Trong 7 năm ở ngôi báu, cuộc đời làm vua của Thiệu Trị không mấy khi thú vị. Điều khổ tâm lớn nhất của nhà vua là người con trưởng sẽ truyền ngôi - Hoàng tử Hồng Bảo - lại thiếu tài năng, kém đức hạnh. Một hôm vua Thiệu Trị thử tài đối đáp của các con, bèn ra câu đối rằng: Bắc sứ lai triều. Hồng Bảo nghe vậy nhanh nhảu đối lại không cần suy nghĩ: Tây Sơn phục quốc.
Nghe Hồng Bảo đối vậy, ai nghe cũng lạnh da gà! Vua Thiệu Trị thì bình tĩnh gượng cười và răn đe: Tây Sơn mà phục quốc thì cả bà con mi không còn đất mà chôn! Lần sau có đối cũng phải suy nghĩ, gìn giữ ý tứ nghe con. Khi ấy Hồng Bảo mới sực tỉnh ra và biết mình đã lỡ mồm, vụng miệng, nên thẹn với các hoàng đệ vô cùng.
Vua Thiệu Trị quan tâm và thường nhắc nhở Hồng Bảo phải biết lấy lễ nghĩa mà đối đãi, kính cẩn, tôn trọng các thầy của mình. Phải biết tu chí rèn luyện đạo đức và học vấn mới mong thành người có tài đức, nối dõi nghiệp đế. Nhưng chứng nào vẫn tật nấy, ngày qua tháng lại, Hồng Bảo vẫn sa vào con đường ăn chơi lêu lổng. Ngày vua Thiệu Trị lâm bệnh nặng, năm 1847 - trong khi mọi người xúc động, lo lắng túc trực bên long sàn thì Hồng Bảo lại la cà nơi ca lâu. Thiệu Trị đau buồn gọi các đại thần: Trương Đăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương vào chầu và di huấn:
- Ta nối nghiệp đã 7 năm nay, ngày đêm lo lắng không dám thong thả vui chơi, mấy lâu se mình, hôm nay mệt lắm! Ta lo cho nghiệp lớn tổ tông phó thác cho ta nên ta phải chọn người nối nghiệp để yên xã tắc. Trong mấy người con ta, Hồng Bảo tuy lớn, nhưng vì thứ xuất (con bà thứ) mà lại ngu độn, ít học, ham chơi, nối nghiệp không được. Con thứ hai là Phước Tuy Công (Tự Đức sau này) thông minh, ham học, giống in ta, đáng nối nghiệp vua. Hôm trước ta đã phê vào tờ di chiếu để lại trong long đồng. Các người phải kính nơi đó, đừng trái mệnh ta.
Sau đó, nhà vua cho gọi Phước Tuy Công Hồng Nhậm vào để trao ấn kiếm. Hồng Nhậm khóc lóc nhận lãnh.
Hồng Bảo nghe tin vội vào cung điện, đến bên giường vua quỳ xuống tâu:
- Thánh thượng hứa truyền ngôi cho con. Nay con phạm tội bất hiếu, xin ơn trời bể mà tha cho.
Vua Thiệu Trị phán:
- Thiên hạ là của đức Cao Hoàng, kế đến đức Thánh Tổ truyền lại cho ta. Ta đã định truyền cho mi, thường khuyên mi tu tỉnh, thế mà mi cờ bạc, hát xướng. Thần khí rất trọng, ta không thể lấy tình riêng mà bỏ nghĩa chung được!
Hồng Bảo vẫn nấn ná quỳ bên giường vua. Phạm Thế Lịch cùng Võ Văn Giải điệu Hồng Bảo ra hậu cung cấm cố. Ngày 4/11/1847 (27/9 năm Đinh Mùi) vua Thiệu Trị mất. Các đại thần văn võ bá quan đọc di chiếu truyền ngôi cho Phước Tuy Công Hồng Nhậm, lấy niên hiệu Tự Đức. Tất cả mọi người đều ký vào bức di chiếu. Chỉ riêng Hồng Bảo không chịu ký. Sau nhờ đại thần Phạm Văn Nghị khuyên bảo nhiều lần Hồng Bảo mới chịu ký.
Cảnh “nồi da xáo thịt”, “răng cắn lưỡi” trong triều đình nhà Nguyễn bắt đầu có mầm mống từ đây. Chính vì ngôi báu chưa yên vị, sự tranh giành ngai vàng giữa Hồng Bảo và Hồng Nhậm vẫn chưa yên nên đám tang vua Thiệu Trị kéo dài tới 8 tháng sau mới nhập lăng, gấp đôi thời gian đám tang của vua Gia Long. Và vì thế mà suy ra thì làm vua như Thiệu Trị quả chẳng sướng ích gì. Thậm chí là cho đến phút lâm chung, vua Thiệu Trị vẫn còn chưa hết lo, hết buồn về các con và người kế vị.
Ngai vàng thì chỉ có một và cũng chỉ duy nhất một người được ngồi vào đó. Nếu ai trái với quy luật này ắt sớm muộn cũng sẽ bị loại khỏi dương gian. Tiếc rằng điều đơn giản ấy mà thái tử Hồng Bảo không nhận ra. Vì thế cho nên ông ta đã phải trả cái giá bằng chính mạng sống của mình và người ra lệnh giết Hồng Bảo không phải ai khác mà chính là em của ông ta, tức vua Tự Đức. Thế mới hay rằng, với không ít người, quyền lực và địa vị còn cao hơn cả tình ruột thịt. Bởi thế cho nên, hậu thế đừng ai quên rằng cái gì đã không phải là của mình thì xin hãy tránh, còn nếu cố giành thì rồi cũng bị kẻ khác lấy mất và khi đó thậm chí cả mạng sống cũng không giữ được.