Dân Việt

Hàng loạt chương trình liên kết với các trường đại học nước ngoài không được xếp hạng

Tào Nga 24/08/2022 06:00 GMT+7
Năm 2020, Bộ GDĐT đã phải rà soát và cho dừng tới gần 200 chương trình liên kết chưa đạt yêu cầu.

Hơn 60% các trường liên kết không có ranking cao

Nhiều năm qua, nhu cầu hòa nhập vào môi trường quốc tế và nhận bằng nước ngoài được nhiều thí sinh quan tâm. Các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới cũng nở rộ nhanh chóng. 

Tuy số lượng nhiều nhưng hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài còn không ít hạn chế. Theo Bộ GDĐT, hạn chế đầu tiên là việc lựa chọn trường đối tác ở nước ngoài. Hiện có tới 62,71% đại học đối tác của các chương trình liên kết đào tạo không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (theo QS Ranking và THE năm 2021). Chất lượng đào tạo của các chương trình này cũng khó kiểm soát hơn so với các chương trình trong nước. Năm 2020, Bộ đã phải rà soát và cho dừng tới gần 200 chương trình liên kết chưa đạt yêu cầu.

Do vậy, việc thúc đẩy các chương trình liên kết quốc tế thật sự chất lượng tại Việt Nam đã đặt ra những bài toán lớn cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia giáo dục, cũng như là mối quan tâm hàng đầu của sinh viên, học viên trong nước. 

Hơn 62% đại học đối tác chương trình liên kết không được xếp hạng hoặc nằm ngoài top 1.000 - Ảnh 1.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và Thạc sĩ Đoàn Thị Thu Hương. Ảnh: Tào Nga

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng các chương trình liên kết quốc tế” của Viện Quản trị và Công nghệ FSB (Đại học FPT) tổ chức, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về những hạn chế trong chương trình liên kết quốc tế hiện nay: "Chúng ta đào tạo bằng tiếng Anh nhưng thực tế người học không đáp ứng được trình độ tiếng Anh, thậm chí khi tốt nghiệp vẫn không đáp ứng được. Thứ hai, trong công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá cho thấy, có nhiều trường đào tạo rất tốt nhưng cũng có những trường chưa kiểm soát được chất lượng. Nhiều trường còn đào tạo chương trình trực tuyến từ xa nên kiểm duyệt chất lượng khó khăn. Đặc biệt, có rất nhiều trường liên kết có xếp hạng không cao dẫn đến chất lượng chưa đảm bảo, sinh viên ra trường thiệt thòi về quyền lợi". 

Theo GS Đình Đức, các trường ở Việt Nam khó liên kết được với các trường đại học lớn ở nước ngoài (đặc biệt là top 100). Thực tế cho thấy có hơn 60% các trường liên kết không có ranking cao. Liên kết quốc tế với trường lớn phải là đối tác "win-win" 2 bên cùng có lợi. Đối với trường ranking cao, liên kết quốc tế với đối tác nước ngoài cũng là tiêu chí để đánh giá xếp hạng về khả năng quốc tế của họ. Ngoài ra, các trường đại học lớn không cấp bằng nếu người học không học tại nước sở tại. 

 Nhận bằng ở đâu lợi thế hơn?

GS Đình Đức chia sẻ, học chương trình liên kết quốc tế, sinh viên sau tốt nghiệp sẽ được trường đối tác cấp bằng hoặc nhận 2 bằng (trường ở Việt Nam và trường liên kết) hoặc do trường cấp. Hiện nay, chương trình đào tạo bậc đại học với mô hình 1, 2 năm đầu đào tạo ở Việt Nam và sau đó đào tạo ở nước ngoài đang phổ biến. Sinh viên sẽ có thời gian tăng cường môn tiếng Anh, học các môn cơ sở, tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Tư vấn chọn chương trình liên kết quốc tế, GS Đình Đức cho hay: "Thí sinh muốn vào trường nào thì hãy vào trang web của trường đó xem ranking và đội ngũ đào tạo. Khi trường có xếp hạng cao, có kiểm định thì sẽ có quy định chặt chẽ trong liên kết. 

Thứ hai là xem chương trình ở Việt Nam liên kết theo hình thức nào, đối tác nào cấp bằng... Trường nước ngoài xếp hạng cao, trường ở Việt Nam có uy tín thì thí sinh có thể yên tâm. Những trường mới thì thí sinh nên thận trọng hơn. 

Thí sinh cũng cần tìm hiểu hình thức liên kết đào tạo và các điều kiện, tiêu chí đầu vào. Thí sinh xem năng lực tiếng Anh của mình có đáp ứng được không, lĩnh vực đó có phù hợp để học tập không, điểm đầu vào đăng ký có phù hợp không.... Ngoài ra, thí sinh xem xét các trường có chương trình liên kết với đối tác nghề nghiệp của họ ra sao. Khi có cơ hội nghề nghiệp lớn thì tấm bằng của mình càng có thế mạnh.

Một điều cần quan tâm nữa là đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, có trải nghiệm nước ngoài, doanh nghiệp hay không. Trường nào càng nhiều trải nhiệm thì học phí càng đắt nhưng "đáng đồng tiền bát gạo" để thí sinh đăng ký học tập".

Thạc sĩ Đoàn Thị Thu Hương, Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT cho biết: "Khó khăn lớn nhất đối với nhà trường là chọn chuẩn đầu vào, kiểm soát chất lượng cùng với trường đối tác để đạt yêu cầu và nâng cấp giảng viên để phù hợp chương trình liên kết. Gia đình và học viên mong đợi rất nhiều vào chương trình liên kết: Học ở Việt Nam bằng quốc tế và chất lượng quốc tế. Người có bằng sẽ được doanh nghiệp nào chấp nhận, cơ hội việc làm và thăng tiến thế nào".

Theo Thạc sĩ Thu Hương: "Việc lựa chọn bằng do trường ở Việt Nam cấp hay quốc tế dựa vào nhu cầu của từng gia đình. Cùng một nội dung học nhưng học phí của trường Việt Nam đào tạo sẽ thấp hơn do trường Quốc tế cấp. Những trường đại học đạt chuẩn trong nước, có nội dung đào tạo theo quốc tế được kiểm soát chất lượng thì hoàn toàn có cơ hội sau việc làm và học nâng cao".

Năm 2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) có hiệu lực, cho phép đại học trong nước nếu đủ điều kiện tự chủ được tự mở ngành đào tạo và chương trình liên kết mà không cần xin chủ trương và cấp phép. Cơ chế này đã nới rộng cánh cửa và tạo ra những thay đổi đáng kể trong hoạt động hợp tác liên kết quốc tế.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến tháng 12/2021, cả nước có 600 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động, trong đó có 282 chương trình tiến sĩ, 106 chương trình thạc sĩ và 20 chương trình đào tạo đại học. Đứng đầu danh sách các quốc gia liên kết cấp bằng với Việt Nam là Vương Quốc Anh (chiếm khoảng 24,7% số chương trình liên kết), Mỹ (14,5%) và Pháp (13%).