Dân Việt

Lê Sát: “Chiến thần” Lam Sơn và cái kết bi thảm

MA (theo Việt Sử Quán) 15/08/2022 20:30 GMT+7
Lê Sát là người đã theo chân Lê Thái Tổ khởi binh từ buổi nguy nan, chiến công rất lớn. Thế nhưng về cuối đời, vì những tranh đoạt quyền lực, ông đã dính họa sát thân…

Lê Sát người làng Bỉ Ngũ ở Lam Sơn, trí dũng hơn người, theo chân Thái Tổ khởi binh từ buổi nguy nan, chiến công rất lớn.

Năm Canh Tý 1420, Lê Thái Tổ tiến đánh tướng giặc Tạ Phượng và Hoàng Thành ở Quan Du (Thanh Hóa), Lê Sát và Lê Triện đi đánh giết hơn ngàn quân giặc, làm quân Minh suy yếu.

Năm Giáp Thìn (1424) tại ải Khả Lưu, Lê Sát cùng Lê Lễ, Phạm Vấn tiên phong đi trước xông xáo phá tan quân của Trần Trí, Sơn Thọ, bắt được Đô Ty nhà Minh là Chu Kiệt, chém tướng tiên phong Hoàng Thành, đuổi đến tận thành Nghệ An, thanh thế lừng lẫy.

Lê Sát: “Chiến thần” Lam Sơn và cái kết bi thảm - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Lê Thái Tổ ở lại vây thành, sai Lê Sát và Lê Lễ đem 2.000 tinh binh vây đánh Tây Đô.

Thu năm Bính Ngọ (1426), Lê Thái Tổ tiến quân vây Đông Kinh, chia quân đi lấy các thành, Lê Sát cùng Lưu Nhân Chú lên phía Bắc đánh Xương Giang.

Khi An Viễn Hầu Liễu Thăng đem quân sang tăng viện, Lê Sát cùng Lưu Nhân Chú, Lê Linh được điều lên biên giới phía Bắc dựa nơi hiểm yếu chống giữ các ngả, trong trận phục kích ở Chi Lăng, Lê Sát và Lưu Nhân Chú chém chết Liễu Thăng.

Vài ngày sau Lê Sát tiếp tục giao phong với quân Minh, lại chém được Bảo Định Bá Lương Minh. Ông bày kế để địch chạy đến thành Xương Giang vốn đã bị hạ, cùng hợp binh với các cánh quân khác của Lam Sơn tiêu diệt hoàn toàn cánh viện quân chủ lực của quân Minh.

Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), luận công ban thưởng, ông được ban hiệu là Suy Trung Tán trị Hiệp trung mưu quốc công thần, Nhập nổi Kiểm hiệu tư khấu Bình chương quản quốc trọng sự, khi khắc biển 93 vị công thần khai quốc, tên ông đứng thứ hai, được phong Huyện thượng hầu, đến năm thứ 6 (1433) gia phong là Dương Vũ Tĩnh nạn công thần, thăng Đại tư đồ, phong làm 1 trong 3 vị tể tướng đương triều ngang hàng Phạm Vấn – Lưu Nhân Chú, cùng phò thái tử Lê Nguyên Long.

Tiếc rằng, đến khi về sau, ông hay có tính nóng nảy chuyên quyền, thích làm theo ý mình, dùng hình phạt nghiêm khắc tàn bạo, cả khi vua Lê Thái Tông trưởng thành chấp chính cũng ỷ thế lấn lướt vua:

- Ông vu cáo độc hại Tư Khấu Lưu Nhân Chú, đuổi em của ông là Lê Khắc Phục từ chức Hành khiển Nam đạo ra làm phán đại lý chính.

- Ông bắt thợ và dân phu phục dịch làm chùa Báo Thiên rồi chùa riêng cho mình (Thanh Đàm Chiêu Độ tự hơn 90 gian, rất tráng lệ), bị người vụng trộm nói xấu thì đem ra chém dù vua cũng đã có ý muốn tha, tự ý lạm dụng tư hình, hành hình tra tấn kẻ khác ngay trên điện, ngờ có người tố giác mình độc hại Lưu Nhân Chú, Lê Sát đem giám sinh Đức Minh đi tra tấn, muốn chém chết nhưng hình quan cho rằng tội trạng chưa rõ nên giảm xuống thành đi đày và tịch thu gia sản.

- Nâng đỡ phe cánh của mình, đuổi hoặc biếm chức những người bất đồng chính kiến ra ngoài: Đuổi Lê Lý, Lê Văn An, truất Trịnh Khải, bãi chức Ư Đài, đuổi Bùi Cầm Hổ, vua muốn bổ nhiệm quan viên cũng cản trở không cho.

Vì vậy sau này Lê Thái Tông đã có ý muốn trừ Lê Sát, bề ngoài tỏ ra trọng vọng nhưng âm thầm điều chuyển binh quyền, đưa Trịnh Khả trở về, rồi sau trị tội Lê Sát, lần đầu tước binh quyền, lần sau ban chết tại nhà.

Trong chiếu bãi chức Lê Sát, Lê Thái Tông hạ rằng: "Lê Sát tự chuyên giữ quyền bính, ghen ghét người tài, giết Lưu Nhân Chú để ra oai của mình, truất Trịnh Khả để người ta phục, bãi chức của Ư Đài khiến đình thần không ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra nơi biên thùy để gián quan phải ngậm miệng. Xem thảy việc làm đều không phải đạo làm tôi. Nay muốn khép vào luật hình để rõ phép nước, song vì là cố mệnh đại thần, có công với nước, đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước".

Chiếu xử tử Lê Sát: "Lê Sát nay lại ngầm nuôi võ sĩ, mưu hại trung lương, mưu kế hiểm giảo, giấu tích gian phi ngày càng lộ ra, đáng chém để nêu gương", Bùi Cầm Hổ, Lê Ngân tâu xin giảm chém, vua cho ông tự tử ở nhà, đến năm 1453 vua Lê Nhân Tông đại xá cấp cho con cháu ông 100 mẫu quan điền, đời Hồng Đức tặng Thái bảo Cảnh quốc công.