Dân Việt

8 mỹ nhân có võ công cao cường nhất kiếm hiệp Kim Dung gồm những ai?

Hoa Vũ 23/08/2022 08:30 GMT+7
Thế giới võ hiệp của nhà văn Kim Dung có không ít nữ cao thủ sở hữu dung mạo tuyệt trần cùng võ công thâm hậu.

Chu Chỉ Nhược

Kiếm hiệp Kim Dung: 8 mỹ nhân có võ công cao cường nhất gồm những ai? - Ảnh 1.

Chu Chỉ Nhược là nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Là bạn thuở nhỏ với Trương Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược từng được đưa lên núi Võ Đang nhưng không được Trương Tam Phong thu nhận vì là nữ giới.

Chỉ Nhược sau đó theo phái Nga My. Nàng có tính cách hiền lành, chăm chỉ nên được được Diệt Tuyệt Sư Thái yêu mến. Sau này, Chu Chỉ Nhược được Diệt Tuyệt Sư Thái truyền cho chức chưởng môn phái Nga My, yêu cầu nàng tìm được Đồ long đao và Ỷ Thiên kiếm để luyện thành võ công thượng thừa nhằm tiêu diệt Minh giáo.

Chu Chỉ Nhược sau này luyện thành Cửu Âm Chân Kinh, nàng còn sử dụng thành thục Nga Mi Cửu Dương Kinh, Nga Mi Kiếm Pháp và Kim Đỉnh Miên Chưởng.

Lý Mạc Sầu

Kiếm hiệp Kim Dung: 8 mỹ nhân có võ công cao cường nhất gồm những ai? - Ảnh 2.

Biệt hiệu là Xích Luyện Tiên Tử, là đệ tử đời thứ ba của phái Cổ Mộ, là sư tỷ của Tiểu Long Nữ.

Khi còn trẻ, Lý Mạc Sầu xinh đẹp, tính khí lạnh lùng, đã từng yêu say đắm Lục Triển Nguyên, vứt bỏ cả trinh bạch, lễ giáo, chấp nhận mang tiếng phản đồ nhưng sau đó Lục Triển Nguyên bội ước, lấy Hà Nguyên Quân làm vợ. Cuộc tình tan vỡ trong quá khứ đã khiến Lý Mạc Sầu trở thành một con người tàn nhẫn và độc ác, với tuyệt kỹ Xích luyện thần chưởng và Băng phách ngân châm.

Lý Mạc Sầu sau trúng độc hoa tình, cấu kết với Công Tôn Chỉ lập mưu để đoạt thuốc giải. Tuy nhiên, nửa viên thuốc giải độc hoa tình duy nhất lại bị Dương Quá ném xuống đáy vực sâu. Trúng độc, đau đớn và tuyệt vọng, Lý Mạc Sầu tự tử trong đám cháy Tuyệt tình cốc, đến cuối vẫn còn hát: "Hỏi thế gian tình là gì, câu thề sinh tử đa mang một đời...".

Hoàng Dung

Kiếm hiệp Kim Dung: 8 mỹ nhân có võ công cao cường nhất gồm những ai? - Ảnh 3.

Hoàng Dung là con gái của Đông Tà Hoàng Dược Sư. Nàng thừa hưởng sắc đẹp và trí thông minh của mẹ nhưng vì từ nhỏ sớm mồ côi nên tính cách nàng hình thành giống hệt cha - nhanh trí, lém lỉnh nhưng cũng rất cổ quái, thích làm việc theo ý mình.

Mồ côi mẹ từ nhỏ và được cha nuôi nấng, truyền thụ võ nghệ, vì thế Hoàng Dung sở hữu võ công cao cường. Võ công của Hoàng Dung được tổng hợp từ Đông Tà và Bắc Cái. Những môn võ được nàng sử dụng nhiều nhất từ "Anh hùng xạ điêu" đến "Thần điêu hiệp lữ" là Đả cẩu bổng pháp, Mãn thiên hoa vũ, Lạc anh thần kiếm chưởng và Lan hoa phất huyệt thủ.

Hoàng Dung còn là bang chủ đời thứ 19 của Cái Bang, nữ đồ đệ duy nhất của Bắc Cái Hồng Thất Công.

