Dân Việt

Biến rác thải sinh hoạt thành tài nguyên, rác hữu cơ được "tái sinh"

Phạm Anh 30/08/2022 17:07 GMT+7
Sáng 30/8/2022, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn" nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở nước ta hiện nay.

Khó phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

Hiện tại, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mới được thực hiện thí điểm ở một số khu vực thuộc đô thị lớn, còn lại, phần lớn rác thải chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp. 

Do không được phân loại, rác vô cơ-hữu cơ, rác thải, rác tái chế trộn lẫn nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công này luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực có rác thải chôn lấp.

Đánh giá về thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở nước ta hiện nay, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Việc phân loại rác tại nguồn trước đây không bắt buộc. Tuy nhiên, đã có một số địa phương thực hiện thí điểm như tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Lào Cai. Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định rõ việc phân loại rác tại nguồn (khoản 1 điều 75) và đến ngày 1/1/2025, phân loại rác là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.

Biến rác thải sinh hoạt thành tài nguyên, rác hữu cơ được "tái sinh"  - Ảnh 1.

Việc hình thành ý thức, thói quen thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn sẽ góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Ảnh: baotainguyenmoitruong

Về tình hình thực hiện thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở một số địa phương, ông Hoàng Dương Tùng, chuyên gia môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết: Trước năm 2020, một số địa phương đã thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Ví dụ: Tại Hà Nội có phường Phan Chu Trinh và Nam Thành Công, nhưng sau một thời gian thực hiện không thành công.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng có quy định và chế tài xử phạt 20 triệu đồng đối với hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn, nhưng sau một thời gian vướng pháp lý và trang thiết bị nên dự án cũng thất bại.

Tuy nhiên, một số địa phương nông thôn như xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) lại có những thành công nhất định. Như vậy, việc phân loại rác thải tại nguồn phụ thuộc vào từng nơi, phương pháp triển khai, quy định, thiết bị. Có những điểm sáng cần học tập rút kinh nghiệm, có những nơi cần phải theo dõi để áp dụng cho phù hợp với địa phương.

"Tổ chức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Thế nhưng, có rất nhiều các dự án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được các tỉnh, thành phố triển khai kết quả thu lại không được bao nhiêu vì hàng loạt nguyên nhân" - ông Tùng nói.

Chia sẻ về dự án phân loại rác tại nguồn mà Hà Nội đã triển khai trước đây nhưng được một thời gian dường như đã bị lãng quên, bà Chu Thị Tuyết, Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội cho biết: Trước đây, một số quận của Hà Nội đã thí điểm phân loại rác tại nguồn theo mô hình 3R do tổ chức JICA của Nhật Bản tài trợ, nhưng không thành công. Nguyên nhân do thói quen của người dân nhiều năm khó thay đổi ngay, thiếu sự hỗ trợ tài chính, chưa đồng bộ về công nghệ, thiếu đồng bộ trong xử lý.

TS. Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nêu thực trạng phân loại rác tại nguồn theo luật ở chung cư rất khó khăn. Ở các chung cư cũ hơn, càng khó trong phân loại rác tại nguồn, tất cả rác đưa xuống tầng hầm nên không có điều kiện phân loại rác tại chỗ. 

"Đây là điểm nghẽn, trước hết là hệ thống, thứ hai là phương thức quản lý, rác khi phân làm ba loại, sau đó thu gom như thế nào mới là vấn đề quan trọng" - ông Đồng nhấn mạnh.

Biến rác thải sinh hoạt thành tài nguyên, rác hữu cơ được "tái sinh"  - Ảnh 3.

Các thùng thu gom chất thải đã phân loại được dán nhãn rõ ràng để người dân dễ nhận biết. Ảnh: Xuân Dự/TTXVN

Hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, biến rác thành tài nguyên

Nói về giải pháp, lộ trình để người dân có thể thực hành việc phân loại rác ngay từ bây giờ, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: UBND cấp tỉnh cần chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề này. Về phía Bộ TNMT, chúng tôi đã dự thảo hướng dẫn về phân loại chất thải rắn tại nguồn, và đến nay Bộ đã lấy 30 ý kiến của địa phương. 

Trên cơ sở đó, Bộ TNMT sẽ ban hành để các địa phương căn cứ vào đó để chúng ta xây dựng các quy định cụ thể, chi tiết của địa phương. Vì chỉ có địa phương mới biết được quy định như thế nào, có phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, định hướng của địa phương hay không...

"Việc này làm càng sớm càng tốt, sau đó sẽ đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, truyền thông, vận động để người dân hình thành thói quen, chuyển thành hành động cụ thể phân loại rác tại nguồn" - ông Hiền nói.

Về việc chuẩn bị các phương tiện thu gom, vận chuyển phục vụ việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, bà Chu Thị Tuyết cho biết, hiện URENCO đang đợi kế hoạch phân loại rác tại nguồn của Thành phố Hà Nội để xây dựng kế hoạch cụ thể. Đồng thời phải có nguồn kinh phí thực hiện và chuẩn bị 3 loại xe rác cho 3 loại rác được thu gom và phân loại.

Chia sẻ về các hình thức khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, ông Hoàng Dương Tùng, Chuyên gia môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Chính quyền địa phương phải cụ thể hóa việc phân loại rác tại nguồn, làm sao để hình thành thói quen đổ rác và thấy lợi ích khi phân loại như giảm được tiền xử lý.

Ngoài ra, kết hợp với tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân. Tổ chức tập huấn để người dân nhận thấy vấn đề đó không phức tạp. Một số nước dùng app điện thoại để người dân thấy việc phân loại rác rất dễ dàng. Và không nhất thiết phải có 3 thùng rác. Ví dụ, đổ rác hằng ngày thì có thể chia làm 3 túi rất nhỏ gọn, bên cạnh đó có loại rác không cần đổ hàng ngày. 

Ông Tùng cũng cho biết thêm, để phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn hiệu quả, ngoài trách nhiệm của người dân thì trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác cũng cần quan tâm. Đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, đồng bộ về con người, năng lực quản lý, xử lý.

Muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. 

"Phân loại rác tại nguồn sẽ cho rác thải bao bì một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý" - ông Tùng nhấn mạnh.