Ngày 18/8, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà đã ký quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, ông Trần Hồng Quảng-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình không còn trong danh sách Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình.
Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu kết luận tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho biết: Đến nay tất cả 63/63 tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo là Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy.
Như vậy sau khi 63 Ban Chỉ đạo được thành lập có 2 Ủy viên Bộ Chính trị là Trưởng Ban, đó là ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Có 60 Trưởng Ban là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy (có một Bí thư Tỉnh ủy không là Ủy viên Trung ương).
Sau khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành được thành lập, có tình tiết cần được xem xét, đó là trường hợp cán bộ mắc vi phạm, khuyết điểm bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật, sau đó trở thành Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (trường hợp ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình); trường hợp thứ hai là Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, sau khi trở thành Trưởng Ban Chỉ đạo, ông bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu có vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Tại buổi họp báo chiều 17/8 của Ban Nội chính Trung ương, sự việc trên được báo chí nêu ra. Trả lời về việc này, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nói: "Với những đồng chí tham gia vào Ban Chỉ đạo mà bây giờ mới phát hiện sai phạm thì tinh thần là phải xử lý, sai tới đâu xử lý tới đó, sau khi xử lý thì chắc chắn phải đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo".
Trao đổi với Dân Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết: Trong quy định của Ban Bí thư, tiêu chuẩn các chức danh để lựa vào Ban Chỉ đạo đã rất đầy đủ, rõ ràng. Các thành viên Ban Chỉ đạo có vai trò rất quan trọng trong công tác chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
"Theo quy định thì phần lớn thành viên của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành đều là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, một số cán bộ là Tỉnh ủy viên, Thành ủy viên. Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban, còn Phó Bí thư thường trực và 4 chức danh khác là Phó Trưởng Ban", ĐB Hòa cho hay.
Nhìn nhận về trường hợp ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo nhưng sau đó lại là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, điều này sẽ không thuyết phục trong nội bộ đảng viên và dư luận quần chúng nhân dân.
Vẫn theo ĐB Hòa, việc cán bộ bị kỷ luật làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo còn ảnh hưởng tới một vấn đề rất quan trọng, đó là tính gương mẫu, sự nêu gương. Đã là cán bộ lãnh đạo phải nêu gương, làm công tác chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng phải nêu gương.
ĐBQH Pham Văn Hòa cũng đánh giá cao việc ngay sau khi báo chí nêu về trường hợp ông Trần Hồng Quảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã nhanh chóng kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, theo đó rút ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực ra khỏi Ban Chỉ đạo.
Trong phát biểu kết luận phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Nếu như Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh không gương mẫu, lại có những cá nhân vướng vào tham nhũng tiêu cực thì xử lý được ai. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, chăm lo công tác cán bộ là đúng, chọn người bố trí sắp xếp phải chuẩn. Nếu anh nào làm không tốt thì thay luôn, chúng ta không thiếu người. Cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng phải trong sạch, gương mẫu, bản lĩnh, có trình độ và có phương pháp…"