Nhậm Doanh Doanh

Kiếm hiệp Kim Dung: 8 mỹ nhân có võ công cao cường nhất gồm những ai? - Ảnh 4.

Nhậm Doanh Doanh trong Tiếu ngạo giang hồ là một trong những nhân vật nữ được mến mộ nhất truyện kiếm hiệp Kim Dung. Cô khoảng 18 tuổi, là con gái độc nhất của Nhậm Ngã Hành và vợ Tuyết Tâm.

Nhậm Ngã Hành nguyên là giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo, vì mải mê luyện Hấp tinh đại pháp nên bị phó giáo chủ là Đông Phương Bất Bại lén ám toán, giam giữ trong thiết lao dưới đáy Tây Hồ. Để che mắt giáo chúng, Đông Phương Bất Bại đã phong cho Doanh Doanh chức vụ cao của Nhật Nguyệt thần giáo và chăm sóc cô tử tế. Vì Doanh Doanh đối xử rất tốt với giáo chúng bên dưới, luôn cứu giúp họ (đặc biệt trong việc cầu xin Đông Phương Bất Bại cấp cho họ thuốc giải Tam thi não thần đan) nên được các kì nhân dị sĩ Ma giáo đặc biệt kính trọng, gọi Doanh Doanh là Thánh Cô.

Mối tình giữa Nhậm Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung được xem là gạch nối giữa chính đạo - tà đạo, xóa đi hận thù trước đó trong giang hồ.

Nàng là người tình gần như hoàn hảo, luôn ở bên Lệnh Hồ Xung và cũng không ghen tuông với người trong mộng năm xưa của chàng - Nhạc Linh San.

Đến cuối truyện Nhậm Doanh Doanh lên làm giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo đã hóa giải toàn bộ ân oán của giáo phái này với giang hồ, sau đó cùng Lệnh Hồ Xung kết hôn, bỏ hết mọi danh lợi, hào quang lấp lánh trên đời, trở thành đôi uyên ương tri kỷ đi ngao du, cùng nhau hợp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ.

Hoàng Sam nữ tử

Kiếm hiệp Kim Dung: 8 mỹ nhân có võ công cao cường nhất gồm những ai? - Ảnh 5.

Bối cảnh xuất hiện của Hoàng Sam nữ tử là khoảng sau 100 năm từ khi Dương Quá và Tiểu Long Nữ quy ẩn giang hồ. Với hành tung rất bí ẩn, nàng tự giới thiệu bản thân mình với Cái Bang: "Tổ phụ ta với quý bang đây có mối gốc tích sâu xa".

Thêm vào đó, Hoàng Sam có dáng vẻ rất xinh đẹp nho nhã, y phục duy một màu vàng thiên thanh, lại có võ công thượng thừa, đặc biệt là công phu khinh công đặc biệt, vũ khí nàng sử dụng thường là những dải lụa, gợi nhớ nhiều tới Tiểu Long Nữ ngày xưa, cũng chỉ vận một màu trắng tinh khôi. Tính tình nàng cũng trầm tĩnh, kín đáo, có chút phần cổ quái...

Khi Hoàng Sam nói chuyện với Trương Vô Kỵ còn nhắc tới: "Chung Nam Sơn hậu, Hoạt tử nhân mộ, Thần Điêu hiệp lữ, tuyệt tích giang hồ". Những điều này minh chứng nàng chính là hậu thế của Thần Điêu đại hiệp Dương Quá và Tiểu Long Nữ.

Võ công của Hoàng Sam nữ tử đã đạt mức thượng thừa. Vị cô nương này tuy mới chỉ là một thiếu nữ nhưng công phu không thể xem thường. Công phu khinh công tuyệt đỉnh; chắc chắn uyên thâm võ công Cổ Mộ Đài. Thậm chí nàng còn luyện thành công Cửu Âm Chân Kinh đến cảnh giới cao nhất và có khả năng thi triển tuyệt kỹ "Cửu Âm Chân Kinh" dễ dàng hoàn thiện trên cơ Chu Chỉ Nhược gấp nhiều lần; chứng tỏ võ công phái Cổ Mộ sau khi được Dương Quá và Tiểu Long Nữ phát triển đã đạt tới những cảnh giới mới, đa dạng hơn.

Quách Tương

Kiếm hiệp Kim Dung: 8 mỹ nhân có võ công cao cường nhất gồm những ai? - Ảnh 6.

