Dân Việt

Sau 46 lần thất bại, chàng trai xứ Thanh khởi nghiệp thành công với tương ớt ngon "bá cháy"

Thùy Anh 03/09/2022 11:53 GMT+7
Bỏ mức lương nghìn đô ở xứ người, chàng trai trẻ quyết định về Việt Nam khởi nghiệp ở một lĩnh vực đầy rủi ro với khó khăn chồng chất khó khăn. Mặc dù vậy, anh đã đạt được những thành công đầu tiên.

Lê Minh Cương chia sẻ cách làm ớt truyền thống. VD: M.C

Người Việt xưa đã làm ra tương ớt truyền thống như thế nào? Những loại tương ớt chúng ta ăn phổ biến hiện nay trên thị trường liệu có phải là tương ớt truyền thống? Đau đáu khi căn bếp của người Việt có 2 thứ là nước tương và tương ớt đã không còn giữ được vị xưa nguyên bản, Lê Minh Cương – một cựu du học sinh ngành Du lịch tại Singapore đã bỏ mức lương nghìn đô về quê khởi nghiệp nông nghiệp với mong muốn nâng tầm giá trị cho nông sản Việt qua các sản phẩm chế biến nói không với hóa chất.

Khoản nợ 5 tỷ đồng và cơ duyên khởi nghiệp tới với tương ớt 

Lê Minh Cương (30 tuổi) đến từ thành phố Thanh Hóa – tỉnh Thanh Hóa hiện đang là người sáng lập Spico Country - Ớt Việt, hồn Việt. Lê Minh Cương từng là cựu sinh viên ngành du lịch tại Singapore. Sau khi tốt nghiệp, dù được nhiều công ty nước ngoài mời về làm việc nhưng Cương trở về TP.Hồ Chí Minh làm việc theo đúng chuyên ngành với mức lương nghìn đô.

Năm 2016, Cương quyết định từ bỏ công việc để trở về quê hương và chọn nông nghiệp là hướng đi khởi nghiệp. Sản phẩm ban đầu Cương chọn đó là sản xuất và chế biến các sản phẩm từ quả gấc nhưng đã nhanh chóng thất bại vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Anh gánh khoản nợ lên tới 5 tỷ đồng dù vợ lúc này vừa sinh con nhỏ.

khởi nghiệp tương ớt

Lê Minh Cương chia sẻ bí kíp làm tương ớt truyền thống. Ảnh: T.A

Sau thất bại này, Cương chuẩn bị cho lần khởi nghiệp thứ 2 với bộn bề nỗi lo, thiếu tiền gia đình khó khăn. Nhưng nói là làm, Cương bắt đầu tìm lớp học về chế biến thực phẩm. Thời gian đầu, để trang trải cho cuộc sống, Cương đã tự tay nấu chè, muối dưa, muối cà rồi đổ sỉ cho các đại lý ở TP.Thanh Hóa. Đó cũng là quãng thời gian để Cương trau dồi vốn kiến thức, lấy lại tinh thần, bản lĩnh để tiếp tục khởi nghiệp.

Vốn là một người ưa thích công việc chế biến thực phẩm, Cương bắt đầu mày mò tìm hiểu các loại gia vị trong căn bếp. Nhận thấy, trong bếp ăn của người Việt có 2 thứ gia vị là nước tương và tương ớt đã không còn giữ được vị nguyên bản như xưa, hơn nữa, các thành phần tương ớt công nghiệp trên thị trường hiện nay đều có chất điều vị, các thành phần từ cà chua, ớt chỉ chiếm khoảng 20%, Cương tìm kiếm các thông tin về tương ớt truyền thống.

Nói là làm, Cương đã tìm về làng nghề Chí Chương – một loại tương ớt truyền thống của Hải Phòng để nghiên cứu công thức và về quê tìm vùng nguyên liệu. Quê ngoại của Cương ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) – một vùng trồng ớt lớn chuyên phục vụ xuất khẩu. Khi thị trường Trung Quốc đóng cửa bởi dịch bệnh, giá ớt rẻ mạt, người dân nhổ bỏ ớt, Cương vô cùng xót xa cho nông sản quê mình. Điều này một lần nữa thôi thúc Cương phải quyết tâm chế biến bằng được tương ớt để giúp bà con quê hương ổn định đầu ra.

Trải qua 46 lần thử nghiệm với đủ các vị cay, nồng của hơn chục loại ớt, có lúc đầu lưỡi Cương rộp lên vì thử ớt, thế nhưng Cương vẫn kiên trì để tìm ra đúng vị tương ớt truyền thống. Tới lần thứ 47, Cương đã khởi nghiệp thành công vỡ òa trong cảm xúc khi đã tìm ra được đúng hương vị bấy lâu nay Cương kiếm tìm.

