Hiện HTX Cần giờ Tương Lai (huyện Cần Giờ, TP.HCM) có 7 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP là: Xoài cát, khô cá dứa một nắng, tôm sú một nắng, tôm thẻ một nắng, tôm khô, tôm sú thiên nhiên và tôm thẻ tươi đông lạnh.
HTX cũng đang đề xuất thêm 6 sản phẩm: Cá đù một nắng, cá dứa tươi, bạch tuộc sông, hàu tươi Cần Giờ, khô cá chim một nắng và khô cá lưỡi trâu lên chuẩn OCOP.
Trong tương lai, HTX đang phấn đấu để đưa những sản phẩm OCOP 4 sao lên mức 5 sao và đẩy nhanh quá trình công nhận những sản phẩm OCOP mới.
Theo ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai, việc đưa sản phẩm đạt chuẩn OCOP góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, nhất là những sản phẩm thế mạnh, đặc trưng. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Với mục tiêu hướng đến phần lớn các sản phẩm của HTX đạt chuẩn OCOP, HTX Cần Giờ Tương Lai đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất.
Ngoài ra, HTX cũng đảm bảo các vấn đề liên quan đến pháp lý như: Chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc đảm bảo theo quy định.
Bên cạnh đó, HTX chú trọng công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.
HTX đang phát triển hình thức thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong bán hàng; tham gia hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP cấp thành phố, vùng, quốc gia và quốc tế.
“Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích, tạo động lực cho các đơn vị tham gia chương trình, trong đó có HTX Cần Giờ Tương Lai. Thông qua chương trình, HTX nhìn nhận và khắc phục những tồn tại, hạn chế. Từ đó tiếp tục thay đổi, nâng cấp, cải tiến và hoàn thiện các công đoạn sản xuất, phát triển sản phẩm ngày càng tốt hơn”, ông Thanh nói.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.