Dân Việt

Lễ khai giảng năm học mới: "Nhiều trường vẫn nặng bệnh thành tích"

Tào Nga 07/09/2022 06:30 GMT+7
Chia sẻ về lễ khai giảng của mình, nhiều học sinh chỉ đáp ngắn gọn "Nắng nóng, em không thấy gì vui".

Học sinh mệt mỏi vì nghe phát biểu ngày khai giảng

Ngày 5/9 vừa qua, cả nước tưng bừng tổ chức ngày khai giảng năm học 2022-2023. Đối với học sinh, đây là một ngày vô cùng ý nghĩa khi các em được gặp bạn bè, thầy cô, trường lớp sau thời gian dài nghỉ hè ở nhà. 

Tuy nhiên, khâu tổ chức lễ khai giảng ở các trường vẫn gây nhiều tranh cãi bởi bên cạnh màn văn nghệ hân hoan, vui nhộn thì vẫn còn nhiều "thủ tục" với những bài phát biểu của hiệu trưởng, khách mời mang tính hình thức gây mệt mỏi, nhàm chán. Không khó để nhìn thấy hình ảnh hiệu trưởng, khách mời trang trọng đọc diễn văn ở phía trên còn học sinh ngồi phía dưới mệt mỏi, mướt mát mồ hôi hoăc nhốn nháo, nghịch ngợm, nói chuyện riêng. 

Bao giờ lễ khai giảng mới hết bệnh hình thức? - Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng năm 2022. Ảnh minh họa: Hưng Phạm

Em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 11 một trường THPT ở Hà Nội cho biết: "Nhiều năm tham dự lễ khai giảng em chỉ thích màn biểu diễn văn nghệ thôi. Em chỉ mong các thầy cô phát biểu nhanh gọn và thêm nhiều tiết mục văn nghệ hoặc trò chơi để chúng em cùng tham gia".

Cùng chung chia sẻ, em Hà Đức Huy, học sinh lớp 6 trường THCS ở Hà Nội cũng cho biết: "Khai giảng trời nắng, đông học sinh mà chúng em phải mặc đồng phục ngồi giữa sân trường nên rất nóng. Mẹ đã cho em chiếc quạt tích điện để cầm theo nhưng em thấy khá mệt mỏi".

Một vị phụ huynh chứng kiến toàn bộ buổi lễ khai giảng của con cũng cảm nhận khai giảng hiện nay vẫn còn mang nặng tính hình thức: "Đầu tiên là đón học sinh đầu cấp sau đó là một loạt các bài phát biểu của nhà trường và khách mời. Sau cùng mới có 1, 2 tiết mục rồi các em về lớp. Năm nào cũng như năm nào với kịch bản chương trình chung của các trường. Tiếng vỗ tay to nhất của các em là lúc kết thúc chương trình". 

Chị Đinh Lan Phương, một phụ huynh có con học lớp 2 bày tỏ: "Ngày xưa chúng ta khai giảng là ngày đầu tiên đến trường với nhiều bỡ ngỡ. Bây giờ học sinh đi học trước cả tháng rồi nhà trường lại tập dượt trước nên bây giờ lễ khai giảng không còn ý nghĩa nữa".

 Để 60 phút khai giảng trở nên ý nghĩa

Liên quan đến tổ chức khai giảng, anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Đồng hành cùng con vượt qua các kỳ thi" chia sẻ: "Khai giảng hiện nay đã được nhiều trường tổ chức gọn nhẹ và thời gian chỉ kéo dài trong vòng 60 phút. Tuy nhiên một số trường tổ chức lễ khai giảng kéo dài không cần thiết do phát biểu của nhà trường, đại biểu và đại diện học sinh. Thiết nghĩ các trường nên hướng tới sự gọn nhẹ, có như vậy mới phù hợp và các con sẽ cảm thấy háo hức theo đúng nghĩa ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Khai giảng ngoài phần lễ quen thuộc là lễ chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước, thiết nghĩ các trường không nhất thiết yêu cầu các con ngồi vài tiếng, có thể tùy vào từng trường để tổ chức lễ hội dân gian, vui chơi và tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Nếu đã lấy học sinh làm trung tâm, khai giảng phải là ngày hội đúng nghĩa của các con".

Bao giờ lễ khai giảng mới hết bệnh hình thức? - Ảnh 2.

Một học sinh mếu máo đến trường dự khai giảng. Ảnh minh họa: Phạm Hưng

Bày tỏ ý kiến của mình, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: "Câu chuyện khai giảng dài dòng diễn ra nhiều thế hệ đến nay, từ thời ông bà, bố mẹ và giờ là con cháu. Chữ "oai", bệnh hình thức trong văn hóa Việt Nam đã ăn sâu. Dễ dàng nhìn thấy hình ảnh các cháu mượt mà quần áo, ngồi im vỗ tay phía dưới còn nhà trường, khách mời đọc thành tích ở phía trên, chứ không phải giá trị đích thực của lễ khai giảng.

Lý do thứ hai là phần lễ quá nhiều mà ít phần hội nên học sinh cảm thấy chán. Bây giờ khai giảng đã rút ngắn trong 60 phút nên phần hội lại càng ít đi. 

Lý do thứ ba, đáng lẽ đối tượng được tham gia trong ngày khai giảng là học sinh thì lại là hiệu trưởng, hiệu phó, khách mời, còn học sinh chỉ là diễn viên quần chúng. 

Những lý do trên xuất phát từ xa xưa. Còn lý do cuối cùng xuất hiện vào những năm gần đây khi ngày khai giảng không phải là ngày đầu tiên đến trường. Các em đã học cách đó vài tuần nên ngày khai giảng chỉ còn mang tính hình thức. Ý nghĩa của ngày khai giảng đã biến mất khỏi đầu học sinh và khiến cho ngày khai giảng mất đi tính hấp dẫn. 

Thay vào đó các trường nên có sự thay đổi cho năm sau. Chỉ giữ 30% phần lễ và để 70% thời gian cho phần hội. Đối tượng là học sinh chứ các em không phải ngồi nghe hát. Các em phải được chào đón, được tặng những món quà, tham gia trò chơi, văn nghệ... Các em đến trường hân hoan và bố mẹ đi theo sau chứ không phải bố mẹ kéo tay đi như hiện nay".