Bạn đọc Nguyễn Như hỏi: Cho tôi hỏi viên chức làm ngành nghề gì thì được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn?
Theo Điều 46 Luật Viên chức năm 2010, viên chức được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội.
Sau khi viên chức nghỉ hưu nếu vẫn tiếp tục làm việc thì viên chức có thể ký hợp đồng với đơn vị sự nghiệp công lập khi đơn vị này có nhu cầu và viên chức nghỉ hưu có nguyện vọng.
Ngoài ra, có không ít trường hợp viên chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Và các đối tượng này được quy định cụ thể tại Điều 1, Điều 2 Nghị định số 50/2022/NĐ-CP.
Cụ thể, Nghị định này chỉ áp dụng với viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao trong đơn vị sự nghiệp công lập và làm một số lĩnh vực đặc thù, gồm: Giáo sư, Phó Giáo sư; Chức danh yêu cầu trình độ đào tạo Tiến sĩ hoặc chuyên khoa II; Giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần; Người có chuyên môn, kỹ thuật cao trong lĩnh vực đặc thù.
Như vậy, có thể thấy, không phải viên chức nào cũng được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn mà chỉ có các đối tượng nêu trên mới thuộc trường hợp được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nếu đáp ứng điều kiện theo quy định.
Về thời gian tối đa viên chức được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, Khoản 2 Điều 3 Nghị định 50 này nêu rõ: Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.
Chế độ, chính sách dành cho viên chức đáp ứng và được quyết định cho nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nêu tại Điều 5 Nghị định 50/2022/NĐ-CP gồm:
Vẫn được xem là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập và nằm trong tổng số người làm việc tại cơ quan nhà được cấp có thẩm quyền giao.
Được hưởng lương theo hạng chức danh hiện giữ.
Được hưởng chế độ, chính sách khác theo quy định.
Như vậy, có thể thấy, nếu viên chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn thì lương, chế độ, chính sách khác vẫn giữ nguyên.