Dân Việt

Buổi khai giảng đặc biệt khi học sinh hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ

Diệu Bình 05/09/2022 11:56 GMT+7
Sáng nay, 5/9, cùng với 23 triệu học sinh trên cả nước, thầy và trò Trường Chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng) đã tham dự lễ khai giảng, bước vào năm học mới 2022 - 2023.

Hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ

Từ 6h30 sáng 5/9, hàng trăm học sinh, phụ huynh, giáo viên... đã có mặt tại Trường Chuyên biệt Tương Lai để chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023.

Khác với những ngôi trường khác, Trường Chuyên biệt Tương Lai là nơi dạy văn hóa phục hồi chức năng - giáo dục kỹ năng sống, dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật. Đối tượng chính gồm các trẻ trong độ tuổi mầm non, tiểu học mắc các chứng chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính. Vì thế lễ khai giảng tại đây cũng đặc biệt hơn các ngôi trường khác khi hàng trăm học sinh cùng các thầy cô giáo hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ.

Buổi khai giảng đặc biệt khi học sinh hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ  - Ảnh 1.

Lễ khai giảng tại Trường Chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng) sáng 5/9. Ảnh: D.B

Anh Nguyễn Văn Thống (trú huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) có con trai khuyết tật bẩm sinh năm nay vào lớp 1. Anh chia sẻ, từ sáng sớm con đã dậy để chuẩn bị, háo hức cùng bố đến trường để dự lễ khai giảng.

"Năm nay cháu chính thức được lên lớp 1 nên cả nhà ai cũng vui cả. Thương con thiệt thòi với với các bạn cùng lứa nhưng ở ngôi trường này tôi hy vọng con có thể kết nối, chia sẻ với các bạn khác", anh Thống nói.

Buổi khai giảng đặc biệt khi học sinh hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ  - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Thống đưa con đến trường ngày khai giảng năm học. Ảnh: D.B

Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trường Trường Chuyên biệt Tương Lai cho biết, trường đón nhận 33 em học sinh mới trong đó có 32 em học sinh khuyết tật trí tuệ, 1 học sinh khuyết tật thính giác. Tổng số học sinh năm 2022-2023 là 267 em.

"Trong năm học mới, trường sẽ tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả những nhiệm vụ, những giải pháp đổi mới về giáo dục học sinh khuyết tật. Tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiệt, nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới các hoạt động sinh hoạt ngoài giờ lên lớp cho học sinh. Tổ chức tốt các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, các hoạt động ngoại khóa để tạo ra nhiều sân chơi, giao lưu giữa các học sinh", thầy Quy cho hay.

Buổi khai giảng đặc biệt khi học sinh hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ  - Ảnh 3.

Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trường Trường Chuyên biệt Tương Lai đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh: D.B

Buổi khai giảng đặc biệt khi học sinh hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ  - Ảnh 4.

Học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ. Ảnh: D.B

Mọi đứa trẻ đều như nhau trong ngày khai giảng

Một số học sinh bỗng la ó, khóc lóc, chạy ra khỏi cổng... khiến lễ khai giảng tại Trường Chuyên biệt Tương Lai trong sáng 5/9 trở nên thật đặc biệt.

Đối với những giáo viên dạy trẻ khuyết tật, họ không chỉ là những giáo viên dạy chữ mà còn là người bạn đồng hành cùng trẻ. Giúp đỡ, hướng dẫn học sinh điều khiển, chỉnh sửa hành vi lệch lạc của trẻ... là công việc hằng ngày của các thầy cô tại đây.

Buổi khai giảng đặc biệt khi học sinh hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ  - Ảnh 5.

Niềm hân hoan của các em khi được tặng hoa và quà trong ngày khai giảng. Ảnh: D.B

Gần 30 năm trong nghề, cô Trương Thị Ngọc Hà (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng), Phó Hiệu Trưởng Trường Chuyên biệt Tương lai, từ cô sinh viên Sư phạm Tiểu học còn nhiều bỡ ngỡ trong ngày đầu tiên bước vào trường, nay cô đã trở thành người mẹ, người bạn của bao lứa học sinh lớn lên từng ngày tại Trường Chuyên biệt Tương lai.

28 năm cống hiến không ngơi nghỉ, 28 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Hà thấu hiểu bằng hết những điều bên trong đôi mắt ngây ngô của trẻ, những nỗi đau không chỉ ở những đứa trẻ, mà ngay cả người làm cha mẹ phải trải qua.

Đối với cô Hà khai giảng năm nào cũng ý nghĩa, nhưng trong buổi sáng khai giảng hôm nay lại càng trở nên đặc biệt hơn, khi qua 2 năm Covid-19, đến nay cô mới có thể cầm tay các em bước vào lớp.

Buổi khai giảng đặc biệt khi học sinh hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ  - Ảnh 6.

Cô Trương Thị Ngọc Hà hướng dẫn các em tại lớp. Ảnh: D.B

Những nhành hoa, cái ôm hay phần quà trao tay các em trong ngày đầu tiên đến trường gửi gắm niềm hy vọng về những điều mới mẻ chào đón các em ở phía trước.

Nhiều thầy cô tại Trường Chuyên biệt Tương Lai tin rằng, đối với các em khuyết tật thì lễ khai giảng là một khởi đầu mới mang lại niềm tin, một cách để truyền lửa cho trẻ trong suốt trong quá trình đến trường, học tập.

Buổi khai giảng đặc biệt khi học sinh hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ  - Ảnh 7.

Lễ khai giảng tại Trường Chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng) năm học 2022-2023. Ảnh: D.B

"Nhìn con được đến trường, dự lễ khai giảng như bao trẻ bình thường khác nhiều phụ huynh xúc động, bật khóc. Phụ huynh xúc động vì giây phút đưa con dự khai giảng, mọi đứa trẻ đều như nhau, họ xúc động vì con sẽ được giáo dục, có bạn bè, thầy cô. Đối với những người làm nghề như chúng tôi thì đó là niềm vui, niềm vinh hạnh", cô Hà chia sẻ.