Quan Vũ (160 - 219), tự Vân Trường, người Giải Lương Hà Đông (nay là Vận Thành, Sơn Tây), là danh tướng cuối thời Đông Hán, được xếp vào nhóm "ngũ hổ thượng tướng" triều Thục Hán.
Hình tượng Quan Công được văn hóa dân gian Trung Quốc mô tả "nghiêm nghị, vũ dũng tuyệt luân".
Những điển tích gắn liền với tên tuổi Quan Vũ qua tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" thời Minh như đào viên kết nghĩa, ôn tửu trảm Hoa Hùng... đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với người hâm mộ Tam Quốc.
Tại miếu Quan đế ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc có một câu đối về ông - "Hán phong Hầu, Tống phong Vương, Thanh phong Đại đế. Nho xưng Thánh, Thích xưng Phật, Đạo xưng Thiên tôn".
Bên cạnh việc được liệt đại Hoàng đế Trung Quốc truy phong, trong toàn bộ chiều dài lịch sử văn hóa và tôn giáo nước này, Quan Vân Trường là nhân vật duy nhất được cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo phong làm thần linh.
Trong lịch sử Trung Quốc, Quan Vũ là danh tướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Các nhà thống trị phong kiến xem ông là biểu tượng "trung dũng thần vũ" và tinh thần "vì nước quên thân".
Trong khi đó, đối với dân gian, Quan Công được xem như sự hiện hữu của khái niệm "nghĩa khí vân thiên".
Sự sùng bái của người dân Trung Quốc đối với Quan Công được đẩy lên cực điểm vào triều Thanh, khi Quan Vũ trở thành người đứng đầu các vị thần trong Nho giáo.
Nói cách khác, ông chính thức trở thành Võ Thánh của Nho gia, có địa vị ngang hàng với ông tổ của đạo này là Văn Thánh Khổng Tử.
Thậm chí, những phường hội kinh doanh, buôn bán còn sùng bái Quan Công hơn nhiều so với Khổng Tử.
Trong Phật giáo Trung Quốc, Quan Công được xưng là Già Lam thần.
Truyền thuyết Trung Quốc kể lại, người sáng lập ra thiền phái Thiên Đài là Trí Giả đại sư, triều Tùy.
Tương truyền ông từng "nhập định" tại núi Ngọc Tuyền, Kinh Châu và nghe được "tiếng gọi của Quan Vân Trường" - "Trả đầu cho ta!".
Trí Giả đại sư hỏi lại - "Ngài qua năm cửa trảm sáu tướng, giết người vô số, vậy ai trả đầu cho bọn họ?".
Vị đại sư này sau đó đã giảng giải Phật pháp cho Quan Vũ, khiến Quan Công hổ thẹn mà xin được truyền thụ "tam quy ngũ giới", trở thành đệ tử Phật môn và thề nguyện làm Hộ pháp cho Phật giáo.
Về sau, nhân vật anh hùng được người dân Trung Quốc kính ngưỡng Quan Vân Trường trở thành Già Lam bồ tát, cùng với Vi Đà bồ tát là hai đại Hộ pháp của Phật giáo.
Trong các chùa miếu thờ Phật, Già Lam là Hữu hộ pháp, Vi Đà là Tả hộ pháp.
"Quan thánh Đế quân", hay còn gọi là "Quan đế", vốn là một trong "Hộ pháp tứ soái" của Đạo giáo. Tín ngưỡng Đạo giáo ngày nay chủ yếu thờ phụng Quan Công như một Thần Tài.
Theo tín ngưỡng của đạo này, Quan đế là vị thần "trị bệnh trừ tai, trừ ma diệt ác, tru phạt phản nghịch, tuần sát Âm phủ".
Việc Quan đế được xưng là Thần Tài xuất phát từ hình tượng trung nghĩa của ông trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc.
Thương nhân Trung Quốc nhiều thế hệ cho rằng, Quan Công sinh thời rất giỏi về quản lý tài chính, phát minh ra "nhật thanh bạ" ghi lại nguồn, thu, chi, tồn hàng ngày rất rõ ràng. Hậu thế công nhận ông là "kỳ tài kế toán", nên phong làm "thần thương nghiệp".
Một nguyên nhân khác là thương nhân kinh doanh coi trọng "nghĩa khí và tín dụng", được cho là những phẩm chất của Quan Công.
Nguyên nhân thứ ba là truyền thuyết về "chiến thần" Quan Vân Trường, nói rằng sau khi Quan Công mất đã trở thành thần linh, quân đội bên nào được ông "trợ chiến" ắt sẽ giành được thắng lợi.
Các thương gia cũng hy vọng việc kinh doanh được Quan đế "trợ lực", làm ăn phát đạt.
Tại Đài Loan, Quan Công còn được các tín đồ xưng là "ân chủ", tức là "Chúa cứu thế".
Ở Nhật, Singapore, Malaysia, Philippines và thậm chí tại các khu người Hoa ở Anh Mỹ, tín ngưỡng thờ phụng Quan Vân Trường đều rất thịnh hành.
Do thương nhân Hoa kiều ở hại ngoại rất đông, nên tín ngưỡng thờ Thần Tài Võ Quan Công trở nên nổi bật.
Có học giả Trung Quốc đúc kết, nguyên nhân Quan Vũ được sùng bái đến vậy, chính là do sự tôn sùng của quan niệm dân gian đối với "nhân cách hoàn mỹ" trung - nghĩa - vũ - dũng.