Tính từ khi dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch được lập từ năm 1993, trải qua nhiều lần điều chỉnh, đến nay đã 29 năm trôi qua, vốn đầu tư cũng được đề xuất nâng từ 1.500 tỷ lên gần 2.000 tỷ đồng, nhưng dự án nhà hát vẫn chưa được phê duyệt.
Ngày 8/10/2018 dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch được HĐND TP.HCM khóa IX thông qua tại kỳ họp thứ 10 (bất thường), thời gian thực hiện trong giai đoạn từ 2018-2022.
Giữa tháng 10/2018, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã có báo cáo toàn diện các nội dung liên quan đến việc thực hiện xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm như thực trạng hoạt động; sự cần thiết đầu tư Nhà hát; chủ trương xây dựng Nhà hát và các vị trí xây dựng…
Trong báo cáo có trình bày về nguồn vốn và thời gian thực hiện dự án. Cụ thể, về nguồn vốn – tổng mức đầu tư, năm 2008, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương về việc tiến hành thủ tục bán đấu giá cơ sở nhà, đất số 23 Lê Duẩn, quận 1 để tạo nguồn vốn thưc hiện dự án.
Với tổng mức đầu tư khoảng 1.508 tỷ đồng, gồm chi phí xây lắp 638 tỷ đồng, chi phí mua sắm thiết bị chuyên dùng 627 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 13 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng gần 30 tỷ đồng, chi phí khác 62 tỷ đồng và chi phí dự phòng 137 tỷ đồng.
Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ ngồi với 2 khán phòng gồm khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ. Tổng diện tích xây dựng khoảng 20.030m2. Phần ngoài trời khoảng 5.016m2 và phần thiết bị đặc thù chuyên dụng của Nhà hát. tổng mức đầu tư khoảng 1.508 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ được khởi công vào đầu năm 2019 và hoàn thành vào tháng 12/2022.
Giữa tháng 3/2019, Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về tiến độ các dự án trọng điểm của ngành văn hóa và thể thao ở TP.HCM.
Trong đó, có trình bày đến dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch, được chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đang lập báo cáo tiền khả thi, với thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến 2022.
Theo đó, giai đoạn từ năm 2019 - 2020, sẽ tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình và hoàn thành các thủ tục cần thiết để khởi công theo đúng quy định. Năm 2021 - 2022, khởi công và thi công xây lắp phần bê tông cốt thép công trình. Tháng 12/2022 sẽ hoàn thiện công trình và lắp đặt thiết bị.
Tuy nhiên, trong báo cáo Sở Văn hoá Thể thao cũng cho hay, công tác triển khai dự án đang gặp khó khăn do phải chờ cơ quan có thẩm quyền cấp vốn chuẩn bị đầu tư để thực hiện công tác lập nhiệm vụ thiết kế và tổ chức thi tuyển kiến trúc công trình theo quy định. Đơn vị tư vấn là Trung tâm Thông tin quy hoạch yêu cầu phải tạm ứng kinh phí mới có cơ sở thực hiện.
Do đó, Sở Văn hoá Thể thao đề xuất UBND TP.HCM giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính xem xét bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện dự án này. Sở cũng đề xuất Thành phố giao Sở Tài chính tạm ứng kinh phí chi cho đơn vị thiết kế để có cơ sở triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ.
Lãnh đạo TP.HCM nhận định, dự án nhà hát rất quan trọng cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân thành phố. Việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố.
Tháng 5/2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM cho biết, đã tổ chức xong thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình. UBND TP cũng đã có chủ trương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án.
Sau khi làm việc với các sở ngành liên quan, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đề xuất UBND TP tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.988 tỷ đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2018 - 2024. Trước đó, công trình dự kiến khởi công và hoàn thành trong năm 2021 – 2022 và có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Đồng thời, Ban Quản lý cũng kiến nghị UBND TP báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chấp thuận chọn phương án thiết kế để chủ đầu tư sớm tiến hành triển lãm các phương án đoạt giải lấy ý kiến của các chuyên gia và triển khai các bước tiếp theo của dự án.
Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP.HCM về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn ngày 24/8, UBND TP đã quyết định tạm dừng dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch tại Thủ Thiêm và dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường vành đai 2.
Tính đến thời điểm này, dự án chưa có quyết định phê duyệt, chưa có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Về nguyên nhân chậm trễ, UBND TP nhận định tiến độ tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình chậm do thời gian thẩm định, góp ý của các sở, ngành và các đơn vị có liên quan đối với nhiệm vụ thiết kế, kế hoạch và dự toán tổ chức thi tuyển kéo dài.
Bên cạnh đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm thời gian bắt đầu tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình chậm hơn so với dự kiến.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM, dự án này chưa bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để tập trung các nguồn lực đầu tư cho các công trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM, vào thời Pháp thuộc, TP.HCM có ba nhà hát: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP.HCM), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc TP.HCM) và Nhạc viện TP.HCM. Nay chỉ có Nhà hát TP.HCM còn có giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi biểu diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.
Vì vậy, để đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa, nghệ thuật cho hơn 10 triệu dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, góp phần nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa của người dân, phát huy văn hóa truyền thống…, việc xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch là hết sức cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP.HCM.
Vị trí nhà hát được xây tại góc cầu Thủ Thiêm 2 (hướng từ quận 1 qua Thủ Thiêm), kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn. Ngoài nhà hát, nơi đây còn có các công trình quan trọng như quảng trường trung tâm; trung tâm hội nghị triển lãm; trung tâm triển lãm quy hoạch, bảo tàng...