Dân Việt

Chuyện ít biết về Ban tổ chức “Ngày Độc lập”

Kiều Mai Sơn 02/09/2022 14:37 GMT+7
Ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945 đã trở thành một ngày lễ trọng đại của dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng ít ai biết được rằng, Ngày Lễ Độc lập được tổ chức trang trọng trước quốc dân đồng bào có thời gian chuẩn bị tổ chức rất ngắn.

Ba lá thư của Ban tổ chức "Ngày Độc lập"

Ngày 31/8/1945, bác sĩ Trần Duy Hưng - Thị trưởng Hà Nội nhận được liên tục 3 lá thư được đánh máy bằng giấy than đen trên giấy trắng, khổ rộng 130 x 210mm, bên ngoài đề Ban tổ chức "Ngày Độc lập" thuộc Bộ Thông tin - Tuyên truyền, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nội dung các lá thư như sau:

Thư thứ nhất: 

"Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội

Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời sẽ tổ chức ngày 2/9/1945 một "Ngày Độc lập". Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ phải cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc lập.

Kính thư: Nguyễn Hữu Đang".

Thư thứ hai: 

"Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội

Nhân "Ngày Độc lập", chúng tôi yêu cầu Ngài cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận. Còn về lễ chào Quốc kỳ, chúng tôi nhờ Ngài cho sửa soạn cho chúng tôi một chiếc cột cao 12 thước tây đủ cả giây và bánh xe (poulie); sẽ có chỉ thị về chỗ dựng cột cho phu toà Thị chính.

Kính thư: Nguyễn Hữu Đang".

gop/ Chuyện ít biết về Ban tổ chức “Ngày Độc lập” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Đang (bên trái) và GS Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ (1995). Ảnh: Đình Toán

Thư thứ ba:

 "Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội

Muốn cho Ngày Độc lập tổ chức vào ngày 2/9/1945 tới đây được hoàn hảo, chúng tôi yêu cầu Ngài thông báo ngay cho các Phố trưởng để các ông ấy báo tin cho các nhà trong khu vực mình biết rằng Cụ nào trong nam giới hay nữ giới muốn đi dự lễ ấy sẽ đến họp ở Hội quán hội Khai trí hồi 13 giờ trước khi đi lên vườn hoa sau Sở tài chính.

Kính thư: Nguyễn Hữu Đang".

"Khó mới giao cho chú"

Thị trưởng Trần Duy Hưng cũng như nhiều nhân sĩ trí thức khác lúc đó không hề xa lạ với cái tên Nguyễn Hữu Đang. Hồi Mặt trận Bình dân (1936), ông được Đảng cử ra hoạt động báo chí công khai cùng với các đồng chí Trường Chinh, Trần Huy Liệu...

Ông còn là một trong những người tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của "Hội Truyền bá quốc ngữ" cùng thời với cụ Nguyễn Văn Tố, nhà trí thức Phan Thanh. Ông tham gia sáng lập và tổ chức "Hội Văn hóa Cứu quốc". Nay là Trưởng ban Tổ chức Ngày Độc lập.

Sau này, ông Nguyễn Hữu Đang kể lại sự kiện được giao làm Trưởng ban Tổ chức "Ngày Độc lập" trong hồi ký như sau: Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ, để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào. Nguyễn Hữu Đang được cụ Nguyễn Văn Tố - Bộ trưởng Bộ Cứu tế, dẫn vào gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

gop/ Chuyện ít biết về Ban tổ chức “Ngày Độc lập” - Ảnh 2.

Ban Tổ chức Ngày Lễ Độc lập 2/9/1945. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn ông Nguyễn Hữu Đang một lúc với cặp mắt rất sáng, như muốn cân nhắc, đánh giá người sắp được giao trọng trách.

"Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha, rất giống giọng cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe:

- Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 2/9. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?

Tôi tính rất nhanh trong đầu: Tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn 4 ngày nữa thôi... Tôi suy nghĩ cân nhắc trong từng phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua... để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi nói với Cụ Hồ: - Thưa Cụ, việc Cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi.

Cụ Hồ nói ngay:

- Có khó thì mới giao cho chú chứ!

Ông Nguyễn Hữu Đang nhận nhiệm vụ và hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách...

Lễ đài Độc lập lịch sử

Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài Độc lập thật đẹp, thật lớn, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại này, tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ cách mạng lâm thời đứng lên ra mắt. Công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng vững chắc, hài hòa với tổng thể xung quanh...

Chiều 2/9/1945, trên lễ đài này, chiếc ấn vàng và cây kiếm tượng trưng của chế độ quân chủ Việt Nam đã được trưng ra trước quốc dân đồng bào, cáo chung cho triều đại phong kiến cuối cùng... Một vị khách nước ngoài có mặt khi đó là A. Patti, viên thiếu tá chỉ huy trưởng Tình báo Chiến lược (OSS) của Mỹ - sau này trong hồi ức của mình, đã phải thốt lên lời nhận xét về tính tổ chức cao của những người cách mạng Việt Nam qua buổi lễ lịch sử.

Có một điều thú vị là, trong Ban tổ chức "Ngày Độc Lập" có hai anh em ruột. Người anh là Trần Lê Nghĩa - Phó ban. Còn người em là Trần Văn Hà, 1 trong 12 thanh niên đứng nghiêm dưới Đài Độc lập để bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau ngày này, ông Hà được giao nhiệm vụ là Trưởng ty Thông tin tuyên truyền Hà Nội, kiêm Giám đốc Nhà Thông tin Tràng Tiền, Hà Nội.

Không chỉ là đạo diễn điện ảnh tài năng, Phạm Văn Khoa (1913 - 1992) còn là người tổ chức xây dựng Lễ đài 2/9/1945.