Ngày 6/9, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch triển khai chương trình trị giá 50 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chip nội địa và mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Trong số tiền trên, khoảng 28 tỷ USD sẽ được dùng để trợ cấp và cho vay nhằm giúp xây dựng các cơ sở sản xuất, lắp ráp và đóng gói một số loại chip tiên tiến hơn trên thế giới.
Khoảng 10 tỷ USD sẽ được dành để mở rộng sản xuất đối với những công nghệ cũ hơn trong ngành ôtô và viễn thông, trong khi 11 tỷ USD sẽ được sử dụng để nghiên cứu và phát triển các sáng kiến liên quan đến ngành này.
Trong thông báo, Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ hướng dẫn cụ thể về cách thức các công ty nộp đơn sẽ được công bố vào đầu tháng 2/2023.
Báo New York Times đưa tin bộ này sẽ rà soát và kiểm tra những doanh nghiệp nhận tiền hỗ trợ và thu hồi ngân sách từ những công ty vi phạm quy định.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết có thể bắt đầu giải ngân vào mùa Xuân tới, đồng thời khẳng định chiến lược này sẽ là cơ hội giúp đảm bảo an ninh quốc gia, thúc đẩy ngành sản xuất, đổi mới, nghiên cứu và phát triển của Mỹ.
Ngày 9/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật một dự luật trị giá hàng tỷ USD nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước cũng như các ngành chế tạo công nghệ cao khác.
Theo Đạo luật Khoa học và CHIPS, Mỹ sẽ dành 280 tỷ USD trong 10 năm tới cho lĩnh vực sản xuất chip và nghiên cứu khoa học.
Trong số này, 52 tỷ USD sẽ dành riêng cho ngành sản xuất chip, trong đó 39 tỷ USD sẽ được phân bổ cho "các ưu đãi trực tiếp nhằm kích thích sản xuất" để thúc đẩy việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất bán dẫn.
Số tiền này sẽ được phân bổ trong 5 năm, với 19 tỷ USD được giải ngân trong năm nay và 5 tỷ USD mỗi năm tới năm 2026.
Đạo luật này được thông qua đánh dấu sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, khi các nghị sỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đánh giá luật này là cần thiết để giúp Mỹ cạnh trạnh kinh tế với Trung Quốc, cũng như tăng cường an ninh quốc gia.