Dân Việt

Đơn hàng èo uột, thiếu nguyên liệu, khó khăn bủa vây ngành dệt may

Quốc Hải 07/09/2022 13:30 GMT+7
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nguồn cung nguyên, phụ liệu đầu vào cho sản xuất ngành dệt may gặp nhiều khó khăn…
Khó khăn “bủa vây” ngành dệt may những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Ngành dệt may được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm... Ảnh: Quốc Hải

Ngành dệt may gặp khó về nguyên liệu, đơn hàng lại èo uột

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may Dony chia sẻ, những ngày này giá nguyên vật liệu may mặc đang có dấu hiệu "giảm nhiệt", dù vậy, nguồn cung cũng hơi khó khăn tùy theo từng chủng loại.

"Nếu so với tháng 3- tháng 4 năm nay, giá nguyên vật liệu đã giảm được khoảng 9-10% nhưng vẫn còn cao (thời điểm này năm ngoái giá nguyên vật liệu may mặc tăng khoảng 20% - PV). Tuy nhiên, điều đáng lo là hiện tại các đơn hàng cho những tháng cuối năm đang khá èo uột, do nhu cầu chung về tiêu dùng trên thế giới đang giảm", ông Quang Anh nói.

Cũng theo ông Quang Anh, Dony chủ yếu xuất khẩu hàng may mặc đi Mỹ và châu Âu nên cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách Zero Covid từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường Mỹ và châu Âu thì đang sụt giảm nên Dony sẽ gặp khó khăn về đơn hàng trong những tháng cuối năm, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo công việc cho người lao động thời gian tới.

"Hiện, Dony cũng đang đánh mạnh vào thị trường nội địa. Điều đặc biệt là dù các thị trường xuất khẩu có sụt giảm về đơn hàng nhưng thị trường nội địa thì đơn hàng may mặc khá đều", ông Quang Anh nói thêm.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho hay, do tình hình dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, đường cung ứng nguyên phụ liệu của thế giới có nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn cung ứng từ Trung Quốc, đã ảnh hưởng đến ngành dệt may Việt Nam.

"60% nguyên liệu dệt may trong nước nhập từ Trung Quốc, còn lại nhập từ các thị trường khác. Nguyên do là giá cả nguyên liệu từ Trung Quốc tương đối rẻ hơn do họ sản xuất sản lượng lớn, còn nếu đặt hàng ở nơi khác với sản lượng nhỏ thì giá sẽ cao hơn", ông Hồng nói.

Khó khăn “bủa vây” ngành dệt may những tháng cuối năm - Ảnh 2.

Nhiều DN cho biết tình trạng đơn hàng những tháng cuối năm đang khá èo uột... Ảnh: Quốc Hải

Theo ông Hồng, trước khó khăn về nguyên liệu của ngành dệt may, doanh nghiệp (DN) đã tìm cách để vượt khó như tìm thị trường mới là Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ… để bổ sung sự thiếu hụt.

Ngoài ra, các DN trong nước cũng kết nối với nhà sản xuất nguyên phụ liệu trong nước nhưng do tỷ lệ nội địa hóa chưa cao nên cũng khó khăn.

"Nhiều thời điểm, các DN phải chấp nhận mua nguyên liệu với giá cao để đảm bảo sản xuất liên tục, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo đời sống cho người lao động", ông Hồng chia sẻ thêm.

Không chỉ gặp áp lực với việc thiếu hụt nguyên liệu, ngành dệt may cũng đang đối diện với nguy cơ thiếu đơn hàng, đang chấp nhận làm với giá thấp.

Chưa kể, ngành dệt may cũng đang phải đối mặt với những áp lực lạm phát ảnh hưởng tới sức tiêu dùng, ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 vẫn hiện hữu… Đặc biệt, thời guan gần đây yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.

"Từ ngày 21/6/2021, Đạo luật phòng chống lao động, cưỡng bức có hiệu lực, là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp khi phải đổi mặt với vấn đề truy soát nguồn gốc bông và sản phẩm làm từ bông Tân Cương.

