Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" sáng 21/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả mà ngành y tế đã đạt được trong thời gian qua như triển khai đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19; Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được duy trì;
Đồng thời đẩy mạnh triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.500 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo;
Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh; triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Hoàn thành đồng bộ dữ liệu hơn 92 triệu mũi tiêm phòng Covid-19 với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2022 như tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng là 19% (chỉ tiêu là 20,4%); tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt 70%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc là 94%; số bác sĩ trên 01 vạn dân đạt 10 bác sỹ (chỉ tiêu là 9,4/1 vạn); số giường bệnh trên 01 vạn dân đạt khoảng 30,5 giường bệnh (chỉ tiêu là 29,5/1 vạn).
Vừa qua, có khoảng 10.000 cán bộ y tế trong khu vực công lập nghỉ việc trong tổng số khoảng 500.000 người, nhưng chúng ta đã tuyển dụng thêm được khoảng 5.000 người.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành y tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, bất cập như:
- Hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà về thủ tục hành chính, chưa bao quát được hết các khía cạnh (như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư…).
- Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, tuyến Trung ương vẫn là vấn đề nhức nhối. Người dân vẫn chưa thật sự hài lòng với chất lượng và sự phục vụ của ngành y, nhất là y tế công lập;
- Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tính chủ động chưa cao, còn phụ thuộc vào nước ngoài. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
- Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn.
- Tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm.
- Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế.
- Tài chính y tế còn nhiều bất cập (liên quan đến thực hiện tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mệnh giá và thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư...).
- Giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực y tế còn chậm (tính đến 30/6/2022, vốn chi thường xuyên mới giải ngân được 32%, vốn đầu tư công trung hạn mới giải ngân được 2,5% kế hoạch vốn giao năm 2022).
"Hiện nay, ngành y tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng đây cũng là thời cơ lớn để đổi mới, tạo ra đột phá bởi những bất cập, vướng mắc cản trở hệ thống y tế phát triển đã được bộc lộ rõ và được nhận thức đầy đủ hơn.
Hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta chia sẻ và ủng hộ sự thay đổi để phát triển ngành y tế. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế ngày càng được tăng cường với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhận định, nhiều kiến nghị tại hội nghị xác đáng, xuất phát từ thực tiễn, hết sức trách nhiệm, đề nghị Bộ Y tế tổng hợp, phân loại, nghiên cứu giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng ngành y tế có "một núi việc", toàn những việc cấp bách, phải giải quyết ngay, có rất nhiều vấn đề mà trong vòng một cuộc họp không thể giải quyết hết được.
Phó Thủ tướng cho biết nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ta cao. Trung bình chi phí khám chữa bệnh những năm trước đây có 70% liên quan đến thuốc, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Mấy năm gần đây rút xuống còn khoảng 60%, trong đó máy móc phải là tốt nhất, thuốc tốt, thiết bị, vật tư cũng chất lượng cao.
Riêng về thuốc, có tới hơn 90% là nhập từ bên ngoài. Mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam tính trung bình một người (người dân, người nghèo, người mua bảo hiểm theo hộ) là 1 triệu đồng/người/năm, không bằng 1/10-1/30 của các nước phát triển.
Muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y nói chung, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhiên viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Nhưng muốn tính đúng, tính đủ thì chỉ có cách là người dân đóng góp, mua bảo hiểm y tế hoặc lấy ngân sách bù vào. Tuy nhiên, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó.
"Về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ, có thể mức chưa được như các nước khác nhưng không thể như bây giờ. Chúng ta cũng phải tăng đầu tư ngân sách. Hiện nay, cứ 100 đồng tiền mua BHYT thì có 60 đồng của người dân và 40 đồng của Ngân sách Nhà nước, cần phải tăng mức này. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến nhất mà giá lại như nước nghèo nhất"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế hoàn thành dự thảo Nghị quyết về vấn đề này và trình Chính phủ. Khi Nghị quyết được ban hành, nếu vẫn không mua được trang thiết bị, vật tư y tế thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm.