Ông Ngô Quốc Tá, Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ SHB Đà Nẵng ngậm ngùi xác nhận đội U17 Đà Nẵng không tham dự VCK U17 Quốc gia 2022. Thông tin này cũng được chính Tổng thư ký VFF, Lê Hoài Anh thông báo với giới truyền thông vào tối 25/8. Nguyên nhân của câu chuyện U17 SHB Đà Nẵng rút khỏi VCK U17 Quốc gia, dù rằng đã vượt qua vòng đấu loại với thành tích tốt đến từ đâu?
Câu chuyện vẫn xoay quanh vấn đề tài chính. Mà cụ thể hơn chính là ngân sách của TP Đà Nẵng với bóng đá trẻ không được giải quyết thấu đáo. Phía SHB Đà Nẵng đã nêu những nguyên nhân khiến họ không còn khả năng duy trì các tuyến trẻ. Cụ thể, vào năm 2016, Thành ủy Đà Nẵng và UBND TP Đà Nẵng đã cam kết sẽ chung tay cùng Ngân hàng SHB để xây dựng, phát triển SHB Đà Nẵng. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ cho công tác đào tạo bóng đá trẻ của CLB mỗi năm 20 tỷ đồng (bắt đầu thực hiện từ năm 2017).
Tuy nhiên, do vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ năm 2021, nguồn hỗ trợ từ UBND TP Đà Nẵng đã dừng hẳn cho đến nay. Qua nhiều lần đề nghị của Công ty cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo giao cho Sở VHTT, Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất phương án để chi ngân sách hỗ trợ đào tạo bóng đá trẻ phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng đã gần 2 năm qua, các ban, ngành liên quan vẫn chưa thể thống nhất được phương án giải quyết dứt điểm để chi nguồn hỗ trợ này cho bóng đá trẻ. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch thu chi tài chính của CLB (năm 2021 CLB đã phải xin nhà tài trợ Ngân hàng SHB cấp bù gần 20 tỷ đồng cho phần thiếu hụt do không có nguồn tiền hỗ trợ đào tạo trẻ của UBND TP Đà Nẵng).
Năm 2022, theo kế hoạch tài chính của CLB: nguồn thu chủ yếu là thu từ nguồn tài trợ của Ngân hàng SHB là 60 tỷ đồng; thu từ nguồn hỗ trợ của UBND TP Đà Nẵng là 20 tỷ đồng và một số nguồn thu khác (quảng cáo, tài trợ…) để đảm bảo chi cho hoạt động CLB năm 2022 (vào khoảng 90 tỷ đồng). Đến 31/7/2022, Ngân hàng SHB đã tài trợ đủ số tiền 60 tỷ đồng, trong khi đó nguồn hỗ trợ cho đào tạo trẻ của thành phố vẫn chưa được giải ngân. Do đó, kinh phí hoạt động của CLB hiện tại gặp rất nhiều khó khăn. Nhà tài trợ Ngân hàng SHB đề nghị Công ty, CLB phải kiến nghị với UBND TP Đà Nẵng để được giải ngân kinh phí đào tạo trẻ, mặt khác đề nghị Công ty tìm kiếm thêm nhiều nguồn tài trợ khác để có kinh phí hoạt động.
Trong tình hình khó khăn hiện nay, Công ty đã có văn bản kiến nghị các cấp lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ khẩn cấp nguồn kinh phí đào tạo trẻ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết. Để duy trì hoạt động của CLB, Công ty CPTT SHB Đà Nẵng buộc phải cắt giảm một số hoạt động để ưu tiên kinh phí cho kế hoạch thi đấu của Đội 1 SHB Đà Nẵng tại giải VĐQG và tiếp tục chờ đợi được giải ngân nguồn tiền hỗ trợ từ UBND TP Đà Nẵng.
Một số nội dung, hoạt động mà CLB phải cắt giảm như: rút lui khỏi VCK U17 quốc gia 2022; không tham gia giải U9 toàn quốc; có thể sẽ không tham gia giải U21 vào cuối năm nếu vẫn không được giải ngân nguồn kinh phí; tạm dừng các kế hoạch tập huấn, thi đấu giao hữu các tuyến trẻ trong năm 2022…
Thực tế, câu chuyện bóng đá trẻ Đà Nẵng chịu thiệt thòi vì kinh phí hạn hẹp đã được nhắc đến trong 2 năm gần đây. Ngày 13/7 vừa rồi, một fanpage về thể thao Việt Nam đã đăng tải hình ảnh được cho là mâm cơm 6 người của đội trẻ từ U11 - U19 SHB Đà Nẵng. Nhìn vào mâm cơm với đủ các món mặn, rau, canh, nhưng cộng đồng mạng Việt Nam lại rộ lên những tranh cãi. Một số người cho rằng, bữa cơm như vậy là chưa đủ chất đối với những cầu thủ ở tuổi ăn tuổi lớn.
Các lứa trẻ của CLB SHB Đà Nẵng được cấp tiền ăn từ 70.000đ đến 100.000đ/ngày và chia thành 3 bữa sáng, trưa và chiều. Tính ra, trung bình mỗi bữa khoảng hơn 25 – 35.000đ cho một cầu thủ. Được biết ngay sau câu chuyện này, các cầu thủ trẻ Đà Nẵng đã bị cấm mang theo điện thoại khi dùng bữa nhằm tránh… “tai nạn truyền thông” có thể xảy ra kế tiếp sau đó.
Chưa dừng lại ở đó, các đội trẻ Đà Nẵng phải di chuyển bằng những chiếc xe sắp hết niên hạn sử dụng với đầy rủi ro vì được sản xuất từ năm 2003. Những hàng ghế hư hỏng, vô lăng cũ kỹ khiến những cầu thủ trẻ phải lắc đầu ngao ngán lo cho tính mạng của mình ở các chuyến đi thi đấu tại các giải trẻ trong nước. Được biết, đây là phương tiện di chuyển của đội Đà Nẵng trước năm 2008. Nhưng sau khi đội 1 vô địch V.League 2009 thì họ đã được thay xe mới và nhường xe lại cho các đội trẻ. Đó cũng là hai chiếc xe mà BLĐ SHB Đà Nẵng sử dụng để đưa những cầu thủ từ lứa U11 đến U21 đi học, tập luyện cũng như thi đấu.
Đội 1 có chịu ảnh hưởng?
Trên thực tế, câu hỏi bầu Hiển có bỏ SHB Đà Nẵng đã phần nào được trả lời. Trong thời gian vừa qua, ngân sách lên đến 60 tỷ đồng từ ngân hàng SHB vẫn đảm bảo hoạt động cho đội 1 SHB Đà Nẵng. Đồng nghĩa, bầu Hiển không có ý định từ bỏ đội bóng sông Hàn. Tuy nhiên, nguồn tài chính quá eo hẹp dẫn đến việc đội trẻ của SHB Đà Nẵng đang lần lượt từ bỏ việc tham dự giải trẻ có thể sẽ tác động trực diện vào đội 1 SHB Đà Nẵng.
Bởi nên nhớ rằng theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp mà VFF và AFC thông báo, các đội tham dự V.League phải đảm bảo đầy đủ tư cách thực hiện quy chế. Trong đó, việc đưa các đội gồm U15, U17, U19 và U21 tham dự các giải trẻ quốc gia phải bắt buộc thực thi. Nếu không, họ hoàn toàn đối diện với việc không được cấp phép tham dự V.League.