Ngày 7/9, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tổ chức.
Đóng góp ý kiến về dự án luật này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã, phường nhưng phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động thực chất, hiệu quả.
Ngoài ra, cần có cơ chế để Ban Thanh tra nhân dân không hoạt động một cách bè phái hoặc đưa quá nhiều người thân, họ hàng vào làm việc.
Về nội dung công khai, Điều 11, Khoản 3 của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở liên quan đến việc công khai về đất đai như thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm là cần có quy định để công khai rõ ràng, cập nhật kịp thời.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, nếu để chậm trễ trong việc công khai về đất đai là nhân dân rất khổ và nếu công khai không rõ ràng thì lại là môi trường rất tốt, màu mỡ để nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng phát triển. Cho nên, cần có quyết định để đảm bảo được việc công khai về lĩnh vực đất đai.
Trong đó, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) quan tâm đến vấn đề mở rộng phạm vi Luật Thực hiện dân chủ cơ sở sang lĩnh vực của doanh nghiệp, của tổ chức sử dụng lao động.
Ông Lâm bày tỏ quan ngại và lo lắng khi mở rộng phạm vi Luật sang lĩnh vực các tổ chức có sử dụng lao động sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và không khả thi.
Vị đại biểu này phân tích, về mặt lý luận, dân chủ là người dân làm chủ, thể hiện mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với Nhà nước. Trong mối quan hệ này, người dân là người chủ thật sự.
Việc đặt vấn đề quan hệ dân chủ ở cơ sở hay dân chủ trong mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với nhà nước là hoàn toàn xác đáng và dự án Luật này để điều chỉnh, làm sâu sắc đảm bảo quyền làm chủ của người dân rất thuyết phục.
Tuy nhiên, nhìn vào mối quan hệ trong tổ chức sử dụng lao động, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy, mối quan hệ này gọi là hợp tác. Hợp đồng lao động thể hiện bằng hợp đồng và về bản chất, người trả lương là chủ sử dụng lao động đó. Còn người lao động là người đi làm thuê.
"Vậy bây giờ chúng ta đặt ra vấn đề ngược lại là người chủ trả tiền để thuê lao động ấy lại là đối tượng để cho người khác làm chủ mình. Vậy về mặt nguyên tắc lý luận như vậy liệu đã thông chưa, có thỏa đáng không?", ông Lâm băn khoăn, đồng thời đề nghị nên cân nhắc để làm rõ.
Nói thêm, vị đại biểu này cho rằng, mục tiêu chính của chúng ta là đảm bảo được bảo vệ quyền lợi người lao động trong mối quan hệ giữa người làm thuê với doanh nghiệp. Vì vậy, không nhất thiết phải quy định nội dung này thành luật riêng, chỉ cần bổ sung, sửa đổi quy định ở các luật hiện hành nêu trên.
Trước những lập luận đưa ra, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm. Nếu áp dụng thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp tương tự như ở xã, phường thì có lẽ không phù hợp và khiên cưỡng.
Bởi thực tế thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp hiệu quả không cao. Nếu vội vàng luật hóa nội dung này thì không đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả của Luật trong thực tiễn. Và có khả năng một số đối tượng sẽ lợi dụng, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì có thể làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh.