Theo tục lệ truyền thống, cứ đến trung tuần tháng 8 âm lịch, các nghệ sĩ lại tề tựu để dâng hương tưởng nhớ Tổ nghề sân khấu và tri ân các nghệ sĩ tiền bối đã vun bồi cho nghệ thuật phát triển. Năm 2020, 2021… dịch Covid-19 căng thẳng khiến việc giỗ Tổ nghề không thể diễn ra đông đủ, ấm cúng. Chủ yếu là các nghệ sĩ thành tâm thiết sửa lễ vật và cúng Tổ nghề tại tư gia.
Năm nay, trong điều kiện bình thường mới, nghệ sĩ Quang Tèo, Trà My và đạo diễn Mai Long đã tổ chức lễ giỗ Tổ nghề ngay tại biệt thự nhà vườn rộng 1000m2 của nghệ sĩ Quang Tèo tại huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngôi nhà này mới hoàn thành cách đây không lâu và được xem là ngôi biệt thự hoành tráng nhất khu vực này.
Tham dự sự kiện còn có đông đảo nghệ sĩ như: NSƯT Đỗ Kỷ, NSND Trần Nhượng, NSƯT Trần Đại Mý, đạo diễn Trần Bình Trọng, diễn viên Đới Anh Quân, Hiệp Gà, Nguyễn Lớp… và rất nhiều khán giả mến mộ.
Nghệ sĩ Trà My và Quang Tèo tất bật sửa soạn lễ vật cho lễ giỗ Tổ nghề sân khấu. Ảnh: Hòa Nguyễn.
Trong văn tế Tổ nghề sân khấu do NSƯT Đỗ Kỷ đọc có đoạn: "Nhớ các Tổ xưa, kết tình văn hiến giống nòi, thừa hưởng anh hoa Tiên Tổ. Tâm huyết chẳng dành cho sự nghiệp tế thế kinh bang. Tài hoa dành tô đẹp non sông, lời ca, điệu vũ. Mặc kệ vua khinh, quan rẻ, liệt hạng vô loài. Quyết vì nếp đức, nền nhân, nêu gương kim cổ… Một đôi hòm, một manh chiếu sân đình rạp lá vẫn trập trùng biển rộng, non cao; Ba ngọn giáo, ba lá cờ, kèn giục, trống khua, tiếng rộn rịp binh hùng, tướng hổ. Vũ trụ gom vào một mối, mắt liếc, đưa tay. Nhân tình trĩu nặng hai vai, miệng cười, nhỏ lệ".
Trao đổi với Dân Việt, nghệ sĩ Trà My cho biết, lễ giỗ Tổ nghề rất quan trọng đối với những người làm nghệ thuật. Đây là dịp để nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ thành tâm tưởng nhớ các bậc tiền bối đã mở mang nghiệp Tổ, dìu dắt con cháu bước theo tiền nhân và phát triển sự nghiệp nghệ thuật chói sáng. Đây cũng là dịp để các hậu bối bày tỏ lòng tri ân với các tiền bối bằng các tiết mục văn nghệ, các món quà nhỏ và bữa cơm thân mật.
"Quanh năm, nghệ sĩ hát ca, diễn tuồng, diễn trò để mua vui cho đời, cho người… như con tằm rút ruột nhả tơ. Và giỗ Tổ nghề là dịp duy nhất trong năm để nghệ sĩ được nghỉ ngơi, quây quần bên nhau, trò chuyện vui vẻ và cùng nhau hưởng lộc Tổ nghề. Với chúng tôi, có lẽ đây là cơ hội để chúng tôi được thả lỏng mình, hát hò văn nghệ cho nhau nghe, không câu nệ hình thức, không câu nghệ phải diễn cho đúng tuồng. Năm nay, chúng tôi quyết định tổ chức giỗ Tổ nghề sân khấu sớm hơn mọi năm vì biết nhiều nghệ sĩ sẽ vướng bận và còn tham dự giỗ Tổ ở nhiều sân khấu khác", nghệ sĩ Trà My trải lòng thêm.
Nghệ sĩ Quang Tèo cũng chia sẻ với Dân Việt rằng, thay vì tổ chức lễ giỗ Tổ nghề ở một sân khấu hoặc nhà hát nào gần trung tâm thành phố Hà Nội thì năm nay anh muốn tổ chức tại chính ngôi nhà của mình. Dù nhà mới hoàn thành, chưa đầy đủ tiện nghi và hơi xa thành phố nhưng có khuôn viên rộng rãi nên mọi người sẽ thoải mái để trò chuyện, giao lưu, hát hò.
Năm nay, khi có ý tưởng giỗ Tổ nghề tại tư gia, anh đã bàn với nghệ sĩ Trà My và đạo diễn Mai Long để làm sao tổ chức cho trang nghiêm, long trọng, chu đáo, ấm cúng. Vì lẽ đó mà chương trình được chia làm hai phần, phần đầu là tế lễ do các vị sư tụng kinh, tuyên sớ và NSƯT Đỗ Kỷ đọc văn tế Tổ nghề sân khấu; phần thứ hai là phần hội gồm thụ lộc và hát hò giao lưu vui vẻ.
"Chúng tôi được xem là thế hệ nghệ sĩ đã thành danh nên có trách nhiệm phải tiếp nối đạo lý uống nước nhớ nguồn của tiền nhân và dìu dắt thế hệ nghệ sĩ đi theo truyền thống ấy. Lễ giỗ Tổ nghề hàng năm nhắc nhớ chúng tôi phải sống trọn vẹn với nghệ thuật và luôn rèn dũa mình để xứng đáng với hai chữ "nghệ sĩ".
Theo truyền dạy của những người trong nghề sân khấu thì tam vị thánh Tổ của nghệ thuật sân khấu gồm có Tiên Sư là người khai sáng ra nghề sân khấu; Tổ Sư là người nối tiếp và lưu truyền nghề; Thánh Sư là người soạn tuồng nhưng ngày nay còn có cả những khán giả đã hết mình đồng hành cùng nghệ thuật nữa. Đây là dịp để chúng tôi cũng nói lời cảm ơn họ vì đã chung tay để đưa nghệ thuật phát triển, giúp nghệ sĩ sống tốt được với nghề", nghệ sĩ Quang Tèo bộc bạch thêm.