Xuất hiện trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp và phần đầu tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký, Quách Tương là con gái út của Quách Tĩnh – Hoàng Dung trong, nàng có sự hào hiệp của cha và sự thông minh, tinh quái của mẹ.

Vì hâm mộ Thần điêu đại hiệp – Dương Quá nên Quách Tương vô tình bị cuốn vào cuộc phiêu lưu với anh. Tình yêu dành cho Dương Quá ngày càng gia tăng, nhưng Quách Tương lại để trong lòng bởi biết Dương Quá chỉ yêu mỗi Tiểu Long Nữ. Sau khi Thần điêu đại hiệp kết thúc, Quách Tương đã bỏ đi tìm Dương Quá và nhận tin gia đình mình đã tử nạn vì bảo vệ thành Tương Dương. Quá đau khổ, Quách Tương đã xuất gia và sáng lập phái Nga Mi và từ bỏ mối tình thầm lặng với Dương đại ca.

Tiểu Long Nữ

Kiếm hiệp Kim Dung: 8 mỹ nhân có võ công cao cường nhất gồm những ai? - Ảnh 7.

Tiểu Long Nữ là nhân vật chính trong tiểu thuyết Thần Điêu Đại Hiệp. Nàng được chưởng môn sư thái đời thứ hai của phái Cổ Mộ nhặt về nuôi và nhận làm đệ tử. Tiểu Long Nữ sở hữu sắc đẹp tuyệt trần, tính tình ngây thơ và có phần lạnh lùng.

Ở phái Cổ Mộ, Tiểu Long Nữ luyện thành Ngọc Nữ Tâm Kinh, nhan sắc luôn như ngọc nữ – chẳng bao giờ già. Nàng có khả năng điều khiển đàn ong mật sắc trắng. Tên "Tiểu Long Nữ" cũng là do sư phụ nàng đặt và nàng được yêu quý như thánh nữ.

Tiểu Long Nữ là truyền nhân đời thứ tư của phái Cổ Mộ. Sau khi nhận Dương Quá làm đồ đệ, Tiểu Long Nữ dùng Ngọc Nữ kiếm pháp kết hợp với Dương Quá dùng Toàn Chân kiếm pháp, 2 người phát huy được tầng cuối cùng của Ngọc Nữ Tâm Kinh là Ngọc Nữ tố tâm kiếm pháp, tạo thành thế liên thủ song kiếm hợp bích cực kỳ lợi hại, từng đánh thắng cả nhất đại tông sư của Mông Cổ là Kim Luân Pháp Vương.

Sau này Tiểu Long Nữ còn học được thuật Song Thủ Hỗ Bác của Chu Bá Thông, qua đó tự mình thi triển Ngọc Nữ tố tâm kiếm pháp mà không cần phải liên thủ cùng Dương Quá.

Lâm Triều Anh

Video: Chuyện tình bi thương giữa Lâm Triều Anh và Vương Trùng Dương. Nguồn: Youtube

Lâm Triều Anh là người sáng lập ra phái Cổ Mộ. Bà được mô tả là có võ công cao hơn 4 người trong Thiên hạ ngũ tuyệt đời đầu và hơn cả Trung Thần Thông Vương Trùng Dương.

Trong tác phẩm Thần điêu đại hiệp, cố nhà văn Kim Dung đã mô tả chuyện tình Lâm Triều Anh và Vương Trùng Dương thời trẻ đã trải qua một mối tình vô cùng đẹp đẽ nhưng kết cục lại bi thương.

Lâm Triều Anh muốn kết phu thê với Vương Trùng Dương, nhưng vì sự nghiệp chống giặc chưa thành nên ông dù biết vẫn cố né tránh chuyện này, khiến cho Lâm Triều Anh đau khổ, hai người khi đó vì tình cảm mà lại hóa thù địch.

Bà trở nên oán ghét đàn ông và lập ra môn phái Cổ Mộ ngay phía sau Chung Nam Sơn. Sau đó, Lâm Triều Anh tìm hiểu một số môn võ công mà Vương Trùng Dương khắc họa ở đây, rồi nghiền ngẫm sáng chế cách khắc chế môn võ công đó viết nên bộ Ngọc Nữ Tâm Kinh.