Chúng đến một ngôi nhà sàn trên ngọn đồi thấp ở TP.Hà Giang, gặp Thiếu tướng Nguyễn Bình Vận, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang. Biết có phóng viên muốn tìm hiểu về quá trình tiễu phỉ ở Đồng Văn thời 1959 - 1960, ông Vận cho hay việc này "nên làm" vì đây là giai đoạn hào hùng nhưng do quá lâu, những người tham gia đa phần đã thành người thiên cổ.
"Nhân chứng còn vài cụ, đều tuổi cao sức yếu. Giờ không gặp, không ghi chép lại, sau e rằng khó", Thiếu tướng Vận mở đầu câu chuyện. Thân sinh của ông Vận, cụ Nguyễn Bình Địch vừa mất hồi tháng 6. Cụ Địch từng là trinh sát công an, tham gia bắt trùm phỉ Tráng Seo Khún ở huyện Hoàng Su Phì.
Khún được người thời đó gọi là "ác thú" bởi trong khi làm thổ phỉ đã giết khoảng 50 người dân bằng một chiếc câu liêm. Vũ khí này của đối tượng hiện vẫn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang cùng vô số những kiếm, dao của các thủ lĩnh phỉ khác.
Nói về thổ phỉ, Thiếu tướng Vận cho biết, ông từng cất công nghiên cứu một đề tài khoa học cấp tỉnh, trong đó ghi chép lại tường tận diễn biến, những cái tên hay từng địa danh của một thời biến động. Đặc biệt, sự dũng cảm, mưu trí của các trinh sát công an ngày ấy được thể hiện rõ trong từng chiến công.
Những trận đánh trên cao nguyên đá
Ngày 28/12/1959, thổ phỉ từ 4 hướng tấn công vào huyện Yên Minh ngày nay; chúng ép những người phụ nữ, trẻ em dàn hàng ngang đi trước. Bộ đội và lực lượng thuộc Ty công an Hà Giang dù được trang bị hỏa lực mạnh đã không dám nổ súng.
Thổ phỉ do vậy hung hăng hơn, những ngọn giáo, nòng súng của chúng giương lên sau lưng người dân, bắt họ tiến lên. Sau thời gian đầu không thể chiến đấu, lực lượng vũ trang của ta vòng ra sau hướng tiến quân của phỉ, bắn tỉa từng tên một để đảm bảo an toàn cho người dân.
Bị bất ngờ, những tên phỉ tan rã, trận đánh lớn của chúng đã thất bại chỉ trong vài giờ. Lực lượng công an sau đó tiếp tục trinh sát, phối hợp bội đội giải phóng hoàn toàn Đồng Văn, khiến phỉ rút về vùng Bát Đại Sơn hoặc về Má Sồ, nơi gần biên giới Việt – Trung, có nhiều núi đá, hang sâu.
Cuộc chiến ở Má Sồ diễn ra trong 3 ngày. Bộ đội, công an vất vả chiếm từng hốc đá, từng cửa hang, tiêu diệt lực lượng phỉ. Thắng lợi ở Má Sồ đã dập tắt cơ bản vụ bạo loạn ở Đồng Văn và qua đây, gần 500 tên phỉ bị bắt, tiêu diệt hoặc gọi hàng.
Cũng sau trận Má Sồ, những toán phỉ chấm dứt hoạt động tập trung và chia thành các nhóm nhỏ rút vào rừng. Suốt 1960, chúng phục kích cán bộ, cướp phá làng bản mỗi khi có cơ hội.
Lực lượng công an do vậy được giao nhiệm vụ bắt tất cả những kẻ cầm đầu đám phỉ và giúp đỡ người dân lợp lại nhà; cứu đói, cứu rét cho đồng bào vùng cao. Kế hoạch bắt, gọi hàng từng chỉ huy của phỉ được xây dựng.
Người bác sĩ bí ẩn
Một sớm cuối năm 1960, trên những con dốc cao của xã Phú Lũng xuất hiện một bác sĩ đeo túi thuốc, đi từng nhà chữa bệnh cho người dân. Vùng Phú Lũng khi đó có một toán phỉ lớn hoạt động dưới sự chỉ huy của một người tên Giàng Sè Páo. Những tên phỉ trong nhóm nghi ngờ, muốn bắt bác sĩ nhưng người này dọa nếu giết anh ta, không ai chữa bệnh cho gia đình chúng nên ông được thả đi.
Sau thời gian dài đi khắp những ngọn núi, chữa bệnh cho dân bản, vị "bác sĩ lạ" nắm thông tin, Páo ở trong rừng và được người vợ thứ 3 tiếp tế. Con trai của 2 người đang ốm rất nặng, đã "mời thầy mo về cúng" nhưng không khỏi.
Biết tin, vị bác sĩ tới nhà, khám bệnh, cho con trai của Páo uống thuốc và qua một đêm, cháu bé khỏe hơn. Được vợ báo tin vui, Páo về nhà, cảm ơn bác sĩ và vị thầy thuốc vốn là trinh sát công an đã tìm cách khuyên Páo "nộp vũ khí, về với gia đình".