Hiện mỗi năm, công ty của Cương cung cấp ra thị trường hơn 20.000 chai tương ớt, tương cà với 6 loại khẩu vị khác nhau theo từng vùng miền, tới thị trường của 42 tỉnh, thành phố trên cả nước, cho doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Cương hiện cũng là người đồng sáng lập phiên "Chợ nhỏ an lành" quy tụ hàng trăm các nhà sản xuất từ khắp cả nước hội tụ về Thanh Hóa giới thiệu về sản phẩm an toàn, thiên nhiên của các bạn trẻ khởi nghiệp.

 Lê Minh Cương chia sẻ: “Suốt quá trình thử nghiệm có những hôm, nửa đêm tôi cũng giật mình tỉnh giấc khi nghĩ ra mình cần phải thêm thứ gia vị này, bớt thứ gia vị kia. Nửa đêm cũng phải đi thử ớt vì sợ tuột mất công thức. Tới lần thứ 47 thì vỡ òa trong sự vui sướng không khác gì Ác – si – mét ngày xưa tìm ra lực đẩy".

Ngay khi có sản phẩm, anh đã mang tặng khách hàng quen, để đánh giá sản phẩm. Tất cả các khách hàng đều phản ánh thấy ngon, và động viên anh tiếp tục làm thêm nhiều dòng sản phẩm mới.

Cho ra đời nhiều sản phẩm chế biến từ tương ớt

Điểm khác biệt của tương ớt cơ sở Cương làm là không có chất bảo quản, không chứa chất điều vị. Các thành phần ớt, cà chua chiếm tỷ lệ cao, từ 60 - 70% trong bảng nguyên liệu. Đầu năm 2020, Cương vay vốn bắt tay vào xây dựng nhà xưởng với số vốn bỏ ra là khoảng 100 triệu đồng.

"Trước đây khi còn học ở nước ngoài, tôi thấy mỗi quốc gia đều có sản phẩm truyền thống, đặc trưng của đất nước mình mang tới dự triển lãm. Còn ở Việt Nam, sản phẩm truyền thống vẫn vô cùng khiêm tốn", Cương nói.

khởi nghiệp tương ớt

Tất cả tương ớt cơ sở Cương làm đều được chế biến, ngâm ủ theo cách truyền thống. Ảnh: N.T

Chính bởi vậy anh quyết tâm khởi nghiệp, Cương mong muốn mang tới một sản phẩm mang sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống. Đó cũng là cách để sản phẩm tương ớt Việt, hồn Việt được đi khắp nơi trên thế giới.

Thay vì sản xuất công nghiệp, ủ trong những thùng nhựa để tăng công suất chế biến, Cương lại chọn cách ủ bằng chum theo phương thức truyền thống. Ớt được xay ra, ủ cùng muối và các nông sản khác từ 3 – 6 tháng để lên men tự nhiên trong những chiếc chum được phơi nắng, phơi sương theo theo thời gian.

Chấp nhận trả giá thành cao để đổi lại chất lượng ớt chuẩn, anh yêu cầu bà con nông dân tuân thủ triệt để quy trình sản xuất nông sản sạch, theo quy trình VietGap hoặc hướng hữu cơ. Sạch từ nguyên liệu đến khâu chế biến, đó cũng chính là yếu tố làm nên chất lượng tương ớt mà Cương đã dày công nghiên cứu.

Ngoài ra, anh cũng đầu tư rất lớn nhằm "thay tấm áo mới" cho những chai tương lớt truyền thống. Anh chấp nhận giá thành cao hơn dùng chai thủy tinh thay thế chai nhựa vì bảo quản sạch, an toàn là lâu dài hơn. “Sản phẩm được đựng trong chai thủy tinh nhằm đảm bảo giữ nguyên vị, vỏ chai có thể tái chế góp phần bảo vệ môi trường. Do không có chất bảo quản nên việc sử dụng chai thủy tinh sẽ giúp dễ dàng tiệt trùng sản phẩm bằng cách hấp ở nhiệt độ cao để tăng thời gian sử dụng", anh Cương nói.

Nhờ những nỗ lực ấy, hơn chục loại sản phẩm của công ty được người tiêu dùng hưởng ứng. Trung bình 2 -3 tháng, Cương lại phát triển thêm một sản phẩm mới. Mỗi sản phẩm gắn bó với một vùng miền, văn hóa Việt Nam như: Phúc Lộc Thọ; tương ớt miền biển; tương ớt Đình Hương... Anh Cương trở thành gương sáng khởi nghiệp ở vùng đất xứ Thanh. 

"Tôi ước mơ sẽ đưa sản phẩm của mình tiếp cận với nhiều người hơn và đưa tương ớt truyền thống vươn tầm thế giới", Cương nói.