Danh tướng Tam Quốc Triệu Vân, tự Tử Long, là người có danh vọng cao nhất trong "ngũ hổ thượng tướng" triều Thục Hán.
Tuy nhiên, chức quan của ông dưới thời Lưu Bị lại không cao, mãi tới khi Lưu Thiện lên ngôi, Triệu Vân mới được thăng quan tiến chức.
Triệu Vân được lịch sử công nhận là vị tướng tài hoa. "Không doanh kế ở Định Quân Sơn" hay "huyết chiến dốc Trường Bản" là những chiến công cho thấy ông là tướng quân mưu lược toàn tài.
Dù vậy, trong suốt chiều dài lịch sử của chính quyền Thục Hán, Triệu Vân không một lần được nắm giữ đại quyền.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc nhất trí rằng, sự lận đận trên con đường thăng tiến của Triệu Vân chắc chắn không có liên quan tới vấn đề năng lực của ông.
Hiện nay, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, việc "dìm" Triệu Vân thực chất là chiến lược đế vương của Lưu Bị.
Năng lực và phẩm chất cá nhân của Triệu Vân đều xuất sắc. Ông luôn sát cánh bên Lưu Bị, làm chức Vệ sĩ trưởng, bảo đảm an ninh cho Bị và gia quyến.
Cũng do vai trò "vệ sĩ của lãnh đạo", nên Triệu Vân thường không có cơ hội thống lĩnh đại quân cũng như lập đại công. Thành tích nổi bật nhất của ông thực tế lại là việc... cứu ấu chúa A Đẩu.
Đứng ở vai trò lãnh đạo, Lưu Bị có thể nhận thức 2 dạng trung thành: Trung thành đối với cá nhân và trung thành với sự nghiệp chung.
Có nhiều nhân vật trung thành với sự nghiệp, là những vị quan thành đạt, song không thể là thuộc hạ tốt nhất.
Trong khi đó, một thuộc hạ thân tín không hẳn là quan tốt.
Hòa Thân - Càn Long - Lưu Dung triều Thanh chính là ví dụ điển hình. Lưu Dung là nhân vật được Càn Long tin tưởng trong lĩnh vực chính sự, nhưng Hòa Thân mới thực sự là "tâm phúc" sát cánh bên vua.
Trong triều đình Thục Hán, Triệu Vân chính là "tâm phúc" của Lưu Bị.
Bên cạnh đó, nhiều học giả cũng nhận định, bản thân Triệu Vân vốn không ôm tham vọng lớn.
Ban đầu, Lưu Bị gặp Triệu Vân thông qua nhà quân phiệt Công Tôn Toản, Vân đã được biết đến là nhân vật trung thành tuyệt đối với cá nhân Toản.
Sau này, Toản chết ở Dịch Kinh, vốn dĩ Triệu Vân "thà về quê cũng không phản bội Công Tôn Toản để theo Lưu Bị", đủ thấy Tử Long là nhân vật không mang bất cứ lý tưởng cao xa nào.
Cũng vì vậy, một danh tướng như Triệu Vân mới an phận làm vệ sĩ cho Lưu Bị.
Triệu Tử Long được mô tả là nhân vật có tính cách cương trực, luôn nói thẳng.
Khi Lưu Bị chuẩn bị "chia của cải" ở Ích Châu, Vân đã đứng ra ngăn cản.
Lúc Bị muốn phát binh đánh Đông Ngô, cũng vẫn là Triệu Vân ra mặt can gián. Ngay cả Thừa tướng Gia Cát Lượng dù phản đối nhưng cũng không nói ra lời làm phật lòng Lưu Bị.
Về sau, Bị không nghe can gián mà phát động chiến tranh với Ngô, kết cục chuốc lấy thảm bại.
Qua hành động và lời nói của Triệu Vân, thấy được ông không có tư duy thâm sâu, không nắm bắt được tâm lý lãnh đạo.
Thế nhưng, chính việc "không hiểu chính trị" của Vân lại là phẩm chất khiến ông "lọt vào mắt xanh của Lưu Bị", và Bị cũng không phải lo lắng về chuyện "đề bạt" Vân.
Triệu Vân từng 2 lần cứu A Đẩu (Lưu Thiện). Một lần ở dốc Trường Bản, lần thứ 2 là từ tay Tôn phu nhân (Tôn Thượng Hương).
2 lần "vào sinh ra tử" với A Đẩu chắc chắn đã tỏ rõ được lòng trung thành, thậm chí là tình cảm sâu nặng của Triệu Vân đối với Lưu Bị và cả hậu chủ Thục Hán.
Có quan điểm cho rằng, Lưu Bị không nâng đỡ Triệu Vân trên quan trường bởi ông muốn "để dành" cho A Đẩu cơ hội báo ân cứu chúa.
Bên cạnh đó, động cơ chính trị cũng là điều nằm trong toan tính của Bị.
Nếu A Đẩu là người giúp Triệu Vân thăng tiến, thì lòng trung thành của Triệu Vân đối với Thục Hán và cá nhân A Đẩu sẽ thêm sâu sắc.
Sau khi Lưu Thiện lên ngôi đã lập tức phong quan cho Triệu Tử Long.
Năm 223, Triệu Vân được phong làm Trung hộ quân, Chinh nam tướng quân, Vĩnh Xương đình hầu, sau đó thăng lên Trấn đông tướng quân.
Năm 229, Triệu Vân bệnh mất. Văn thần võ tướng Thục Hán đã khóc thương danh tướng một thời này.
Nhưng phải tới 31 năm sau (260), trước sự phản ứng quyết liệt của đại tướng Khương Duy, Lưu Thiện mới truy phong Triệu Vân làm Thuận Bình Hầu.