Mới đây, chị Trần Thị Huyền (Hà Nội) hốt hoảng khi các bác sĩ chẩn đoán mẹ chị bị sa sút trí tuệ ở giai đoạn 3, nếu tiến triển thêm có thể không nhớ nổi các con là ai.
"Mẹ tôi năm nay 70, bình thường bà khỏe mạnh, minh mẫn, nhanh nhẹn lắm. Hai năm gần đây thì tôi ít về thăm bố mẹ vì dịch Covid-19. Một vài lần về nhà thì thấy mẹ vẫn khỏe, chỉ hơi chậm chạp và ít nói.
Tôi chỉ nghĩ do dịch Covid-19, mẹ phải ở nhà nhiều nên tâm trạng không được vui. Cũng có lúc tôi thấy mẹ định nói gì đó, nhưng rồi lại thôi. Có lúc, cụ quên tên 1 vài người họ hàng.
Nhưng tôi chỉ nghĩ lâu ngày không gặp, người già rồi thì trí nhớ cũng giảm sút. Tuy nhiên, tôi không nghĩ mọi việc lại trầm trọng đến vậy", chị Huyền chia sẻ.
Mới đây, khi mẹ chị bỗng dưng quên cả ăn cơm, quên đi tắm rửa hoặc có lúc cứ nói lắp bắp, ngắc ngứ mãi không diễn đạt được ý mình, chị Huyền mới tá hỏa đưa mẹ đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán là sa sút trí tuệ.
Nếu không được điều trị và luyện tập thì triệu chứng sẽ ngày càng nặng thêm, thậm chí quên con cháu, quên cả cách sinh hoạt thường ngày, không tự phục vụ được bản thân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Loan - Trưởng phòng Tâm thần người cao tuổi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não với đặc trưng bởi các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như: trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục...
Theo bác sĩ Loan, các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ đa phần là do bệnh Alzheimer (bệnh của người già,, chiếm 60-80%). Ngoài ra còn do rối loạn thần kinh và chấn thương như chấn thương sọ não; do bệnh nhồi máu cơ tim, viêm não, xuất huyết não; do sự rối loạn nội tiết như bị mắc đái tháo đường, suy giáp; do việc lạm dụng các chất kích thích, sử dụng thuốc không hợp lý.
BSCKII. Bùi Văn San, Phòng Tâm thần người già, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, các triệu chứng sa sút trí tuệ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm: Thay đổi nhận thức; mất trí nhớ; khó giao tiếp hoặc tìm từ; khó khăn với khả năng thị giác và không gian, chẳng hạn như bị lạc trong khi lái xe; khó xử lý các nhiệm vụ phức tạp.
Khó khăn trong việc lập kế hoạch và tổ chức; khó khăn với sự phối hợp và chức năng vận động; nhầm lẫn và mất phương hướng…
Bên cạnh các triệu chứng cơ bản trên, còn có một số triệu chứng loạn thần: 30-40% các bệnh nhân mất trí có hoang tưởng; ảo giác có ở 20-30% bệnh nhân mất trí; hội chứng Capgras. Các rối loạn cảm xúc: Trầm cảm và lo âu được gặp ở 40-50% các bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Các thay đổi về nhân cách: Bệnh nhân trở nên thu mình lại, có bệnh nhân trở nên bủn xỉn, hoài nghi, ghen tuông vô lý, trẻ con hóa, ăn mặc cẩu thả, có khuynh hướng cóp nhặt bẩn thỉu và các rối loạn hành vi kích động về đêm, rối loạn hành vi ăn uống và bài tiết…
Đến giai đoạn suy giảm vừa, nghiêm trọng, bệnh nhân bắt đầu cần giúp đỡ với nhiều hoạt động hàng ngày. Những người trong giai đoạn năm của bệnh có thể gặp: Khó mặc quần áo phù hợp, không có khả năng nhớ lại các chi tiết đơn giản về bản thân như số điện thoại của chính họ, nhầm lẫn đáng kể…
Theo bác sĩ Loan, để phòng ngừa sa sút trí tuệ, người cao tuổi cần thực hiện các khuyến cáo sau của bác sĩ:
Thường xuyên hoạt động trí não như đọc sách báo, tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng. Người cao tuổi phải thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng... Giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ. Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy.
Khi sử dụng các thuốc bổ não, dưỡng não cần có sự chỉ định và tư vấn của các chuyên gia y tế Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và cần được thăm khám sớm khi có các triệu chứng
Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Chính vì vậy việc chăm sóc và điều trị cho người bệnh nên thực hiện sớm tại các cơ sở y tế uy tín.