Nhắc đến đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần, khán giả sẽ nhớ tới những bộ phim đình đám như: Đất và người; Ma làng; Gió làng Kình… Theo ông, tại sao đến bây giờ khán giả vẫn luôn nhớ về những bộ phim này?
- Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam, nông thôn là một trong những nơi tập trung nhiều nhất mâu thuẫn về gia đình, dòng họ, đất đai, quyền lực… Nếu tìm hiểu nó và khai thác đúng về những hiện trạng như vậy ở nông thôn thì chúng ta sẽ có một dòng phim phục vụ đến gần 70% dân số ở nông thôn, đồng thời phản ảnh được tâm trạng và suy nghĩ của họ.
Tôi nhớ hồi tôi làm Ma làng, có một đại gia trong Nam tìm mọi cách để liên lạc với đoàn phim, thậm chí đưa tiền cho anh em liên hoan. Khi tôi hỏi tại sao vị đại gia lại làm vậy thì người đó trả lời rằng, do ông đã theo dõi từng tập và cũng có những năm tháng lang thang khổ sở ở nhiều vùng quê miền Bắc. Ma làng đã góp phần làm sống dậy những hồi ức của vị đại gia đó.
Có khán giả khác tâm sự với tôi, họ muốn cùng con mình ngồi xem Đất và người để chỉ cho nó cánh đồng thế nào, con trâu ra sao… Tôi nghĩ rằng, kể cả người thành phố bây giờ hầu như cũng đều có xuất thân từ nông thôn. Cho nên, tôi muốn làm ra bộ phim đánh đúng vào tâm lý, tình cảm của họ.
Gần đây, dòng phim về đề tài nông thôn bắt đầu trở lại trên màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, những tác phẩm này chủ yếu mô tả nông thôn thời kỳ đổi mới, bị ảnh hưởng bởi "cơn bão" thành thị. Ông nghĩ sao về hướng khai thác này?
- "Cơn bão" thành thị thực chất đã có từ những phim về trước của tôi, khi chúng ta từ lâu cũng chẳng còn xa lạ với hình ảnh "phố trong làng", đời sống người dân theo kiểu thành thị. Các phim bây giờ mô tả vấn đề này nặng hơn, tôi nghĩ đó cũng là điều hợp lý. Thế nhưng, từ những yếu tố như tính cách nhân vật hay đơn giản là phục trang nếu nhà làm phim không có sự tìm hiểu kỹ thì rất dễ khiến bộ phim của mình bị mất đi "chất" nông thôn, không thể tìm thấy yếu tố nông thôn ở bất cứ góc độ nào của phim, nhất là nếu chỉ chú tâm tới việc khai thác yếu tố thành thị ảnh hưởng ra sao.
Ông đã làm cách nào để giữ gìn bản chất văn hóa xã hội của nông thôn trong những bộ phim do mình thực hiện?
- Trước tiên, tôi có một lợi thế là xuất thân là người nông thôn. Cho nên, khi tìm hiểu và làm về đề tài này, tôi hầu như cũng không gặp vấn đề gì. Thế nhưng, nó lại dẫn đến một câu chuyện khác, đối với lớp trẻ hiện giờ, để làm một bộ phim "đặc" tính nông thôn lại là một chuyện không hề đơn giản.
Bởi vì với tiến độ làm phim nhanh đến chóng mặt hiện nay, việc tìm hiểu một đề tài cũng nhanh hơn. Thành ra các bạn lại muốn chọn những đề tài, những câu chuyện dễ ngấm hơn, giả dụ như tình yêu đôi lứa mà bỏ qua những yếu tố khác chỉ có ở nông thôn. Bản thân các bạn có lẽ cũng chịu ảnh hưởng bởi chất thành thị trong các phim của mình. Cho nên, để quay trở lại đề tài nông thôn như chúng tôi ngày xưa thành ra lại là một điều khó.
Như trong phim Gió làng Kình, chúng tôi tập trung khai thác câu chuyện cán bộ biến chất. Dù là chức vụ thấp nhất như trưởng thôn cũng có thể lợi dụng quyền lực, lôi kéo cả dòng họ nhà mình làm loạn làng xóm, thu lợi bất chính. Hay muốn vận động leo đến chức chủ tịch xã mà chỉ cần "mua" phiếu bầu bằng cách mời người dân một cốc bia để bầu cho mình, thế nên sẽ có một hệ thống chính quyền toàn một dòng họ. Tính dòng họ ở nông thôn luôn rất "kinh khủng".
Nhắc đến phim nông thôn của Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần thì khán giả không thể quên những nhân vật như Chu Văn Quềnh (NSƯT Hán Văn Tình) trong phim Đất và người. Khi xem các phim nông thôn hiện tại, khán giả vẫn dễ dàng nhận ra hình bóng của Chu Văn Quềnh trong đó. Quan điểm của ông thế nào?
- Khi làm ra một bộ phim, đề tài nào cũng cần tạo tính hấp dẫn và cần có nhân vật lôi kéo khán giả, góp phần xua tan đi bầu không khí căng thẳng. Chu Văn Quềnh là một nhân vật được sinh ra với lý do như vậy, dù anh ta là một con người bị bần cùng hóa dưới bối cảnh thời bao cấp.
Thật ra, ở bộ phim nào cũng sẽ có một nhân vật mang tính cách hài hước, khuấy động không khí như vậy. Riêng với bối cảnh nông thôn sẽ luôn có một anh giống với hình tượng Chí Phèo trong văn học khiến tất cả phải chú ý, đến nỗi mà nhiều khán giả từng gọi phim Đất và người là "phim Chu Văn Quềnh". Bởi vì tất cả những hành động của anh ta đều đặc biệt.
Chính vì vậy, một trong những yếu tố quan trọng của một bộ phim, hay văn học nghệ thuật nói chung là chúng ta có tạo ra một nhân vật có tính cách đặc biệt hay không? Nếu chúng ta cứ chung chung, tạo ra những nhân vật ghép vào đâu cũng được thì sẽ không thể khiến tác phẩm đem đến yếu tố hấp dẫn.
Ngoài ra, khi tôi làm phim cũng phải cất công yêu cầu diễn viên của mình tự đi khắp nơi để tìm hiểu nhân vật. Như vậy họ mới có thể thoát ra được hình bóng nhân vật cũ của mình để hóa ra thành một nhân vật khác đặc sắc hơn. Các diễn viên ngày đó của tôi như Bùi Bài Bình hay Hồng Sơn trong phim Ma làng đều vui vẻ, chấp nhận điều đó cho dù có mất thời gian. Tuy nhiên, việc này theo tôi không dễ có được trong các bộ phim hiện giờ.
Vậy khi nào khán giả sẽ được thấy đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần trở lại với phim đề tài nông thôn?
- Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, giả dụ như nhà đài cảm thấy đề tài nông thôn thực sự thu hút ở thời điểm này hay không, có hợp tính thị trường không? Như sau khi tôi làm phim Ma làng thì đến phim Làng ma 10 năm sau lại không thành công như mong đợi, có thể là không còn hợp thị hiếu khán giả nên không thể thành công như Ma làng trước đó.
Cảm ơn ông vì những chia sẻ!