Hoặc, EU và khả năng các thị trường lớn khác dự định sẽ thu phí Cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế, sử dụng đối với hàng nhập khẩu sẽ đặt ra vấn đề rất lớn buộc doanh nghiệp dệt may phải thay đổi trong thời gian tới", đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), chia sẻ.

Ngành dệt may gặp khó, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 43,5 tỷ USD có "chông chênh"?

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành dệt may 6 tháng cuối năm 2022, Chứng khoán VNDirect cho rằng lạm phát cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm thời trang ở Mỹ.

Mỹ đã cho thấy nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách. Người Mỹ đã quay trở lại văn phòng, kéo theo sự phục hồi về nhu cầu đối với các sản phẩm văn phòng như vest, áo sơ mi. Do đó, giá trị nhập khẩu dệt may của Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 30,9% đạt 66,3 tỷ USD.

Khó khăn “bủa vây” ngành dệt may những tháng cuối năm - Ảnh 4.

Các đơn hàng xuất khẩu may mặc qua Mỹ, Châu Âu đang gặp khó.. Ảnh: Quốc Hải

Tuy nhiên, theo VNDirect, nhu cầu dệt may tại Mỹ có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát cao.

"Lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh lên 9,1% trong tháng 6, một mức chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ qua. Vì vậy, khả năng nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022", báo cáo của VNDirect nêu.

8 tháng năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 30,1 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD. Như vậy, ngành tiếp tục xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD.

Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm nay, ngành dệt may dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 43,5 tỷ USD…

Ngoài ra, ngành dệt may còn đối diện rủi ro tỷ giá gây áp lực lên đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đến EU trong nửa cuối năm 2022.

Đồng EUR giảm xuống dưới 1,02 đô la vào ngày 07/07/2022, thấp nhất trong 20 năm qua, gần tương đương với đồng USD. Đồng tiền chung của khu vực EU đã liên tục giảm giá do lo ngại về suy thoái đến từ vấn đề nguồn cung năng lượng của EU, khi Nga đe dọa sẽ giảm cung cấp khí đốt cho Đức và nhiều nước khác.

VNDirect cho rằng triển vọng của ngành dệt may sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát lạm phát tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU. Bởi, hiện 85% doanh thu của các công ty dệt may đến từ xuất khẩu, trong đó Mỹ và EU chiếm 61%.

Do đó, nếu lạm phát kéo dài hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ làm giảm nhu cầu mua sắm đối với các sản phẩm dệt may.

Tuy vậy, theo VNDirect, triển vọng của ngành dệt may sẽ tươi sáng hơn trong Q1/2023 do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ EVFTA.

"Theo Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2% - 4% thuế xuất khẩu vào năm 2023. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu dự báo lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ đạt 8,3% vào năm 2022, trước khi giảm xuống 4,3% vào năm 2023", báo cáo của VNDirect nêu.

Cổ phiếu ngành dệt may có hấp dẫn?

Theo quan điểm của VNDirect, định giá cổ phiếu dệt may như hiện nay tương đối rẻ nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn với những khó khăn trước mắt (lạm phát, rủi ro tỷ giá…). Chưa kể, rủi ro đầu tư với nhóm này còn đến từ chi phí vận chuyển tăng cao.

Cụ thể, chi phí vận chuyển container đã tăng từ 1.500 USD/container 40ft (Thượng Hải-Los Angeles) vào tháng 7/2019 lên gần 8.852 USD/container 40ft vào tháng 3/2022, tăng gấp sáu lần trong vòng 4 năm.

Mặc dù chi phí vận chuyển có dấu hiệu hạ nhiệt vào tháng 4/2022 (-10% so với tháng 3/2022), song dự phóng rằng chi phí logistic sẽ vẫn ở mức cao (~7000 USD/container 40ft) trong năm 2022 do giá dầu leo thang.

Chi phí logistic cao hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc có nhiều đơn hàng FOB.

Do đó, VNDirect khuyến nghị Trung lập đối với các cổ phiếu ngành dệt may trong nửa cuối năm 2022.