Được vận động, Giàng Sè Páo trở lại rừng sâu, gọi những tay chân của mình cùng ra đầu hàng, giao nộp vũ khí vào tháng 12/1960. Những toán phỉ khác ở Đồng Văn cũng lần lượt bị tiêu diệt trong nửa cuối năm 1960 nhưng chỉ huy quân sự của chúng là Vàng Chúng Dình vẫn từ trong rừng, điều hành các cuộc tấn công.
Từ sau những trận đánh ở Yên Minh và Má Sồ, Vàng Chúng Dình phải trốn đến hang Trà Mần ở Lũng Cú. Tấn công bằng vũ lực vào đây là việc khó bởi địa hình phức tạp, hang Trà Mần sâu và nhiều lối ra vào.
Do vậy, lực lượng công an lên kế hoạch đưa người "vào hang cọp", bắt Dình. Việc này được giao cho ông Mã Chính Lâm – huyện Đội trưởng Đồng Văn và cố đại tá Trần Tấn Nghĩa, một trinh sát công an từng tham gia phá vụ án Ôn Như Hầu nổi tiếng. Ông Lâm người Đồng Văn nhưng Dình, vốn từ Trung Quốc sang, không biết ông là bộ đội.
Từ hang Trà Mần, Dình bỗng nhận được thư từ một người "tin tưởng", nói Ngô Đình Diệm sẽ cử "đại diện cấp cao ra giúp Đồng Văn", yêu cầu đón tiếp khi người này nhảy dù xuống.
Trinh sát công an Trần Tấn Nghĩa sau đó trong vai "đại diện cấp cao của Ngô Tổng thống" được dẫn vào hang, trở thành "ngài Tham mưu tối cao" cho Vàng Chúng Dình. Tuy nhiên, lực lượng công an không bắt ông ta ngay, còn lợi dụng diệt các "tay chân" trước.
Theo mưu tính của "ngài Tham mưu tối cao", Dình viết thư gửi các "tướng" dưới quyền, yêu cầu đến họp để chuẩn bị nổi dậy lần 2. Tháng 8/1960, các trinh sát công an mang bức thư này đến gặp Lý Nhè Lùng, chỉ huy một toán phỉ đang lẩn trốn trong rừng. Lùng lập tức rời căn cứ, lên đường về hang Trà Mần và bị bắt gọn.
Đến cuối năm 1960, lực lượng công an sau khi vô hiệu hóa hầu hết lực lượng phỉ ở Đồng Văn quyết định tung mẻ lưới cuối cùng, bắt sống Dình. Trinh sát Trần Tấn Nghĩa do vậy nói với ông ta tin: "Ngô Tống thống điện báo miền Nam chuẩn bị đánh ra Bắc, lệnh cho lực lượng Đồng Văn nổi dậy đánh ép cộng sản từ biên giới xuống".
Để chuẩn bị nổi dậy, cố đại tá Trần Tấn Nghĩa yêu cầu tổ chức một cuộc họp 3 người gồm ông, Dình cùng Mã Chính Lâm. Cuộc họp phải "bí mật hết sức" nên những tên phỉ "lâu la" được yêu cầu ra khỏi hang Trà Mần. Trùm phỉ đồng ý toàn bộ việc này, không nghi ngờ.
Giữa cuộc họp, các trinh sát luồn từ phía sau hang Trà Mần ập vào, bắt sống Dình, bí mật đưa ra ngoài. Sau 5 ngày vượt núi, công an đưa được ông ta từ Lũng Cú về Yên Minh và tới đây, Dình mới biết thân phận thật của các ông Trần Tấn Nghĩa, Mã Chính Lâm.
Việc bắt Vàng Chúng Dình khiến tập đoàn phỉ ở Đồng Văn gồm 1.112 tên trở thành "rắn mất đầu" và tan rã.
Ngày 21/10/1961, TAND tỉnh Hà Giang mở phiên tòa xét xử cuộc boạn loạn ở Đồng Văn. Ngồi ghế chủ tọa là ông Vù Mí Kẻ - thời thanh niên là người chăn ngựa cho địa chủ và sau là Chủ tịch Đồng Văn rồi Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang.
Qua phiên tòa, Vàng Chúng Dình và 2 "cấp dưới" bị tuyên tử hình; 11 người bị tuyên từ 20 năm tù đến chung thân; 36 tên bị phạt tù dưới 20 năm và 3 người bị trục xuất về Trung Quốc. Nhóm phỉ "lâu la", gần 1.000 người được kiểm điểm, bắt viết cam kết và cho về nhà.
Những tài liệu được lưu giữ thể hiện, đến năm 1962, các toán phỉ khác nhau do Pháp, Mỹ, quân đội Tưởng Giới Thạch và các "thổ ty" tạo lên mới bị tiêu diệt toàn bộ. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Ty công an Hà Giang, Công an Khu Lao – Hà – Yên và sau là Công an Khu tự trị Việt Bắc đã liên tục chiến đấu suốt 16 năm, từ 1947.