Bước đệm để giành học bổng du học
Gia đình định hướng Hân học Y từ nhỏ, vì mong muốn trong nhà có người làm bác sĩ. Còn cô thì lúc đó chưa rõ hướng đi cụ thể trong tương lai, nên đành suôn theo nguyện vọng gia đình mà học khối B. Nhưng đến khi chọn ngành, Hân muốn lựa chọn học ngôn ngữ Hàn Quốc. Cô rất thích đọc theo lời thoại và ngữ điệu của các nhân vật trong những bộ phim Hàn. Nhưng Hân được bố khuyên nên đầu tư vào ngôn ngữ Trung Quốc vì sẽ dễ phát triển hơn.
Câu nói của bố khiến Hân suy nghĩ rất lâu, nhưng lo sợ vì tiếng Trung là một thứ rất mới lạ và cũng chưa có ấn tượng nhiều với ngôn ngữ này. Hân đã quyết định tìm xem thử một bộ phim Trung Quốc - Điều tuyệt vời nhất của chúng ta. Nhận thấy Việt Nam có sử dụng nhiều từ Hán Việt, nên việc nghe tiếng Trung tạo cho Hân cảm giác gần gũi. Cô bắt đầu yêu thích và tìm hiểu về văn hóa của quốc gia này.
Trong một năm học ở khoa Tiếng Trung của trường ĐH Sư Phạm TP. HCM, Hân đã cố gắng rất nhiều để có thể đạt kết quả tốt. Cô biết rằng xung quanh mình có rất nhiều bạn gốc Hoa và có những bạn tuy là người Việt nhưng đã học tiếng Trung nhiều năm. Là người thích chinh phục những khó khăn, Gia Hân đã không ngừng rèn luyện ngày đêm 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc và viết. Không chỉ với kiến thức chuyên ngành, Hân còn tích cực tham gia phát biểu trong lớp, chủ động tối đa trong việc học cả những môn đại cương để tổng thể đạt thành tích cao.
Ở thời điểm đó, Hân vẫn chưa biết gì về học bổng du học Trung Quốc. Cho đến khi khoa Tiếng Trung thông báo về việc xét hồ sơ để tiến cử 5 sinh viên tiêu biểu của Khoa ứng cử học bổng “Một vành đai - Một con đường” của ĐH Trung Sơn (Quảng Châu). Năm 2017, Hân bắt đầu chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu trên website của trường. Ngoài thư giới thiệu của trường ĐH Sư phạm TP. HCM ra thì những giấy tờ khác Hân đều phải tự chuẩn bị.
“Nói là cố gắng để giành học bổng là đúng, mà nói là ‘vô tình’ đủ điều kiện cũng không sai. Vì cơ hội chỉ đến với những người có sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị ở đây chính là đầu tư cho việc học. Trước đây, mình không biết gì về việc xin học bổng du học Trung Quốc, nhưng mình đã cố gắng hết sức ở cả 3 năm THPT và năm thứ nhất đại học. Học bổng mình nhận được là hoàn toàn xứng đáng”, Gia Hân bày tỏ.
Hành trình chinh phục cơ hội tại Trung Quốc
Quá trình học tập ở Trung Quốc rất vui, thầy cô và bạn bè đều thân thiện, nhiệt tình. Sự khác lạ về văn hóa, ngôn ngữ lại khiến bản thân Hân rất thích thú, muốn tìm hiểu về nhiều thứ hơn. Cô chia sẻ đã có những trải nghiệm rất mới lạ, đặc biệt là được đi du lịch miễn phí nhiều nơi. Vì trường thường xuyên tổ chức đi tham quan các thành phố khác như: Tây An, Triều Châu, Hồ Nam, Tế Nam (Sơn Đông)…
Tuy phải học online 2 năm vì tình hình dịch bệnh, nhưng Hân không chút nản lòng. Cô nghĩ bản thân không thay đổi được ngoại cảnh, nhưng chắc chắn có thể thay đổi tư duy và tâm thái của chính mình. Không thể cứ tiếc nuối quá khứ hay cứ nơm nớp lo sợ về tương lai, cứ làm tốt việc của mình hiện tại là đủ.
Hân còn là thủ khoa đầu ra của trường ĐH Trung Sơn, Hân chia sẻ về phương pháp học tập bản thân đã áp dụng: “Đối với những môn học cần phải ghi nhớ nhiều, mình sẽ áp dụng phương pháp lặp lại gián đoạn. Những môn cần phân tích, mình sẽ tìm đọc nhiều tài liệu để tập cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ. Còn với những môn cần làm việc nhóm, mình sẽ luôn xung phong làm trưởng nhóm, khích lệ mọi người hình thành tư duy cùng thắng, tích cực tham gia để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”.
Đề tài khóa luận tốt nghiệp được Hân lựa chọn là phân tích dạng đề tìm câu có lỗi ngữ pháp sai trong phần đọc của HSK 6 (đề thi thật). Trong quá trình tổng hợp tài liệu nghiên cứu, cô phát hiện đa phần những bài nghiên cứu trước đây đều chỉ đứng từ góc độ phân tích tỉ lệ các dạng câu thường gặp. Nhưng hầu như không có nhiều bài phân tích đứng từ góc độ của người đi thi. Từ đó rút ra phương pháp ôn tập và phân bố thời gian khi làm dạng đề này để đạt kết quả tối ưu. Dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo sư, cùng sự giúp đỡ điền phiếu khảo sát của 140 thí sinh Việt Nam đã tham gia qua kỳ thi HSK 6, Hân đã hoàn thành bài luận của mình đúng hạn và đạt thành tích Xuất sắc cấp trường.
Hân nói sẽ học tiếp lên thạc sĩ, đơn giản là vì cô nhận thấy kiến thức bên ngoài quá rộng lớn, còn những gì mình biết lại quá là nhỏ bé. Hân muốn trau dồi nhiều hơn, hoàn thiện bản thân nhiều hơn, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Khi nhận được email trúng tuyển của ĐH Bắc Kinh, Hân vô cùng bất ngờ. Vì trước đó, cô nghe mọi người nói đậu ĐH Bắc Kinh là chuyện không thể. Và hy vọng sau này, các bạn có cái nhìn khác về việc ứng tuyển vào học ở những trường top đầu của Trung Quốc.
Hân cho biết, cô sẽ nhập học vào ngày 5/9 tới đây, nên sẽ dồn hết tâm trí vào việc học và ‘cố gắng sống sót’ trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này. Bên cạnh đó, Hân ấp ủ dự định khi quay lại trường sẽ tạo một kênh YouTube quay về cuộc sống của cô ở ĐH Bắc Kinh, để các bạn trẻ có cái nhìn trực quan hơn về ngôi trường này.