Dân Việt

Người Mỹ từng giúp sức Việt Minh trước khởi nghĩa tháng 8/1945

Nguyễn Hiếu 02/09/2022 14:41 GMT+7
Cuối năm 1944, Bác Hồ nắm được tình hình thế giới đang có nhiều chiều hướng có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Nhân dân đói khổ nhưng lòng căm thù giặc dâng cao.

Lòng dân hướng về Việt Minh ngày càng lớn... Bác nhận ra điều nan giải nhất là lực lượng vũ trang của Việt Minh và vũ khí, kĩ chiến thuật quân sự cần phải nhanh chóng được cải thiện trang bị tốt để làm hạt nhân và cũng tạo niềm tin cho nhân dân.

Bác đang lao tâm khổ tứ để tìm ra giải pháp lớn cho cách mạng thì cuối tháng 11/1944, Bác nghe tin trung úy William Shaw - phi công Mỹ, trong một chuyến bay trinh sát đã buộc phải nhảy dù xuống vùng ven thị xã Cao Bằng do động cơ máy bay hỏng. Shaw là phi công thuộc Phi đội Tiêm kích Chiến thuật 51, Không đoàn 14 Không lực Lục quân Mỹ, có căn cứ đặt tại vùng Hoa Nam, Trung Quốc. Không đoàn 14 của phi công Shaw có nhiệm vụ phá hoại cơ sở vật chất, những đoàn tàu hỏa cũng như các đơn vị của Nhật vận tải hàng từ Hà Nội lên Trung Quốc.

gop/Người Mỹ từng giúp sức Việt Minh trước khởi nghĩa tháng 8/1945 - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các thành viên của Đội Con Nai tại Pác Bó, tháng 8/1945. Từ trái qua phải (hàng đứng): Phần Đinh Hủy (Hồng Việt), René Defourneaux, Hồ Chí Minh, Allison K. Thomas, Võ Nguyên Giáp, Henry Prunier, Đàm Quang Trung, Nguyễn Quý, và Paul Hoagland. Hàng trước : Lawrence Vogt, Aaron Squires, Thái Bạch (Thái Bá Chi). Ảnh: T.L

Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình tại Hà Nội, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trùng với ngày Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng phe Đồng Minh trên thiết giáp hạm Missouri. Buổi lễ có sự góp mặt của thiếu tá Archimedes Patti - người phụ trách Phái đoàn Mỹ tại Hà Nội, thiếu tá Allison K. Thomas và toàn bộ Đội Con Nai…

Shaw được du kích Việt Minh cứu thoát khỏi sự lùng sục gắt gao của quân Nhật và được đưa về Pác Bó. Sau hơn một tháng đi theo những người dẫn đường, chỉ đến khi gặp Lãnh tụ Hồ Chí Minh, William Shaw mới được nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Hồ Chí Minh đã tặng Shaw một bản Chương trình Việt Minh đã được Hồ Chí Minh dịch ra tiếng Anh. Đích thân Bác đã trèo đèo lội suối, vượt hàng nghìn cây số, đưa Shaw về Côn Minh, trao trả cho Trung tướng Claire Chennault - Tư lệnh Không đoàn 14, đồng thời là người đại diện cao nhất của quân Đồng Minh tại khu vực. Trong dịp này, Hồ Chí Minh đề nghị Tướng Chenault công nhận Mặt trận Việt Minh là một lực lượng của phe Đồng Minh.

Tiếp xúc với Hồ Chí Minh, Tướng Chenault khâm phục khi người không nhận vàng, tiền của không đoàn trả ơn cứu mạng phi công Shaw theo luật định, chỉ nhận thuốc chữa bệnh. Thêm vào đó qua trao đổi, Tướng Chenault đã nhận ra Hồ Chí Minh và tổ chức Việt Minh là những người yêu nước chân chính, những người bạn cùng chiến tuyến chống Nhật nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về vũ khí và khí tài quân sự. 

Chính vì thế, Tướng Chenault đã cùng với Hồ Chí Minh đi đến thỏa thuận với Việt Minh những điều khoản có lợi cho các mạng Việt Nam giai đoạn chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Về phía Mỹ sẽ viện trợ vũ khí, điện đài đồng thời thành lập Đội biệt động "Con Nai" (thuộc tổ chức tình báo OSS - tiền thân của CIA sau này) để sang vùng chiến khu Tân Trào dạy kỹ chiến thuật quân sự và cả việc sử dụng điện đài cho du kích, quân đội Việt Minh. Phía Việt Minh sẽ thông qua điện đài được Mỹ cấp sẽ cung cấp tin thời tiết khu vực miền Bắc và những hoạt động, biến động của quân Nhật. Chính Hồ Chí Minh cũng tham gia làm nhân viên cung cấp tin tức này dưới biệt danh Lucius.

Tháng 5/1945, đội SO (Special Operation) số 13, mang bí danh Con Nai với 6 thành viên, dưới sự chỉ huy của thiếu tá Allison K. Thomas, đã mang theo vũ khí, điện đài nhảy dù xuống Tân Trào. Ngay sau khi đón tiếp biệt đội và vũ khí, Bác đã ra lệnh thành lập Đại đội Việt - Mỹ do Đàm Quang Trung làm Đại đội trưởng, quân số khoảng 200 người, thiếu tá Thomas làm tham mưu trưởng. Chỉ tính riêng ba chuyến máy bay Dakota thả dù trang thiết bị, vũ khí cho lực lượng ở Tân Trào là 1 đại liên, 2 súng cối 60mm, 4 súng chống tăng Bazoka, 8 trung liên Bren, 20 tiểu liên Thompson, 60 súng carbin, 20 súng ngắn Colt, một số ống nhòm và các tài liệu huấn luyện của Lục quân Mỹ về chiến tranh du kích… Ngoài ra còn có các bộ điện đài đủ cho Bác quyết định thành lập 3 trạm điện đài ở Hà Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng...

Tổng thời gian nhóm O.S.S dành để huấn luyện người Việt kéo dài vài tuần trong tháng 7 và tháng 8. Ngoài Võ Nguyên Giáp, nhóm còn huấn luyện kỹ năng chỉ huy cho ít nhất hai chỉ huy quân sự cấp cao khác, trong đó có Đàm Quang Trung (sau là Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu 1).

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến 15/8/1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, Quốc dân Đại hội đã họp ngày 16 và 17/8/1945 tại đình Tân Trào. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa trải qua cơn sốt nặng, sức còn yếu, nhưng Người vẫn đến dự đại hội. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đồng thời, Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là cờ đỏ, sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài "Tiến quân ca".

Chiều 16/8, Hồ Chí Minh đã lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đưa quân giải phóng Việt Nam tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Quân giải phóng gặp nhiều sự ngăn cản của tàn quân Nhật. Song Quân giải phóng với sự phối hợp của nhóm Con Nai với vũ khí Bazoka đã tiêu diệt mọi sự ngăn cản của Nhật.