Từ Minh Mạng, qua Thiệu Trị rồi đến Tự Đức là một sự phát triển “chất thi sĩ” trong hoàng tộc của nhà Nguyễn và đặc biệt là với vua Tự Đức. Ông có thể xứng danh là nhà thơ vì sở thích, năng khiếu và sự nghiệp văn chương. Phải chăng đó là gien di truyền từ đời “ông” tới đời “cháu”. Vì thế cho nên có người đời sau trách vua Tự Đức suốt 36 năm ngự trị ngai vàng chỉ biết tập trung nhiều thời gian và công sức vào việc xướng họa thơ văn.
Trong những lúc thư nhàn, vua Tự Đức thường say mê đàm luận văn chương với các vị “quan thơ”. Và cho đến ngày nay, những giai thoại về thơ có liên quan đến vua Tự Đức vẫn còn được người dân trong kinh thành Huế lưu truyền, trong đó có giai thoại về Nguyễn Hàm Ninh, người làm thơ hay, đối đáp chuẩn, nhưng lại bị vua Tự Đức đánh đòn.
Chuyện kể lại rằng: Một hôm, vua Tự Đức mở tiệc chiêu đãi hàng trăm quan văn võ triều đình. Lúc nhà vua vừa ăn, vừa nói chuyện thơ phú rôm rả thì bỗng nhiên lại nhăn nhó kêu lên:
- Trẫm cắn phải lưỡi đau quá! Các khanh hãy lấy đó làm đề tài sáng tác một bài thơ để trẫm và mọi người cùng thưởng ngoạn. Ai làm nhanh và hay nhất thì được trẫm ban thưởng.
Nghe nhà vua nói vậy, các quan cùng tuân mệnh và không khí bữa tiệc trầm hẳn trong miên man suy nghĩ... Một lát sau, thủ khoa Nguyễn Hàm Ninh - vốn là người hay chữ, giỏi ứng đối nhanh và có tài thơ phú đứng dậy xin phép được dâng đọc bài thơ tứ tuyệt chữ Hán mà ông vừa làm xong. Vua cho phép, tất cả các quan cùng lắng nghe ông thủ khoa lấy giọng đọc bài thơ:
Sinh ngã chi sơ, nhĩ vị sinh;
Nhĩ sinh vi hậu, ngã vi huynh.
Đồng thời cộng hưởng trân cam vị;
Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình.
Ta ra đời trước, chú chưa sinh;
Chú phận làm em, ta làm anh.
Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng chung hưởng;
Cốt nhục mà sao nỡ đứt tình.
Nguyễn Hàm Ninh vừa đọc xong bài thơ, cả vua Tự Đức và các quan tham dự bữa tiệc đều vỗ tay khen bài thơ thật hay. Thực hiện lời hứa, Tự Đức ngậm đắng nuốt cay vì nghĩa bóng của bài thơ, thưởng cho mỗi câu thơ một lạng vàng. Nhưng ngay sau đó nhà vua cũng phán:
- Lời thơ rất tuyệt nhưng ý thơ rất ác (ám chỉ việc vua Tự Đức đã ra lệnh giết chết thái tử Hồng Bảo là anh cùng cha khác mẹ với mình) nên phải chịu phạt, mỗi câu thơ bị đánh một roi.
Thế là, làm một bài thơ hay, quá sát với hoàn cảnh của nhà vua, Nguyễn Hàm Ninh được nhận thưởng 4 lạng vàng và cũng phải chịu 4 roi quắn đít...
Lời bàn:
Từ xưa cho tới nay, “răng cắn lưỡi” là một chuyện thường tình đối với mỗi người và trong suốt cuộc đời, ai mà chẳng có nhiều lần bị răng cắn vào lưỡi? Nhưng chuyện này đối với vua Tự Đức và vị quan đương thời Nguyễn Hàm Ninh đã trở thành một giai thoại văn chương thú vị, sâu sắc và thâm thúy. Riêng với vua Tự Đức còn được thêm bài học nhớ đời. Văn thơ hay là điều đáng nể phục, nhưng sử dụng đúng nơi, đúng chỗ thì nó sẽ có tác dụng lớn lao, còn ngược lại thì nó sẽ hại chính mình và trường hợp của vua Tự Đức trong giai thoại trên là một minh chứng.
Dân gian có câu: Sự thật mất lòng, là vậy. Nguyễn Hàm Ninh đã thể hiện rõ tài năng của mình trong việc ứng đối văn chương và mô tả hoàn cảnh, sự vật và hiện tượng một cách chính xác, tinh tế. Nhưng vì thơ của ông quá hay, quá đúng với thực tiễn nên phải chịu đòn đau. Có tiếc là tiếc cho Nguyễn Hàm Ninh không hiểu hết quyền uy của kẻ làm vua. Ngay cả lúc đó nếu vua Tự Đức bảo ông chết thì ông cũng phải chết, cho nên việc ông bị đòn cũng là còn may. Thần thiêng nhờ bộ hạ, nhưng nếu cư xử với thuộc hạ như vua Tự Đức thì còn có ai dám làm quan để ông ta được làm vua?