Các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất có cơ hội quảng bá, tiêu thụ tốt hơn sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP - One Commune One Prouct) tại TP.HCM.
Cải ngọt, rau muống của HTX Phước An (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) trên kệ các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Big C… tại TP.HCM luôn nằm trong nhóm những mặt hàng rau xanh được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Đây là 2 trong số các loại rau xanh chủ lực của HTX Phước An cung cấp cho siêu thị và các kênh sỉ khác như trường học, bếp ăn công nghiệp.
HTX Phước An là một trong những HTX lâu đời tại TP.HCM. HTX đã kết nối với các hệ thống siêu thị, các kênh bán lẻ hiện đại từ khá sớm để tạo sự ổn định về đầu ra cũng như giá cả cho mặt hàng rau.
Đầu năm nay, cải ngọt và rau muống của HTX Phước An được chứng nhận OCOP 3 sao của TP.HCM. Ông Trần Văn Thích - Giám đốc HTX Phước An, cho biết với thương hiệu đã có và được thị trường đón nhận tốt, việc được gắn sao OCOP sẽ là một "lực đẩy" để hai mặt hàng rau xanh này tiếp tục khai mở thị trường, tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn nữa trong tương lai.
Được chứng nhận OCOP là cơ hội để các chủ thể sản xuất lâu năm chắc chân mở rộng thị trường, còn với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đây là một trong những cơ hội lớn để quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm cơ hội đầu ra.
Anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, cho biết hai sản phẩm mật dừa nước tinh chất và mật dừa nước cô đặc của công ty kể từ khi được công nhận OCOP 4 sao vào tháng 3/2022, hầu như không vắng mặt ở bất kỳ hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại nào tại TP.HCM cũng như cả nước.
Các sản phẩm mật dừa nước của anh có mặt tại Festival Trái cây và Sản phẩm OCOP Việt Nam 2022 tại Sơn La do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, Hội chợ Khuyến mãi Shopping Season của Sở Công Thương TP.HCM, Hội chợ - Triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM do Sở NNPTNT tổ chức mới đây... để tiếp cận người người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác phân phối, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
"Bên cạnh các kênh phân phối hiện có, sản phẩm được công nhận OCOP, tôi và một số doanh nghiệp, HTX khác được tạo nhiều điều kiện tham gia nhiều hội chợ, chương trình quảng bá. Cơ hội hợp tác với các siêu thị cũng dễ dàng hơn. Tôi kỳ vọng thời gian tới, mọi người sẽ biết đến chương trình OCOP, ý nghĩa chương trình, khi đó sản lượng tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng sẽ tốt hơn", anh Tiến nói với Dân Việt.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP sẽ được hỗ trợ và ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Giai đoạn 2019-2020, bình quân mỗi năm, Sở đã tổ chức 146 phiên chợ nông sản tại khu vực đông dân cư, quảng bá sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của TP.HCM.
Đối với các sản phẩm đã được TP.HCM đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, Sở NNPTNT TP.HCM sẽ tiếp tục giới thiệu, quảng bá để đông đảo người dân trong và ngoài thành phố biết đến thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trong và ngoài TP.HCM.
Cụ thể, đó là các chợ phiên nông sản an toàn, hội chợ, hội nghị triển lãm, hội thi của ngành nông nghiệp và các sự kiện, chương trình do Sở Du lịch, Sở Công Thương tổ chức.
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết TP.HCM đã tổ chức lễ ký kết giữa các chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP với Satra, Saigon Co.op nhằm đưa các sản phẩm được công nhận OCOP vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp OCOP, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng thương hiệu, phương án sản xuất, tem dán truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, xây dựng website quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh", ông Hiệp nói thêm.