số tác phẩm để công diễn trong sự kiện mang tên "Mùa kịch Lưu Quang Vũ".
Theo NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, "Mùa kịch Lưu Quang Vũ" năm nay gồm các vở kịch: Lời thề thứ 9, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy và Ông không phải là bố tôi - vở kịch mới nhất vừa được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đầu năm 2022.
"Kể từ khi dàn dựng kịch bản đầu tay "Sống mãi tuổi 17" của Lưu Quang Vũ năm 1980 (đạo diễn NSND Phạm Thị Thành), Nhà hát Tuổi trẻ đã trở thành một trong những đơn vị nghệ thuật dàn dựng nhiều và thành công nhất kịch của Lưu Quang Vũ với những vở diễn đình đám: Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Cô gái đội mũ nồi xám, Lời nói dối cuối cùng, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy…
Trong đó có không ít những vở được phục dựng lại và tiếp tục mê đắm người xem sau nhiều thập kỷ ra mắt: Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ 9, Tin ở hoa hồng… "Mùa kịch Lưu Quang Vũ" diễn ra trong suốt tháng 8 và tháng 9/2022 một lần nữa mang đến cho khán giả cơ hội được thưởng thức những tác phẩm để đời của Lưu Quang Vũ, cùng sống lại những ký ức đầy xúc cảm được tái hiện trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ", NSƯT Sĩ Tiến bày tỏ.
Trong các vở diễn của "Mùa kịch Lưu Quang Vũ" năm nay, nhìn chung rất đa dạng, phong phú ở các mảng đề tài, trong những hoàn cảnh, bối cảnh xã hội và lịch sử khác nhau. Các câu chuyện trong kịch Lưu Quang Vũ có thể xảy ra ở một vùng quê, một mái trường, nhà máy công xưởng hay câu chuyện của những người lính trong chiến tranh, người nghệ sĩ, bác sĩ, người lao động..., nhưng ở bất kỳ cung bậc, góc cạnh nào của cuộc sống cũng đều có góc nhìn đa chiều, sâu sắc, đi vào ngõ ngách của cuộc sống, góc khuất của tâm hồn con người...
Lời thề thứ 9 được cố tác giả Lưu Quang Vũ viết năm 1986, Nhà hát Tuổi Trẻ công diễn lần đầu năm 1988, với những diễn viên thuộc thế hệ vàng thời đó như NSƯT Đức Trung, NSƯT Chí Trung, NSND Anh Tú... dưới sự dàn dựng của đạo diễn NSND Xuân Huyền.
Năm 2012, tác phẩm được NSƯT Chí Trung phục dựng và trình diễn vào dịp mùa Thu hằng năm trong Mùa kịch Lưu Quang Vũ của Nhà hát Tuổi Trẻ. Câu chuyện đầy tính chính luận trước sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ đã được Lưu Quang Vũ phản ánh sắc sảo trong vở kịch Lời thề thứ 9.
Trên phần nhạc nền là những ca khúc, giai điệu ở thập niên 1980-1990 của thế kỷ trước, tiết tấu vở kịch được đẩy lên nhanh hơn, nhờ vậy, khán giả vốn đã từng xem kịch Lưu Quang Vũ cách đây hơn 30 năm vẫn được sống lại ký ức thuở trước, khán giả trẻ lần đầu biết đến kịch Lưu Quang Vũ cũng thấy hấp dẫn bởi những điều mới mẻ ở một tác phẩm chính luận. Tham gia biểu diễn là những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc của thương hiệu Nhà hát Tuổi Trẻ, trong đó có nhiều các nghệ sĩ trẻ được khán giả truyền hình ưa thích.
Vở Ai là thủ phạm (đạo diễn NSƯT Chí Trung) kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 80 ở Hà Nội, xung quanh những mảng đời nhỏ lẻ ở một khu tập thể có biệt danh "Quân khu Phượng Hà".
Một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều môi trường giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau… đã đưa số phận các nhân vật tới những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời, nội dung vở kịch đã phần nào đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi "Ai là thủ phạm?" của những hiện tượng cá nhân tha hóa, tiêu cực nảy sinh trong đời sống hôm qua và cả ngày hôm nay...
Vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy (đạo diễn NSƯT Sĩ Tiến) xoay quanh "cuộc tình tay ba" giữa Hoàng - Liên - Vân, những người bạn trẻ đã một thời đầy ắp những kỷ niệm với bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả. Khi trưởng thành, ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày cô trao thiệp cưới của mình với Vân. Quá đau khổ, Hoàng với khả năng của mình đã "chiếm đoạt" được Liên khỏi tay Vân. Nhưng trái tim Liên sẽ thuộc về ai? Kỹ sư Hoàng tài ba làm chủ cuộc chơi hay họa sĩ Vân lãng mạn, phóng khoáng?… Hoa cúc xanh trên đầm lầy từng giành HCV tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018.
Ông không phải là bố tôi (đạo diễn NSƯT Sĩ Tiến) được viết năm 1988, là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp lừng lẫy của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Với cốt truyện kể về một người đã chối bỏ vợ con, sau bao năm xa cách với nhiều biến cố, ông mới quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham. Tình cảm cha con, mối liên kết ruột thịt mới chớm được vun đắp nay lại đứng trước những tan vỡ, đứt gãy. Sự thấu hiểu, sẻ chia, tình người mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm lại từ hơn 30 năm trước vẫn hiện hữu như một chân lý sống, làm rung động bao thế hệ khán giả.