75 năm hiện hữu giữa cuộc đời, nghệ sỹ Thế Hùng như gánh trên vai chức trách của một "thiên sứ" luôn đi tìm cái đẹp. Tình yêu nghệ thuật và tài năng sáng tạo của ông trải rộng khắp từ âm nhạc, hội họa, đồ họa, thơ ca, lý luận - phê bình đến giảng dạy - nghiên cứu mỹ học. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, người ta cũng nhận ra một tâm hồn luôn trăn trở với cái đẹp, yêu tha thiết cuộc đời và sống như người "nông phu" trên "cánh đồng nghệ thuật"…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét về nghệ sỹ Thế Hùng rằng: "Trước hết, Thế Hùng là một nhà thơ có tài với những vần thơ đi vào lòng công chúng và được nhiều thế hệ bạn đọc thuộc lòng. Nhưng ông cũng là một ví dụ về sự dấn thân không mệt mỏi và niềm đắm mê vô tận. Ông không chọn duy nhất một con đường mà hiến mình cho cả thơ ca, âm nhạc, hội họa, lý luận – phê bình…
Ông đến với cuộc đời bằng nụ cười và sự đam mê nghệ thuật, sáng tạo miên man. Ông trung thực và bản lĩnh với tất cả sự lựa chọn của mình và kiên trì đi đến cùng với con đường đó, cho đến khi có được thành quả giá trị. Trên gương mặt ông chỉ thấy nụ cười và trong mọi sáng tạo của ông chỉ thấy vẻ đẹp của thiên nhiên và của con người".
NSƯT Lê Chức – nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhìn nhận: "Trong âm nhạc có một thể tài là Sonat, theo ý nghĩa xuất xứ là từ chữ "Sonore" – vang lên. Thế Hùng có được tố chất tự "vang lên" của mình. Vang lên trong thơ – nhạc – họa, ngoài tiếng nói của nghề nghiệp trao giảng mỹ học. Khen Thế Hùng thì dễ, chê Thế Hùng là hơi khó".
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nói về người bạn vong niên của mình bằng những lời rất thật: “Thế Hùng là bạn đồng tuế, tài hoa mà tôi vẫn nói vui trên tình bạn bè “phố Thế Hùng” vì bạn tôi nhiều “nhà” quá: nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhà nhạc, nhà họa, nhà phê bình nghệ thuật, nhà hùng biện, lại còn là Tiến sĩ Mỹ học nữa mà nhà nào cũng khá, việc nào cũng giỏi”.
Và 30 năm trước (1992), thi sỹ Hoàng Cầm cũng đã lưu lại bút tích của mình khi nói về nghệ sỹ Thế Hùng rằng: "Thiên nhiên bao giờ cũng nói nhiều với nghệ sỹ. May mắn nhất, ví dụ như Van Gogh, Picasso… ngược thời gian là Michelangelo, Raphel… Những nghệ sĩ chộp được những ánh mắt thế nhân, hẳn làm cho nghệ thuật sinh sôi, cho cuộc sống ào ạt, hỗn độn… Thế Hùng còn trẻ và đang sôi lên niềm yêu, yêu người, yêu cuộc sống. Đây là phác họa đầu tiên của tình yêu ấy. Anh cứ chung thủy, anh sẽ đi xa hơn, đi sâu hơn".
Ít ai biết rằng, để có một Thế Hùng như hôm nay, ông từng phải bước qua những thử thách của đói nghèo, thiếu thốn và mất mát. Nghệ sỹ Thế Hùng kể rằng, ông cầm tinh tuổi Đinh Hợi (1947) và sinh ra ở Yên Mô – Ninh Bình. Ông từng được đào tạo bài bản qua 3 chuyên ngành: mỹ thuật công nghiệp – báo chí – triết học.
Nghệ sỹ Thế Hùng bắt đầu sự nghiệp thơ ca, viết báo, phê bình nghệ thuật từ khi ông còn là phóng viên ảnh của báo Văn nghệ. Đó là những ngày tháng ông được gần gũi các nhà thơ lớn như Bế Kiến Quốc, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy… Ông được họ truyền cảm hứng và chỉ dạy những thi pháp sáng tác. Tính đến nay, ông đã sáng tác được khoảng 500 bài thơ, trong đó có hơn 100 bài thơ được đăng báo.
Riêng với âm nhạc, năm 1990, ông theo học lớp sáng tác Âm nhạc của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Người trực tiếp hướng dẫn sáng tác là nhạc sỹ Văn Ký và người giảng dạy ông về nhạc lý là nhạc sỹ Hoàng Vân. Ông bước vào thế giới âm nhạc bằng chiếc đàn Piano kẻ bằng giấy của tuổi thơ đầy gian khó.
Để rồi, với trái tim yêu tha thiết quê hương – đất nước và con người, yêu đã viết nên hơn 150 ca khúc để lại cho đời. Thầy giáo Hoàng Vân khi nghe "Lời ru của biển", "Quan họ mùa xuân", "Tình khúc mùa hè" và "Bản Tăng gô mùa thu" của học trò Thế Hùng đã liên tưởng đến những bức tranh. Những bức tranh chứa đựng nhiều màu sắc của thanh âm và lời ca như những hình khối biết nhảy nhót, chuyển động.
Hỏi nghệ sỹ Thế Hùng có tham lam không khi lĩnh vực nào cũng dấn thân và cũng mê đắm, ông hiền từ trả lời rằng: "Tôi sinh ra đã "mang lấy nghiệp vào thân". Mọi thứ cứ đến tự nhiên chứ mình không cố tình đi tìm và thể hiện. Tôi cứ âm thầm sáng tạo, công chúng, bạn bè giám định và nghiệm thu. Nếu ví cuộc đời là bức tranh kỳ vĩ, là tác phẩm âm nhạc đồ sộ, là bản trường ca đa nhịp thì tôi muốn làm một mảnh ghép trong tất cả những thứ ấy".
Ở tuổi 75, nghệ sỹ Thế Hùng vẫn miệt mài "cày ải" trên cánh đồng nghệ thuật. Ông đam mê sáng tạo tới mức quên cả hưởng thú vui tuổi già và chưa bao giờ có ý định ngừng nghỉ. Trái tim hòa nhịp với thơ, ca, họa… vẫn rung lên mãnh liệt như thể niềm yêu thương cuộc đời là bất tận. Nói như bạn bè của nghệ sỹ Thế Hùng, hơn nửa thế kỷ qua, "cỗ máy Thế Hùng" đã chạy hết công suất nhưng chưa dừng lại mà sẽ tiếp tục đến khi không thể…
"Tuyển tập Thế Hùng 2" gồm: 75 bài thơ đã đăng báo, 75 ca khúc đã phát trên VTV, VOV, YouTube, 75 bức tranh, 75 bài phê bình nghệ thuật đã đăng báo, 75 bài báo đã viết về ông, 75 ảnh tư liệu về Thế Hùng với các văn nghệ sĩ nổi tiếng, đồng nghiệp, bạn bè và 75 bức tranh của các thành viên Trung tâm Mỹ thuật Thế Hùng.